Quý 1-2011: Lạm phát hơn 6,1%

Quý 1-2011: Lạm phát hơn 6,1%
TP - Ngày 24-3, Tổng cục Thống kê công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3-2011, tăng 2,17%. Như vậy, hết quý 1-2011, lạm phát leo tới 6,12%.

>> TPHCM: Tiết kiệm 400 tỷ đồng chi tiêu công

Trong tháng này, 11 nhóm hàng được đưa vào tính CPI, không có nhóm mặt hàng nào giảm giá. Mức tăng cao nhất là nhóm giao thông. Do chịu tác động mạnh của đợt tăng giá xăng dầu, cước phí vận chuyển và giá vé nhiều loại hình vận tải tăng nhanh, dẫn tới chỉ số giá nhóm này vọt lên 6,69% trong tháng 3;

Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng cũng tăng tới 3,67% do chịu ảnh hưởng của tăng giá chất đốt (gas, dầu hỏa), thép xây dựng, xi măng và nhiều loại vật liệu xây dựng khác; nhóm hàng ăn uống ngoài gia đình sau khi chiếm ngôi tăng mạnh nhất trong nhiều tháng, nay đứng vị trí thứ 3 với mức tăng 3,06%. Chỉ số giá vàng tháng 3 tăng 5% so với tháng trước; chỉ số giá USD tăng tương ứng 3,06%.

Theo Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính - ông Nguyễn Tiến Thỏa, thường thì lạm phát cơ bản (theo cách tính của ngân hàng, loại bỏ giá lương thực, dịch vụ ăn uống...) và lạm phát theo cách tính CPI công bố chênh nhau khoảng 3%. Ví như năm 2010 lạm phát CPI là 11,75%, trừ lùi đi 3% thì lạm phát cơ bản khoảng 8%. Mục tiêu CPI năm 2011 ở mức dưới 7% mà Quốc hội giao là khó thực hiện.

Ông Thỏa cũng phân tích nguyên nhân căn cơ của lạm phát lúc này vẫn là tiền đang nhiều hơn hàng (Tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế gấp 1,2 lần GDP).

Theo ông, những giải pháp của Nghị quyết 11 mà Chính phủ đưa ra đang nhằm mục tiêu khống chế tổng cầu, giảm tốc độ tăng trưởng tín dụng, giảm tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán, giảm bội chi ngân sách, cắt giảm đầu tư công... Khả năng, lạm phát những tháng tới sẽ giảm.

Hiện Bộ Tài chính đã tổ chức 14 đoàn kiểm tra giá các doanh nghiệp kinh doanh những mặt hàng quan trọng, kiểm tra tác động của đợt điều chỉnh giá điện, xăng dầu... Tránh tình trạng tăng giá kiểu tát nước theo mưa.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG