Đợi đến bao giờ?

Đợi đến bao giờ?
TP - Bốn tháng đã trôi qua, nhưng hơn 10.000 lao động về nước từ Libya vẫn chưa biết mình sẽ được hỗ trợ gì, bởi đến thời điểm này phương án hỗ trợ từ Bộ LĐ-TB&XH vẫn kín như bưng. Có lẽ chưa bao giờ, một chính sách liên quan đến cả vạn con người lại bí mật đến thế. Bí mật đến nỗi, cả NLĐ và doanh nghiệp đều bối rối không biết phải xoay xở ra sao.

> Lấy ý kiến phương án hỗ trợ lao động từ Libya về nước

Mới đây, tại Đại hội của Hiệp hội XKLĐ Việt Nam, khi các phóng viên đề cập đến nội dung phương án hỗ trợ lao động về từ Libya, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân và ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Cục trưởng QLLĐNN đều từ chối trả lời. Hơn ai hết, hai vị lãnh đạo này biết rất rõ NLĐ về từ Libya đang ngồi trên lửa khi phải đối mặt với khoản nợ ngân hàng (nhất là với lao động huyện nghèo) và doanh nghiệp thì đang tiến rất gần bờ vực phá sản.

Vậy, lý do gì mà phương án hỗ trợ lại chậm ban hành đến vậy? Nhiều người bảo nguyên nhân sâu xa là vì tiền, nhưng Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước còn hơn 100 tỷ đồng, để làm gì? Mà số tiền này cũng do người lao động và doanh nghiệp đóng để họ được hỗ trợ mỗi khi gặp rủi ro chứ đâu phải dùng vào việc gì khác.

Còn nhớ, tại buổi họp báo ngày 9-3-2011 ở sân bay Nội Bài, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân, khẳng định sau khi toàn bộ số lao động từ Libya về Việt Nam, bộ sẽ căn cứ vào tình hình để lên phương án hỗ trợ cho các lao động và hướng giải quyết về vấn đề này. Bộ cũng sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ và kiến nghị để có chính sách hỗ trợ lao động, không để lao động quá thiệt thòi sau khi về nước.

Thời điểm đó, nhiều doanh nghiệp trong nước cũng mong muốn được tiếp nhận lao động về từ Libya vào làm việc, chia sẻ khó khăn. Đích thân Bộ trưởng Ngân và đoàn tuỳ tùng đã vào tận Long An để thị sát một doanh nghiệp hứa tiếp nhận cả vạn lao động. Nhưng nay, mọi chuyện đâu vẫn đóng đấy. Hàng nghìn lao động vẫn không có việc làm, hàng tháng phải chạy đôn đáo kiếm tiền trả gốc, lãi cho ngân hàng.

Khó khăn chồng chất, sốt ruột, nhiều doanh nghiệp hỏi lãnh đạo Bộ LĐTB&XH thì được trả lời phải đợi thôi. Lao động vì quá bức bách, gọi điện hỏi doanh nghiệp, cũng chỉ nhận câu trả lời phải đợi thôi. Nhưng đợi đến bao giờ, trong khi chuyện cơm áo hàng ngày đâu có đợi ai.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG