Nhập khẩu thịt gia tăng

Nhập khẩu thịt gia tăng
TP - Chiều 18-7, Bộ NN&PTNT họp, yêu cầu tăng sản xuất nhằm tạo nguồn cung, kiểm soát giá cả các mặt hàng thiết yếu.

> Giá cả tăng do qua nhiều khâu trung gian
> Giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu vẫn ở mức cao

Ông Phạm Văn Đông, Phó cục trưởng Cục Thú y cho biết, do giá thịt trong nước tăng cao, nên lượng gia súc, gia cầm nhập khẩu, cả chính ngạch, tiểu ngạch, kể cả nhập lậu (từ Trung Quốc) cũng nhiều hơn.

Theo ông Đông, chỉ trong tuần qua, Việt Nam nhập khẩu gần 8.000 tấn thịt gia súc, gia cầm đông lạnh, trên 6.400 con trâu, bò sống nhập từ Campuchia. Cũng tuần qua, có 170 tấn lợn giết thịt, 4 tấn gà loại thải được nhập lậu từ Trung Quốc, qua các tỉnh Lạng Sơn và Quảng Ninh.

Cũng do chênh lệch giá, việc vận chuyển lợn thịt, lợn sữa, gia cầm giết thịt từ các tỉnh phía Nam ra Bắc cũng tăng đáng kể. Theo Cục Thú y, từ ngày 9 đến 15-7, có trên 12.000 con thịt, trên 8.800 con lợn sữa, và gần 46 nghìn gia cầm được vận chuyển từ phía Nam ra các tỉnh miền Bắc.

Còn ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Chăn nuôi, dẫn số liệu từ của Tổng cục Hải quan cho hay, từ đầu năm đến hết tháng 5, Việt Nam nhập khẩu gần 54 nghìn tấn thịt, trong khi cả năm 2010 chỉ nhập 84 nghìn tấn. Tuy nhiên, theo ông Giao, trong số gần 54 nghìn tấn nhập khẩu, có chủ yếu là thịt gia cầm (chiếm trên 97%) thịt đùi, cánh, chân… Trong khi đó, thịt lợn chiếm tỷ lệ rất ít, chủ yếu là thịt vụn, thịt xay, má, nguyên liệu làm xúc xích.

Theo cục Chăn nuôi, nhu cầu thịt 6 tháng cuối năm khoảng 1,7-1,8 triệu tấn thịt xẻ. Nguồn cung thịt lợn do sản xuất trong nước đang tăng khoảng 5-6%. “Từ nay đến cuối năm, thực phẩm trong nước sẽ thiết lập mặt bằng giá mới, thấp hơn 10-15%. Giá có thể giảm từ cuối tháng, giảm mạnh và giữ trong các tháng 8,9,10, tăng nhẹ vào các tháng cuối năm, nhất là thịt lợn hơi”- ông Giao nói.

Tăng kiểm soát giá hàng thiết yếu

Bà Trần Thị Miêng, Phó cục trưởng Cục Chế biến thương mại Nông lâm thủy sản và Nghề muối cho biết, hiện niên vụ đường 2010-2011 đã kết thúc, với lượng đường ép được trên 1,15 triệu tấn, cao hơn 260 nghìn tấn so với niên vụ trước. Tính đến 11-7, lượng đường tồn kho cả nước khoảng 293 nghìn tấn. Nếu không có tác động của giá đường thế giới, giá đường từ nay đến tháng 10 tới sẽ ổn định.

Bộ NN&PTNT cũng đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục cho phép nhập khẩu lượng đường đã cấp hạn ngạch năm nay vào cuối tháng 8 này, nhằm tạo yên tâm về nguồn cung đường, tránh đầu cơ, gây đột biến giá trong thời gian tới.

Theo Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát, thời gian tới, cần đẩy mạnh sản xuất để tăng nguồn cung với mặt hàng thực phẩm, rau xanh để giảm nhiệt. Ông Phát yêu cầu các cục, đơn vị của bộ phải “theo dõi sát giá cả các mặt hàng ở các vùng miền, để thông tin cho người sản xuất, tiêu dùng được biết để điều hòa thị trường. Đồng thời, phát hiện kịp thời những vướng mắc, cản trở trong quá trình điều hòa, vận chuyển thịt, cá, rau quả, đường, muối…để tháo gỡ sớm”.

Bộ NN&PTNT cũng đề nghị các địa phương tăng cường kiểm soát việc thực hiện đăng ký giá các mặt hàng, tránh hiện tượng tăng giá bất hợp lý. Bộ Công Thương được Bộ NN&PTNT sớm có chế tài xử lý thương nhân nước ngoài thu gom nông sản thực phẩm bất hợp pháp.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.