Lãng phí tỷ đô

Lãng phí tỷ đô
TP - Trong lần trao đổi gần đây với PV Tiền Phong, ông Đào Văn Hưng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho rằng trong khối ASEAN, có chăng chúng ta chỉ hơn Lào, Campuchia, Myanma, còn thì đứng cuối về hiệu quả sử dụng năng lượng.

> Xi măng, thép thừa hàng, thiếu người mua
> Giá điện đang giúp cho người giàu

 
Lãng phí tỷ đô ảnh 1

Ảnh minh họa. Nguồn: Y.M

Việc sử dụng điện lãng phí đồng nghĩa chúng ta đang đốt hàng tỷ USD mỗi năm. Việt Nam cần một cuộc cách mạng thật sự về tiết kiệm điện chứ không phải hô hào chung như hiện nay.

Có nghịch lý, dù có mức tiêu thụ điện mỗi năm tới 112 tỷ kWh nhưng chúng ta luôn trong trạng thái thiếu điện và chưa bao giờ có nguồn điện để dự phòng. Đây luôn là một dấu hỏi lớn với ngành điện và các nhà quản lý: Tại sao chúng ta nghèo mà lại tiêu thụ lượng điện quá lớn như vậy? Tại các nước thuộc G20, tốc độ tăng trưởng sử dụng điện của họ chỉ dưới 1% hoặc hơn 1% là tối đa trong khi ở Việt Nam tốc độ tăng trưởng hàng năm vẫn từ 15% đến 20%/năm.

Theo ông Hưng, câu chuyện công tử Bạc Liêu dùng tiền đun nước mời bạn, được coi như một điển hình của lối chơi ngông xa hoa, lãng phí. Ông Hưng so với việc các gia đình khá giả, công sở...trang trí quá nhiều đèn, dùng điện quá lãng phí hiện nay, còn đốt tiền nhiều hơn cả công tử Bạc Liêu, song lại không ai để ý.

Ngay ở Hà Nội có những trường hợp dùng tới 30 - 40 triệu đồng/tháng tiền điện cho sinh hoạt. Những trường hợp này gây thiệt hại rất lớn cho ngành điện và cho cả những người nghèo, vốn chỉ dùng từ 20 - 30 số điện/tháng. Nói cho cùng, điện thiếu một phần lớn là do lãng phí trong sử dụng điện đang xuất hiện mọi nơi.

Ông Hưng tính, 86 triệu dân với khoảng 20 triệu hộ gia đình hiện nay, chỉ cần mỗi hộ tắt một bóng đèn thì sẽ có công suất tương đương nhà máy thủy điện Hòa Bình hoặc thủy điện Sơn La. Như vậy, chúng ta tiết kiệm được 3 tỷ đô la vốn đầu tư. Còn nếu chúng ta sử dụng điện vào giờ cao điểm, tính giá điện của các nguồn giá cao từ 4.000 - 5.000 đồng/kWh, thì chúng ta mất lượng tiền tương đương vài tỷ đô la.

Chúng ta đang đốt đô la khi mọi thứ ngành điện đều phải mua bằng đô la, thậm chí mua khí cho nhà máy điện trong nước cũng tính bằng đô la. Việc trang trí đèn cho cây xanh trên phố quá nhiều như hiện nay đồng nghĩa đang tiêu tiền của người nghèo.

Nên, theo ông Hưng, đã tới lúc cần một cuộc cách mạng trong tiết kiệm điện của dân chúng và công chức. Bên cạnh đó, ý thức tiết kiệm điện cần được thực hiện ngay từ khi xây dựng các công trình kiến trúc, với việc thiết kế, sử dụng thiết bị điện tiết kiệm. Vấn đề tiết kiệm điện, không chỉ là chuyện của nhà nước, mà phải được coi là câu chuyện giáo dục ý thức với mọi công dân.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG