Hàng chục dự án bất động sản… bất động

Hàng chục dự án bất động sản… bất động
TP - Gần 50 dự án bất động sản, khu đô thị được cấp phép gấp rút trước ngày huyện Mê Linh sáp nhập về Hà Nội đang bộc lộ nhiều bất hợp lý. Tiến độ triển khai quá chậm, hàng trăm ha vốn là đất canh tác nay để cỏ mọc, hạ tầng dang dở...

> Nghịch lý mặt bằng
> Một tỷ đồng/m2 và gần 300 dự án ì ạch

Đô thị không bóng người

Từng là điểm nóng của nhiều đợt sốt đất, nhưng khu đô thị Hà Phong đặt tại xã Tiền Phong diện tích 37 ha sau nhiều năm triển khai mới chỉ có khoảng chục căn nhà thấp tầng do người dân tự xây dựng. Các tuyến đường nội bộ cỏ hoang mọc lút đầu gối, trở thành nơi chăn thả trâu bò, phơi thóc lúa. UBND huyện Mê Linh cho biết, một số khu đô thị như Hà Phong mặc dù chưa xây nhà nhưng cơ bản đã bán xong đất, theo hình thức chia lô bán nền do dân tự xây. Tương tự, dự án đô thị Quang Minh nằm ven sông Cà Lồ dù đã xây hàng trăm nhà liền kề, biệt thự nhưng cũng hết sức hoang vu, chưa có một căn nhà nào được đưa vào sử dụng vì thiếu hạ tầng và nằm quá xa khu dân cư.

UBND huyện Mê Linh cho biết, 49 dự án bất động sản, khu đô thị đều được tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt chủ trương đầu tư từ trước khi Mê Linh sáp nhập vào Hà Nội. Vấn đề nhức nhối hiện nay là tiến độ hầu hết các dự án đều quá chậm so với yêu cầu. Về giải phóng mặt bằng (GPMB), hiện mới có 16 dự án bước đầu triển khai; 33 dự án vẫn án binh bất động. Những dự án đang triển khai gồm: dự án khu nhà nghỉ Nam Sơn rộng hơn 31,9 ha tại xã Tiền Phong của Cty CP Vĩnh Sơn; dự án khu nhà ở Minh Giang- Đầm Và; khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh 2 của HUD, dự án của Cty CP Đầu tư phát triển 18... Trong 16 dự án, đến nay mới có 10 dự án đang trả tiền đền bù cho dân và 6 dự án đang kiểm đếm, lên phương án bồi thường. Theo thống kê của UBND huyện, nếu cộng cả một số dự án sản xuất công nghiệp và 49 dự án bất động sản, khu đô thị thì tổng diện tích phải GPMB lên tới hơn 1.600 ha.

Vì sao chậm?

Về nguyên nhân chậm triển khai, ông Đào Trọng Phú – Trưởng ban GPMB huyện Mê Linh cho hay, khi huyện sáp nhập về Hà Nội đã có sự thay đổi lớn về quy định bồi thường GPMB. Thay vì trả đất dịch vụ cho dân theo tỷ lệ diện tích thu hồi và số nhân khẩu như trước, nay nhiều dự án đang xin chuyển sang bồi thường theo Nghị định 69 của Chính phủ và Quyết định 108 của UBND Hà Nội, nâng mức bồi thường lên 294 triệu đồng/sào đất nông nghiệp. “Theo quy định, các dự án đã phê duyệt rồi sẽ không phê duyệt lại. Thành phố vừa có chủ trương “mở” cho phép từng dự án được điều chỉnh phương án GPMB. Theo đó, khoảng hơn 10 dự án không phải trả đất dịch vụ cho dân mà thanh toán theo quy định mới”-Ban GPMB huyện cho hay.

Ngoài ra, một nguyên nhân khác khiến 33 dự án đô thị chưa triển khai vì đang thuộc diện chờ rà soát của thành phố theo Quy hoạch chung. Cũng theo Ban GPMB huyện Mê Linh, trong số những dự án chưa triển khai, có nhiều chủ đầu tư không đủ năng lực hoặc tìm đủ mọi lý do để đình hoãn tiến độ. Điển hình, dự án Khu công nghiệp Quang Minh II rộng 193 ha nhiều năm bỏ hoang đất, mới đây chủ đầu tư lại xin điều chỉnh quy hoạch, chuyển chức năng sử dụng đất sang làm nhà ở!

Khu đô thị Hà Phong giờ để... cỏ mọc
Khu đô thị Hà Phong giờ để... cỏ mọc.

Hậu quả kéo dài

Theo UBND huyện Mê Linh, do trước đây được phép chia lô bán nền thẳng cho dân (chủ đầu tư không phải xây nhà) nên đã góp phần làm cho tình trạng bỏ hoang đất diễn ra tràn lan. “Người dân không buộc phải xây nhà, chủ dự án thì đã bán hết hàng, thu lợi nhuận xong. Hầu hết đất các dự án giờ thành sản phẩm mua đi bán lại của người đầu cơ nên càng không thể xác định được bao giờ thì hết bỏ hoang đất”-một cán bộ thuộc UBND huyện nói. Chủ một văn phòng môi giới bất động sản nằm sát khu đô thị Hà Phong khẳng định, đã mấy tháng nay văn phòng này không có giao dịch vì các nhà đầu tư thứ cấp đã thật sự hoảng với đất Mê Linh vì giá bị thổi quá cao và cách quá xa trung tâm Hà Nội.

Đại diện Ban GPMB huyện phản ánh, khi tiếp xúc với người dân thuộc diện GPMB, điều đầu tiên mà họ hỏi là bao giờ được trả đất dịch vụ? Tính tổng diện tích đất dịch vụ mà huyện Mê Linh còn phải trả cho dân bằng đất thịt (đất có hạ tầng-PV) lên đến hơn 45 ha. Đây là phần đất phải trả cho dân khi thu hồi đất sản xuất nông nghiệp thực hiện các dự án.

Với nhiều hộ dân tại khu công nghiệp Quang Minh (chủ yếu bị thu hồi đất trước thời điểm tháng 7-2004) hiện thành phố chưa có hướng dẫn giải quyết họ có được đất dịch vụ hay không. Bị thu hồi đất nhiều nhất thuộc các xã Tiền Phong, Mê Linh, Quang Minh, Thanh Lâm...với hàng ngàn hộ dân bị thu hồi đất. Khi Mê Linh chưa nhập về Hà Nội thì tỉnh Vĩnh Phúc đã có quy hoạch đất dịch vụ. Đất dịch vụ được quy hoạch ngay tại các thôn, xã, nơi có người dân bị thu hồi đất nông nghiệp. Huyện Mê Linh đang xin ý kiến TP Hà Nội những quy hoạch trước đây có vi phạm Quy hoạch chung và quy hoạch chuyên ngành không? Nếu không vi phạm mới tiếp tục làm hạ tầng rồi cấp trả đất cho dân.

Nông dân đang thiếu đất sản xuất, nuôi trồng, song hàng trăm ha đất đô thị lại để cỏ mọc, hàng ngàn căn nhà bỏ hoang. Và, một lượng vốn rất lớn đầu tư vào các dự án đắp chiếu không biết đến bao giờ có thể thu hồi?

Khi gặp tôi nhiều người dân có ý kiến: Nếu diện tích đất đó dành cho sản xuất công nghiệp hoặc nông nghiệp thì sản phẩm làm ra cho xã hội và khả năng giải quyết việc làm sẽ cao hơn nhiều so với các khu đô thị bỏ hoang”. - Trưởng ban GPMB huyện Mê Linh đào trọng phú

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG