Tư nhân đăng kiểm ô tô: Sẽ bớt tiêu cực?

Tư nhân đăng kiểm ô tô: Sẽ bớt tiêu cực?
Trước sự bùng nổ ô tô, xe máy, Cục Đăng kiểm VN đang bị sức ép giữa nhu cầu và cơ sở vật chất kỹ thuật hiện có. Cho tư nhân đầu tư cũng là cách hạn chế tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”
Tư nhân đăng kiểm ô tô: Sẽ bớt tiêu cực? ảnh 1
Làm thủ tục tại một trạm đăng kiểm

Sau khi được Cục Đăng kiểm (ĐK) VN chấp thuận về chủ trương cho phép đầu tư trung tâm kiểm định xe cơ giới, 9 doanh nghiệp (DN) tư nhân tiên phong trong lĩnh vực này đang bắt tay vào khâu thực hiện dự án.

Như vậy từ chỗ toàn “người nhà” với nhau mà mọi chuyện vẫn “rối như tơ vò”, khi cho tư nhân tham gia, Cục ĐK VN sẽ phải chấp nhận quán xuyến công việc quản lý ở một tầm khác.

Yêu cầu cao với DN tham gia đăng kiểm

Để “lọt mắt xanh” nhà quản lý, các DN tham gia vào lĩnh vực này phải đáp ứng hàng loạt yêu cầu khắt khe: chỉ được xây dựng trung tâm cấp 3 trở lên, tương đương với năng lực kiểm định 12.000 – 24.000 lượt xe/năm.

Như vậy, DN phải có diện tích mặt bằng trên 5.000 m2 trở lên, nằm ở vị trí gần quốc lộ, không bị úng ngập trong mọi điều kiện thời tiết. Mỗi trung tâm phải có 2 dây chuyền kiểm định và tối thiểu 9 đăng kiểm viên.

Chậm nhất sau 12 tháng kể từ ngày được cấp phép hoạt động phải có chứng chỉ áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo ISO 9000:2000. Tổng vốn đầu tư mỗi trạm khoảng 6 tỉ đồng, thời gian thu hồi vốn nhanh nhất là 6 năm.

Kể từ khi thông báo chủ trương từ cuối năm 2005, đã có gần 50 DN nộp hồ sơ xin lập trạm nhưng chỉ có 9 DN được chọn thí điểm tại 5 tỉnh, TP: Hà Nội, TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu. Bộ GTVT thành lập hẳn một hội đồng chuyên môn để xét hồ sơ và giám sát đấu thầu.

Có ngăn được tiêu cực?

Vấn đề mà dư luận còn băn khoăn khi xã hội hóa công tác đăng kiểm xe cơ giới là có kiểm soát được chất lượng và ngăn chặn được hiện tượng “ăn tiền” vốn là căn bệnh trầm kha của ngành đăng kiểm?

Đăng kiểm xe cơ giới là dịch vụ kỹ thuật công ích có chuyên môn hẹp nên số lượng nhân sự, nhất là cán bộ kỹ thuật rất thiếu. Cả nước hiện có 84 trung tâm, 107 dây chuyền, nhiều nơi quá tải phải làm việc ngoài giờ nhưng chỉ có 700 cán bộ, đăng kiểm viên.

Trong khi đó, các DN không thể chờ đào tạo xong nhân lực mới mở trạm. Theo một chuyên gia trong ngành, sự thiếu hụt nhân sự đang tạo nên một cuộc chạy đua gay gắt để thu hút chất xám.

Các DN cũng không ngần ngại thu nạp những đăng kiểm viên trước đây bị sa thải, kỷ luật hoặc mời cán bộ đăng kiểm đã nghỉ hưu về làm cho mình. Cũng không loại trừ khả năng các trạm “nới” tay để tạo sức cạnh tranh thu hút nhà xe, nhất là trong trường hợp chủ đầu tư nôn nóng thu hồi vốn.

Việc này hoàn toàn có thể xảy ra vì trong tổng số 55 hạng mục kiểm tra, có 25 hạng mục kiểm tra bằng thiết bị, còn lại kiểm tra bằng cảm quan, tay nghề, kinh nghiệm của đăng kiểm viên.

Theo Tô Hà
Người Lao Động

Không dại gì vi phạm để bị rút giấy phép (!)

Từ 7 năm nay, Cục ĐKVN đã thiết lập hệ thống giám sát trực tiếp bằng camera truyền hình ảnh từ các trạm về trung tâm quản lý đặt tại “đầu não” là trụ sở Cục ĐKVN nhưng chủ xe vẫn không ngớt kêu ca việc phải “đi đêm”.

Ngay cả Bộ trưởng Bộ GTVT Đào Đình Bình cũng thừa nhận trong lĩnh vực này, “cơ chế chặt chẽ, chế tài có đủ nhưng tiêu cực vẫn cứ dai dẳng”. Cũng với cơ chế như thế áp dụng chung cho cả trạm đăng kiểm tư nhân, Cục trưởng Cục ĐKVN Nguyễn Văn Ban cho rằng trạm tư nhân sẽ không dại gì vi phạm để bị tước giấy phép vì không hoạt động không thu hồi được vốn.

MỚI - NÓNG