Lo mất thị trường

Lo mất thị trường
TP - Trò chuyện với PV Tiền Phong, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan lo ngại và cảnh báo nguy cơ thâm nhập hàng nước ngoài ào ạt vào Việt Nam, đặc biệt là hàng hóa Trung Quốc (TQ), khi thị trường trong nước mở cửa theo Hiệp định thương mại tự do ASEAN với một số nước.

Thương mại tự do AFTA:

Lo mất thị trường

> Buôn bán tiểu ngạch, con dao 2 lưỡi: Vì sao không làm chính ngạch?
> Việt Nam, Đức ký hiệp định hợp tác và đối tác

Lo hàng Trung Quốc tràn ngập đất nước

Bà Lan nói: Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) có điều khoản thu hoạch sớm, nghĩa là trong lúc chưa đưa được khuôn khổ chung về Hiệp định thương mại tự do thì những mặt hàng nào đưa vào giảm thuế lâu dài được thì giảm trước. Đầu tiên là đưa ra 300 - 400 mặt hàng, sau đó mỗi năm đưa thêm vào mấy trăm mặt hàng nữa. Ý tưởng là tốt, nhưng khi làm điều này nó đẩy chúng ta vào thế chưa có sự chuẩn bị thì đã tham gia, đã mở cửa thị trường. Trong thu hoạch sớm có cả những mặt hàng nông sản chưa chế biến. Đó là lý do tại sao bây giờ rau, củ, quả TQ tràn ngập thị trường VN. Từ nay đến 2015 hàng của TQ xâm nhập liên tục, với tốc độ nhanh hơn rất nhiều so với trước đây. Nhiều lúc tôi tự hỏi không biết đến 2015 thị trường VN sẽ như thế nào khi 90% các mặt hàng TQ nhập khẩu có thuế suất 0%.

Lẽ ra ta phải chuẩn bị các công cụ khác, ví như yêu cầu về kiểm soát chất lượng, kỹ thuật tối thiểu, thì chúng ta gần như không có yêu cầu gì đối với hàng TQ. Không đưa ra chuẩn thì không có cơ sở để ngăn chặn và trừng phạt, tức là mình không tạo cho mình bất cứ công cụ gì để phòng ngừa.

Theo bà, vì sao đến nay vẫn chưa có những hàng rào phi thuế quan tương thích với các cam kết thương mại tự do?

Tôi chỉ có thể quy được là do thiếu trách nhiệm. Các bộ ngành tham gia đàm phán, ký kết thì cũng đồng thời là người phải tổ chức thực hiện. Nhưng dường như các bộ ngành đ àm phán xong, về ngồi ung dung là ta đã kết thúc công việc của mình, còn làm thế nào thì mặc kệ thiên hạ.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan .

Chống nguy cơ phụ thuộc

Bà nghĩ thế nào về tình trạng mua lại hoặc sáp nhập các DN đang có xu hướng tăng lên ở VN?

Tôi rất lo về tình trạng này. Năm nay đã tăng, và có nhiều dự báo cho là năm 2012 sẽ có làn sóng mới, cao hơn nữa về tốc độ. Việc sáp nhập, mua lại này có thể đẩy một loạt DN VN rơi vào tay các công ty TQ.

Nếu TQ nắm được các DN lớn, có vị thế trên thị trường từ việc mua bán, sáp nhập, và với vị thế mới thì họ càng chèn ép và “giết” các DN nhỏ và vừa lẹ hơn. Nếu số DN của ta đã làm ăn tốt rồi mà dần dần bị mua đi thì không biết đến bao giờ mình mới gây dựng được DN mới của VN mang tính độc lập, tự chủ. Từ đầu tư đến trồng khoai lang cũng phải từ bên ngoài vào.

Có những người nông dân ở Vĩnh Long nói cảm ơn thương nhân TQ, bởi cùng củ khoai đó khi thương lái VN tới mua thì ép giá, bắt nông dân lựa ra loại 1, 2, 3; còn thương lái TQ sang mua sàn và giá rất cao. Họ mua cả heo, gà, vịt…

Cái “chết” của mình là chỗ đó. Chỉ một nhóm nông dân được lợi, nhưng xem rộng ra thì thấy tai hại, tự nhiên năm nay người tiêu dùng phải chịu cái giá cao kinh khủng, chẳng bao giờ thịt heo 150 nghìn đồng/kg. Một bộ phận nhỏ được lợi và họ bị ru ngủ. Nguy hiểm là cách làm đó tạo cho nông dân thói quen dễ dãi, không cần quan tâm đến chất lượng, người nào mua dễ dàng thì cứ bán. Cách làm này còn tạo một thói quen làm hàng bẩn rất nguy hiểm. Trà là một ví dụ, thương nhân TQ yêu cầu trộn đất vào rồi họ về bên đó bêu xấu mình tùm lum trên truyền hình khiến những nhà nhập khẩu khác không dám mua trà của mình nữa. Thương nhân TQ đánh vào tâm lý chỉ nhìn thấy lợi ích trước mắt của nông dân.

“Quá trình hội nhập tạo ra cơ hội nhưng đồng thời đòi hỏi mình phải có sự chuẩn bị, phải có cải thiện năng lực cạnh tranh. Nếu hội nhập mà không có cải cách, không có năng lực cạnh tranh đi cùng thì hội nhập đó không thể nào thành công theo cách có lợi cho mình. Vẫn có thể nói Win-Win, nhưng người ta Win 100, mình Win chỉ được 1”. Bà Phạm Chi Lan

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG