Từ nay đến cuối năm: Khó hạ lãi suất

Lãi suất khó giảm, do càng về cuối năm, ngân hàng càng căng thẳng về thanh khoản Ảnh: Hồng Vĩnh
Lãi suất khó giảm, do càng về cuối năm, ngân hàng càng căng thẳng về thanh khoản Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Hiện lãi suất cho vay của các ngân hàng vẫn ở mức 21-22%/năm. Theo giới chủ ngân hàng, không có cơ sở nào khiến lãi suất từ nay tới cuối năm sẽ giảm.

> Vay vốn không lãi suất, trả nợ bằng sản phẩm

Lãi suất khó giảm, do càng về cuối năm, ngân hàng càng căng thẳng về thanh khoản Ảnh: Hồng Vĩnh
Lãi suất khó giảm, do càng về cuối năm, ngân hàng càng căng thẳng về thanh khoản. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Phó Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại (NHTM) lớn (đề nghị không nêu tên), cho biết ngân hàng rất chia sẻ lãi vay đang cao nhưng tới đây, với room tín dụng ở mức 16%, thời gian tới, khó có cơ sở hạ lãi suất vì lãi suất huy động vẫn cao 17-18%/năm, nên lãi vay thấp nhất cũng phải du di ở mức 20-21%/năm.

Thêm nữa, thanh khoản cuối năm hứa hẹn căng thẳng nên các ngân hàng sẽ phòng bị. Bởi vậy, không chỉ khó giảm lãi suất, mà các ngân hàng còn phải siết cả hạn mức cho vay.

Một vị lãnh đạo ngân hàng phụ trách vốn vay, cho biết, ngay cả các khách hàng ruột, ngân hàng ông cũng chỉ dám cho vay nhỏ giọt, vì e ngại thanh khoản vẫn căng thẳng. “Ngân hàng không có để xông xênh, chứ nếu không chúng tôi không tiếc gì. Phải thông báo điều chỉnh lãi vay cao với khách hàng, chúng tôi rất áy náy” - ông nói.

Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng, bà Dương Thu Hương, lưu ý hiện nhiều doanh nghiệp dựa vào vốn ngân hàng tới 70-80%. “Là DN ai cũng muốn chi phí đầu vào thấp để hạ giá thành sản phẩm. Nếu lãi suất thấp, doanh nghiệp bán hàng sẽ có giá bán cạnh tranh hơn. Tuy nhiên, tại thời điểm này, mức giảm lãi suất chỉ khoảng 0,5%/năm. Lãi suất chưa có cơ sở để giảm mạnh bởi lạm phát còn cao”- bà Hương nói.

Về phương án Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bơm tiền cho các (NHTM) để thêm nguồn cung vốn, hạ lãi suất, thêm hạn mức cho vay cứu sản xuất, PGS.TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng tư vấn tiền tệ cho rằng, với mục tiêu kiểm soát lạm phát, chưa thể thực hiện giải pháp trên.

“Muốn giải bài toán lãi suất, cần phải xử lý dư nợ đang nằm trong các khoản vay bất động sản. Phải giải phóng nợ bất động sản bằng cách bán lại các dự án, khi đó tiền mới chảy về ngân hàng, mới có tiền cho sản xuất kinh doanh”- ông Ngân nói.

Theo ông Ngân, một điểm cần làm rõ lúc này là Tổng cục Thống kê phải công khai cách thu thập số liệu để tính toán lạm phát. Vì nếu chỉ lấy số liệu từ các chợ với chi phí lưu thông cao, đang đẩy giá cả lên cao bất thường, sẽ gây hiệu ứng tâm lý không tốt.

Doanh nghiệp hết đường làm ăn?

Dưới góc nhìn của DN sản xuất, ông Trần Văn Quang - Tổng giám đốc Cty chế tạo thiết bị điện Đông Anh, (đơn vị hiện có hơn 900 lao động) cho hay, mục tiêu lợi nhuận Cty đặt ra năm nay là 50 tỷ đồng đã cơ bản phá sản.

“Thị trường sản xuất đang gặp rất nhiều khó khăn, hàng làm ra khó bán, chi phí lãi vay quá cao khiến doanh nghiệp càng làm càng lỗ. Hiện chúng tôi mới vay hết 70% trong tổng số hạn mức 500 tỷ đồng nhưng vì lãi vay lên tới 21%/năm tính ra ngốn gần 60 tỷ (vừa bằng số tiền chi trả luơng thưởng cho hơn 900 cán bộ công nhân viên một năm) nên chúng tôi không thiết làm nữa” - ông Quang nói.

Bởi thế, dù rất cố gắng nhưng hiện Cty ông Quang đã phải cho một bộ phận công nhân nghỉ việc. Theo ông Quang, thực tế DN nhỏ Việt Nam đa phần đi lên từ tay trắng, không có hỗ trợ trong khi các nước trong khu vực đều ít nhiều có bảo hộ.

“Ví như cùng một mặt hàng, DN bạn hàng các nước Malaysia, Trung Quốc đang vay vốn với lãi suất 5-6%năm, lại thêm sự ổn định về tỷ giá nên giá thành sản xuất của Việt Nam làm ra bao giờ cũng phải cao hơn 30% so với các nước khác. Dù chất của mình tốt hơn nhưng lại thêm cơ chế chọn hàng không qua đấu thầu chỉ quan tâm đến giá thay vì chất lượng nên hàng của mình khó bán ngay cả trong nước” - ông Quang kết luận.

Còn ông Nguyễn Quang, Phó tổng giám đốc Cty Sơn Hà, thừa nhận lãi vay cao tới hơn 20%/năm đang khiến doanh nghiệp rất ngại vay. “Một năm Cty chi phí khoảng 100 tỷ tiền lãi trong khi cơ cấu lợi nhuận tính gộp cũng chỉ hơn 100 tỷ đồng. Doanh thu càng lớn, tỷ lệ trả lãi càng cao. Với doanh nghiệp khác vay được là sướng chứ còn chúng tôi hiện tại phải thực sự có nhu cầu, có đơn hàng xuất khẩu tốt mới dám vay”- ông Quang nói.

Theo ông, dù một vài ngân hàng đã phát đi tín hiệu giảm lãi suất nhưng ở mức gần như không đáng kể. Hiện, doanh nghiệp chỉ trông vào nguồn vốn bổ sung từ huy động trái phiếu dài hạn. Nhưng lãi suất trái phiếu cũng 25-26%, phát hành thêm cổ phiếu thì giá trên sàn rẻ như cho nên khó có cơ hội thành công.

Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa, TS Cao Sỹ Kiêm, cho hay tình hình DN nhỏ hiện còn khó khăn hơn năm 2009. Theo ông, đúng là nhiều doanh nghiệp đang thở thoi thóp. Với mức lãi vay trung bình 20-21%/năm, có doanh nghiệp phải chịu cao hơn nhiều. Nên lợi nhuận từ sản xuất khó mà gánh nổi lãi vay.

Theo thống kê của Hiệp hội DN nhỏ và vừa, có tới 20% số lượng DN đứng bên bờ vực phá sản, 60% DN phải thu hẹp sản xuất, rất ít DN dám mở rộng sản xuất kinh doanh. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ số tồn kho tại thời điểm 1-7-2011 của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng tới 16% so với cùng thời điểm năm trước.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG