Cương quyết chống độc quyền về giá

Cần làm rõ tiêu chí hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá. Ảnh: Hồng Vĩnh
Cần làm rõ tiêu chí hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Thảo luận dự án Luật giá sáng 18-11, nhiều đại biểu cho rằng, quan hệ bản chất mà luật cần điều chỉnh (Nhà nước - thị trường) chưa được giải quyết triệt để; chưa giải được bài toán chống độc quyền…

> Quốc hội phân bổ ngân sách trung ương năm 2012
> Quốc hội yêu cầu giữ lạm phát 2012 dưới 10%

Cần làm rõ tiêu chí hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá. Ảnh: Hồng Vĩnh
Cần làm rõ tiêu chí hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Đức Kiên nói, dự thảo luật chưa xác định rõ mục tiêu của luật là ổn định, bình ổn giá hay kiểm tra giá. Dự thảo thiên về sản xuất công nghiệp, ít tác động lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, dịch vụ.

ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) cho rằng, mục tiêu của luật làm sao Nhà nước kiểm soát được giá cả trong điều kiện thị trường. Thời gian qua, vấn đề giá có nhiều bất cập, nhưng bất cập là do yếu kém về quản lý, chứ không phải về khung pháp lý.

Vì vậy, giá cả thị trường chịu ba ức chế: Tình trạng đầu cơ thái quá đã diễn ra, không kiểm soát được; can thiệp không phù hợp của Nhà nước trong một số trường hợp; và hệ thống phân phối bị tắc nghẽn.

“Ba ức chế này làm cho giá cả méo mó. Cái khó nhất là luật phải giải quyết mối quan hệ giữa Nhà nước với thị trường, về cách tiếp cận làm sao để Nhà nước kiểm soát được giá, bình ổn được giá nhưng phải làm cho thị trường nhiều hơn chứ không phải Nhà nước nhiều hơn, nhưng dường như luật làm cho Nhà nước nhiều hơn”, ĐB Lịch nhận xét.

Theo Phó hiệu trưởng ĐH Kinh tế TPHCM Trần Hoàng Ngân, đang có sự chồng chéo trong quản lý giá hiện nay, đặc biệt là sự phối hợp giữa Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và UBND các cấp. “Bộ Tài chính vừa qua thực hiện kiểm soát, minh bạch giá xăng dầu. Chúng ta mong các mặt hàng khác cũng minh bạch như vậy.

Trong rổ hàng hóa tính chỉ số CPI có trên 500 mặt hàng, nhóm lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình chiếm 39,93%. Cần thực hiện minh bạch, kiểm soát giá chặt chẽ ở mặt hàng này”, ĐB Ngân nói.

Chống độc quyền mạnh hơn

Không bình ổn, giá sẽ lên 20-30%?

“Chúng ta lo thiếu nguồn cung, giá sốt, đằng này cung tăng dồi dào nhưng giá vẫn sốt, yếu tố quản lý giá cần phải được xem xét. Vừa qua, việc bình ổn giá đem lại một số kết quả, nhưng có nhiều người nói: “Nhờ bình ổn giá mà chỉ số giá cả chỉ có 18%”.

Nếu nhờ bình ổn giá, giá cả như các nước trong khu vực ASEAN 5%, 6% còn nghe được, còn mình nhờ bình ổn giá mà là 18%! Điều đó có nghĩa không có bình ổn giá có lẽ sẽ là 20-30%.

Như vậy, công tác bình ổn giá phải được xem xét. Hình như chúng ta mới chỉ làm phần ngọn, còn gốc của vấn đề chưa giải quyết” - ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM)

Theo ĐB Trần Du Lịch, cách bình ổn giá phải là kết quả của toàn bộ quản lý kinh tế vĩ mô. Mục tiêu quan trọng nhất là tăng trưởng kinh tế, ổn định giá cả, giải quyết việc làm và tăng xuất khẩu. Khi tổng cung và tổng cầu nền kinh bất ổn thì không bình ổn được giá. Do đó, để luật đi vào cuộc sống và phù hợp cơ chế thị trường, cần làm rõ khi nào Nhà nước can thiệp vào thị trường bằng công cụ giá cả và can thiệp bằng cách nào.

Phân tích vấn đề độc quyền, ông Lịch nói rằng, nước ta hiện có 2 loại độc quyền: độc quyền tự nhiên theo Luật cạnh tranh đã quy định và độc quyền nhà nước. Mỗi loại cần công cụ can thiệp khác nhau. Phải rành mạch, phải thấy rằng, nhà nước có vai trò thế nào trong vấn đề giải quyết mối quan hệ nhà nước và thị trường.

“Luật phải tập trung chống độc quyền, chống đầu cơ, chống lũng loạn. Ví dụ giá thuốc, giá sữa... Có lần Bộ trưởng Bộ Y tế trình bày tại Quốc hội có 10% thuốc đặc trị bị làm giá do sự cấu kết của nhà sản xuất, tập đoàn nước ngoài với các nhà kinh doanh trong nước. Những vấn đề đó cần quy định mạnh hơn”, ĐB Lịch kiến nghị.

“Luật giá phải đảm bảo được vai trò của nhà nước quản lý, điều tiết thông qua biện pháp kinh tế, phù hợp với cơ chế thị trường, thu hẹp phạm vi độc quyền qui định về giá của nhà nước, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh”, ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) nêu quan điểm.

Ông Vở và một số ĐB khác đề nghị làm rõ tiêu chí danh mục hàng hóa dịch vụ bình ổn giá, nhất là các mặt hàng chiến lược (than, điện, xăng, dầu, lương thực, thực phẩm thiết yếu). Ngoài ra cần có hình thức xử lý vi phạm, nhất là vi phạm ngân sách Nhà nước trong bình ổn giá.

Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh: Đã qua thời kỳ thu hút đầu tư bằng mọi giá

Trao đổi với báo chí bên lề QH ngày 18-11, ông Bùi Quang Vinh cho biết, không phải chúng ta siết chặt đầu tư nước ngoài (FDI) mà nhận thấy bất cập cần chỉnh sửa. Đã qua thời kỳ trải thảm đỏ bằng mọi giá.

"Thời gian qua, mỗi địa phương đều mở ra rất nhiều khu kinh tế, khu công nghiệp, có chính sách hết sức cởi mở. Địa phương đua nhau để thu hút đầu tư với những ưu đãi quá mức. Qua kiểm tra của chúng tôi, có doanh nghiệp được miễn giảm tiền thuê đất tối đa, miễn thuế 5 năm đầu không thu, hơn 10 năm tiếp theo chỉ thu thuế thu nhập doanh nghiệp 10%. Thử hỏi, như thế thì doanh nghiệp nuôi địa phương hay địa phương nuôi doanh nghiệp.

Ngoài ra, còn có hiện tượng chuyển giá, lúc nào cũng báo lỗ, lỗ trầm trọng nhưng quy mô sản xuất ngày càng mở rộng. Đây là điều phản quy luật kinh tế. Đáng ra, doanh nghiệp FDI phải mang tiền vào Việt Nam đầu tư nhưng ngược lại không mang vào mà huy động vốn trong nước. Các doanh nghiệp FDI cũng xả thải ra môi trường gây bức xúc cho nhân dân… Do vậy, việc kiểm tra lại hoạt động thu hút FDI là hết sức cần thiết.

Chúng ta phải định hướng lại việc thu hút đầu tư nước ngoài. Đã qua thời kỳ trải thảm đỏ bằng mọi giá. Bây giờ thu hút phải có chọn lựa những doanh nghiệp, tập đoàn có thực lực kinh tế, có thương hiệu, sản phẩm tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, xuất khẩu được. Chứ không để Việt Nam là nơi gia công, lắp ráp cho các doanh nghiệp nước ngoài”.

Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc: Đại biểu có thể chất vấn về Vinashin

Theo chương trình kỳ họp, từ sáng 23-11, QH tiến hành chất vấn các thành viên Chính phủ. Trao đổi với báo chí chiều 18-11, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, phiên chất vấn sẽ có nhiều đổi mới theo tinh thần đại biểu hỏi nhanh và bộ trưởng trả lời ngay.

"Sẽ có hai ngày để chất vấn các Bộ trưởng và nửa ngày dành cho Thủ tướng và Chủ tịch QH kết luận phiên chất vấn.

Đối với Thủ tướng, nhóm vấn đề cần trả lời là công tác điều hành kinh tế - xã hội năm 2012, tập trung vào 3 đột phá lớn: thể chế kinh tế, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng.

Câu hỏi của đại biểu lần này giới hạn trong thời gian 2 phút, chứ không diễn giải dài để nhiều đại biểu được hỏi. Các bộ trưởng thì đề nghị trả lời ngay vào nội dung chính của câu hỏi. Lần này, bộ trưởng không đọc văn bản chuẩn bị sẵn mà đăng đàn trả lời ngay. Như vậy là hỏi luôn, trả lời ngay để có nhiều thời gian hỏi, đáp...

Chính phủ đã có báo về tình hình của Vinashin. Các đại biểu quan tâm thêm có thể chất vấn vì đây là quyền của đại biểu...

Kỳ này QH sẽ có dự thảo nghị quyết về chất vấn, nếu thấy cần thiết sẽ ban hành".

Hà Nhân

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG