Doanh nghiệp nợ BHXH 6.000 tỷ đồng: Báo động

Doanh nghiệp nợ BHXH 6.000 tỷ đồng: Báo động
TP - Cả năm 2010, doanh nghiệp (DN) nợ Bảo hiểm xã hội (BHXH) gần 3.000 tỷ, thì chín tháng đầu năm 2011, số tiền DN nợ BHXH lên tới gần 6.000 tỷ đồng. Ngay cả nhiều DN nhà nước cũng nợ BHXH đầm đìa...

Dân phàn nàn, thiếu tin tưởng

Thắng kiện cũng khó đòi

Ngày 24-11, ông Mai Đức Thắng - Phó trưởng Ban thu (BHXH Việt Nam) cho biết, tình trạng nợ đọng BHXH đang ở mức báo động, khi mới chỉ tính 9 tháng đầu năm số tiền nợ đọng BHXH của DN đã tăng gấp đôi so với cả năm ngoái, lên tới gần 6.000 tỷ đồng. Đây là thực tế đáng lo ngại, bởi khi DN nợ BHXH đồng nghĩa quyền lợi của người lao động (NLĐ) bị xâm phạm.

Toàn bộ chi trả chế độ (ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất...) của NLĐ ở DN nợ BHXH sẽ bị ngừng. Đặc biệt, nhiều lao động nữ, khi nghỉ đẻ đã bị giảm thu nhập, lại không được chi trả chế độ BHXH, nên đời sống rất khó khăn.

Ông Bùi Ngọc Hà - Phó Giám đốc BHXH Hà Nội cho biết, riêng tại Hà Nội, trong 9 tháng đầu năm, các DN trên địa bàn nợ đọng BHXH tới hơn 864 tỷ đồng. Đáng chú ý, danh sách nợ có nhiều doanh nghiệp lớn của nhà nước, như: Cty Cổ phần cầu 12 (Cienco1-Bộ GTVT) nợ 28 tháng với số tiền 12 tỷ đồng; Cty Cổ phần cầu 14 (Cienco1) nợ 23 tháng với số tiền 7,6 tỷ đồng; Cty TNHH may mặc xuất khẩu VIT Garment nợ 37 tháng với 7,4 tỷ đồng...

Theo ông Hà, vì nhiều doanh nghiệp bất chấp, cố tình không đóng BHXH nên quyền lợi của hàng ngàn NLĐ không được bảo đảm. Đặc biệt là với những NLĐ đã và đang làm việc tại các doanh nghiệp vừa bị BHXH Hà Nội khởi kiện ra tòa. Điển hình như Cty Cổ phần Cavico điện lực tài nguyên nợ 37 tháng với số tiền 2,54 tỷ đồng; Cty Cổ phần Cavico khoáng sản và công nghiệp nợ 16 tháng với 319 triệu đồng; Cty Cổ phần Cavico giao thông nợ 23 tháng với 21 tỷ đồng.

“Thậm chí, Tòa án xử xong, có Cty chỉ nộp được 200 triệu đồng nên công tác thu nợ BHXH hết sức khó khăn trong khi nhiều NLĐ mất quyền lợi về BHXH” - ông Hà cho biết.

Còn ông Cao Văn Sang- Giám đốc BHXH TPHCM, cho biết: Trong 9 tháng đầu năm 2011, số nợ BHXH của các DN lên đến hơn 1.120 tỷ đồng. Trong đó, nợ trên sáu tháng chiếm đến 21,71%. Cơ quan BHXH TPHCM đã khởi kiện 117 DN để đòi nợ BHXH gần 40 tỷ đồng, nhưng cũng chỉ thu hồi được 15 tỷ đồng (đạt 37,5%).

Khoanh, giãn nợ cho DN khó khăn

Theo ông Mai Đức Thắng, nguyên nhân khiến số nợ đọng BHXH tăng lên nhanh chóng là vì lợi nhuận nên nhiều doanh nghiệp bất chấp các quy định của pháp luật trốn tránh trách nhiệm tham gia BHXH. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp trốn đóng, đóng không đầy đủ, không kịp thời BHXH cho NLĐ.

Đặc biệt, có doanh nghiệp còn chiếm dụng tiền đóng BHXH của NLĐ dùng vào mục đích khác. “Khó khăn lớn nhất của BHXH là dù phát hiện ra các sai phạm của doanh nghiệp nhưng BHXH không có quyền xử phạt nên số vụ vi phạm rất nhiều trong khi việc xử lý lại rất ít, thường rất chậm”- ông Thắng nói.

Còn theo ông Cao Văn Sang, nợ BHXH gia tăng, một phần do DN đang gặp nhiều khó khăn trong sản xuất- kinh doanh nên không có tiền để nộp.

“Chế tài đối với những DN không hoặc chậm đóng BHXH quá nhẹ. DN vi phạm không đóng BHXH chỉ bị phạt tối đa 30 triệu đồng. Nếu tính toán đơn giản cũng sẽ thấy chiếm dụng BHXH lợi hơn đi vay rất nhiều, vì trả lãi nợ BHXH hiện nay chỉ là 10,5%, chưa bằng 50% lãi so với vay ngân hàng nên DN sẵn sàng chiếm dụng tiền BHXH và chịu phạt lãi chậm nộp.

Theo ông Thắng, BHXH Việt Nam đang có kế hoạch khoanh, giãn nợ cho các DN gặp khó khăn thực sự về tài chính. Cụ thể, đối với những DN nhiều năm thực hiện tốt đóng BHXH nhưng do khó khăn về tài chính, BHXH Việt Nam sẽ tạo điều kiện bằng cách đưa ra một lộ trình để DN trả dần. Để được khoanh, giãn nợ, các DN phải có cam kết rõ ràng.

“Ví dụ, trong thời hạn một năm, DN cho biết đóng bao nhiêu tiền gốc; số còn lại lộ trình trả ra sao thì DN đó sẽ vẫn được ngành BHXH giải quyết chi trả chế độ chính sách cho NLĐ” - ông Thắng nói.

Tuy nhiên, đối với những DN nợ đọng tiền BHXH lớn, kéo dài 6 tháng trở lên, cơ quan BHXH sẽ báo cáo để UBND tỉnh, thành phố công khai danh tính trên phương tiện thông tin đại chúng. Riêng với DN nợ đọng kéo dài, cố tình chây ỳ, chắc chắn sẽ bị khởi kiện ra Tòa.

Đề xuất xử lý hình sự

Trước tình trạng nợ đọng BHXH gia tăng, mới đây BHXH Việt Nam đã có văn bản gửi cơ quan chức năng, đề nghị: Cần bổ sung hành vi cố tình nợ dây dưa BHXH đối với chủ DN là cấu thành tội phạm hình sự.

Ngoài ra, cần nâng mức xử phạt hành chính tương ứng với số tiền nợ BHXH; Sửa đổi Điều 92 của Luật BHXH quy định để lại 2% số thu BHXH tại đơn vị sử dụng lao động để chi chế độ ốm đau cho NLĐ phù hợp với thực tế hiện nay, tạo điều kiện thuận lợi cho cả doanh nghiệp và cơ quan BHXH.

Đồng thời, việc quy định mức lãi suất chậm đóng BHXH phải linh hoạt hơn, tối thiểu cũng bằng mức lãi suất tiền vay quá hạn của Ngân hàng thương mại quy định tại từng thời điểm tính lãi. P.C

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG