Khoe hang động Tràng An với UNESCO

Khoe hang động Tràng An với UNESCO
TP - 300 đại biểu của hơn 100 quốc gia dự Đại hội đại biểu của Liên hiệp các Hội UNESCO thế giới và Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Liên hiệp UNESCO thế giới sẽ về thăm Ninh Bình ngày 21- 8. Ông Trần Hữu Bình- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình trả lời PV Tiền Phong về việc đón đoàn cũng như công tác chuẩn bị lộ trình đưa khu hang động Tràng An trở thành di sản thế giới.

Đây là đại hội thế giới UNESCO lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Ninh Bình đang chuẩn bị như thế nào để tiếp đón đoàn?

UBND tỉnh Ninh Bình đã có buổi làm việc với Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam và thành lập Ban tổ chức do một đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban để phân công cụ thể công việc.

Trong thời gian ở Ninh Bình đoàn đại biểu sẽ tham quan khu du lịch sinh thái Tràng An, tham quan khu di tích lịch sử văn hoá Cố đô Hoa Lư, dâng hương tại Đền vua Đinh vua Lê, tìm hiểu lịch sử của nhà nước phong kiến tập quyền đầu tiên của Việt Nam; thăm khu văn hoá tâm linh Chùa Bái Đính và dự lễ “Cầu nguyện thế giới hoà bình, cầu nguyện lý tưởng hoà bình của UNESCO trở thành hiện thực”.

Ông có thể cho biết giá trị của quần thể Cố đô Hoa Lư - khu hang động Tràng An - chùa Bái Đính?

Nằm trên địa bàn của huyện Hoa Lư, một phần của huyện Gia Viễn và thành phố Ninh Bình, Cố đô Hoa Lư - Khu du lịch sinh thái hang động Tràng An - Chùa Bái Đính có diện tích quy hoạch hơn 2.000 ha, hội tụ nhiều giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hoá, cảnh quan và sinh thái.

Cố đô Hoa Lư là Di tích lịch sử - Văn hóa đặc biệt quan trọng của quốc gia, là kinh đô đầu tiên của nền văn minh Đại Việt, tồn tại 42 năm.

Khu núi Chùa Bái Đính đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử. Với vị trí hiểm trở, thời nhà Đinh, núi Chùa Bái Đính từng được coi là căn cứ quan trọng án ngữ phía Tây kinh thành Hoa Lư. Giai đoạn 1930 - 1945 núi Chùa Bái Đính cũ là nơi hoạt động bí mật của cán bộ, đảng viên. Tại đây đã diễn ra hai cuộc diễn thuyết lớn kêu gọi nhân dân địa phương đi theo Đảng, từ đó góp phần phát động phong trào cách mạng ở Ninh Bình tiến tới Cách mạng tháng Tám năm 1945. Ngôi chùa cũ được tôn tạo và mở rộng đáp ứng nguyện vọng tự do tín ngưỡng của Phật tử và nhân dân trong cả nước.

Khu hang động Tràng An có thể nói là một “bảo tàng địa chất ngoài trời” với một hệ thống hang động hết sức phong phú là kết quả của quá trình hoạt động địa chất kéo dài hàng triệu năm. Khối Karst này là một bộ phận của miền Karst Tây Bắc Việt Nam rất có giá trị trong nghiên cứu khoa học địa chất, biến đổi khí hậu, hiện tượng biển tiến, biển lùi. Ở đây có hai hệ sinh thái: Sinh thái trên cạn và sinh thái dưới nước.

Quần thể di tích lịch sử cố đô Hoa Lư - khu du lịch sinh thái Tràng An - khu du lịch văn hoá tâm linh chùa Bái Đính lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, giá trị khoa học quan trọng. Nơi đây còn rất nhiều dấu ấn kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng trải qua nhiều triều đại, nơi thờ các danh nhân, anh hùng dân tộc như đền vua Đinh, vua Lê, chùa Nhất Trụ, chùa Bàn Long, chùa Bái Đính… Nhiều di tích khảo cổ đã được khai quật và những di tích còn đang được lưu giữ trong lòng đất, các bức tường thành bao quanh tạo nên “Thành nội”, “Thành ngoại” đã chứng minh cho sự tồn tại của kinh đô Hoa Lư cách đây 1.000 năm. Cùng với những di tích trên mặt đất, các nhà khảo cổ đã khai quật dưới lòng đất phát hiện nền cung điện cách đây 1.000 năm. Nhiều hiện vật quý giá minh chứng cho trình độ phát triển kiến trúc, nghệ thuật, kinh tế, văn hóa của dân tộc lúc bấy giờ. Những di vật này khẳng định nghệ thuật kiến trúc và trang trí thời Đinh - Lê phát triển mạnh và định hình được phong cách riêng: phong cách nghệ thuật Đinh – Lê đơn giản, khỏe khoắn và khác nghệ thuật Trung Quốc thời Đường - Tống.

Đoàn khảo cổ Anh quốc và các nhà khoa học của viện khảo cổ Việt Nam có những phát hiện mới nào ở khu sinh thái Tràng An?

Các chuyên gia của trường đại học Cambridge - Vương quốc Anh và các nhà khoa học chuyên ngành của Việt Nam đã tiến hành nghiên cứu di chỉ khảo cổ học và khai quật các hang động của quần thể danh thắng Tràng An như hang Trống, hang Bói, hang Mòi (khu hang động Tràng An); mái đá Hang Chợ (khu Tam Cốc Bích Động) bằng chứng đã cho thấy cuộc sống của người tiền sử ở khu vực này qua các giai đoạn chuyển tiếp từ Pleisetocene sang Holocene. Qua đó biết được cư dân thời tiền sử chịu sự tác động của biển tiến và cách thức thích nghi của họ dưới sự tác động của biển tiến Holocene. Đây là những giá trị về mặt văn hóa trong không gian cảnh quan núi đá vôi Hoa Lư. Trong tương lai, những hang động ở đây tiếp tục được nghiên cứu bởi đây cũng là vấn đề khoa học đang thu hút đông đảo các nhà nghiên cứu trong nước và trên thế giới.

Thám hiểm Tràng An Ảnh: Đức Hạnh
Thám hiểm Tràng An Ảnh: Đức Hạnh.

Qua một số hội thảo, giới khoa học và văn hóa đánh giá cao giá trị cảnh quan thiên nhiên và giá trị địa chất, địa mạo của hang động Tràng An. Nhưng nếu kết hợp Tràng An với chùa Bái Đính và Cố đô Hoa Lư thành di sản chung để trình UNESCO thì có hợp lý không, thưa ông?

Ninh Bình có may mắn được ban tặng những tài nguyên du lịch thiên nhiên và nhân văn vô giá. Tuy nhiên, để đệ trình UNESCO công nhận Di sản nào là Di sản Thế giới, chúng tôi phải cân nhắc một cách thận trọng, dựa trên giá trị tài nguyên, ý kiến của các hội thảo khoa học và các tiêu chí công nhận Di sản Thế giới của UNESCO. Hiện nay, UBND tỉnh Ninh Bình đang làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đề nghị Bộ trình Thủ tướng Chính phủ cho phép tỉnh Ninh Bình lập hồ sơ, đệ trình UNESCO công nhận Quần thể danh thắng Tràng An là Di sản thiên nhiên Thế giới, với khu sinh thái Tràng An là lõi của di sản.

Xin ông cho biết giá trị nổi bật riêng của Khu sinh thái Tràng An?

Khu Du lịch sinh thái Tràng An nằm về phía Đông Bắc tỉnh Ninh Bình, được coi là “Vịnh Hạ Long trên cạn”.Với diện tích trên 2.000 ha được bao bọc bởi các dãy núi đá vôi hình cánh cung giữa vùng chiêm trũng ngập nước đã trải qua thời gian dài biến đổi địa chất tạo thành, quần thể hang động tự nhiên ở đây hết sức đa dạng. Các dãy núi, hồ nước và hang động tạo thành một thế trận liên hoàn.

Các đầm nước được nối thông bởi 48 hang động xuyên thủy. Các hang có nhiều nhũ đá biến đổi, mỗi hang có một vẻ đặc trưng. Nơi đây còn lưu giữ được dấu tích của các triều đại qua các miếu mạo, đền phủ mang đậm dấu ấn lịch sử.

Đặc biệt, nhiều di vật, dấu tích của người tiền sử từ 5.000- 30.000 năm trước phát hiện ở hang Búi, hang Trống. Di chỉ khảo cổ học núi đá hang Chợ và núi đá ông Hay. Di chỉ khảo cổ học núi đá hang Chợ và núi đá ông Hay, hang núi Thung Bình.

Với giá trị đa dạng sinh học, Tràng An còn lưu giữ được hệ thảm động thực vật độc đáo, phong phú ít nơi nào có được, vừa có hệ sinh thái trên cạn vừa có hệ sinh thái dưới nước. Hệ sinh thái trên cạn còn là nơi lưu giữ khoảng 600 loài thực vật, 200 loài động vật trong đó nhiều loài được ghi trong sách đỏ Việt Nam cần được bảo vệ, cùng với hàng chục loài mới và đặc hữu. Hệ sinh thái dưới nước bao gồm khoảng 30 loài động vật nổi, 40 loài động vật đáy, trong đó có rất nhiều loài sinh vật lạ và quý hiếm, đặc biệt là Rùa cổ sọc được coi là động vật quý hiếm cần được bảo vệ. Những dải đá vôi với những hang động, thung lũng, sông ngòi cùng với vẻ đẹp sinh thái hoang sơ, non nước hữu tình, Tràng An ẩn chứa những giá trị tài nguyên du lịch nhân văn to lớn.

Căn cứ vào các tiêu chí về giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản Thế giới, Khu sinh thái Tràng An đáp ứng 2 tiêu chí sau:

- Tiêu chí về giá trị thẩm mỹ: “Di sản chứa đựng các hiện tượng thiên nhiên siêu việt hay khu vực có vẻ đẹp thiên nhiên khác thường và tầm quan trọng thẩm mỹ”.

- Tiêu chí về giá trị địa chất- địa mạo: “Di sản là những ví dụ nổi bật đại diện cho những giai đoạn quan trọng của lịch sử trái đất, bao gồm cả việc ghi chép lại cuộc sống, các quá trình địa chất lớn đang tiếp diễn trong sự phát triển của các địa mạo, hay những đặc điểm địa chấn và địa hình lớn”.

Ông Trần Hữu Bình

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.