Lợi ích khách hàng trên hết

Lãnh đạo 4 ngân hàng FCB, SCB, TNB và BIDV ký hợp tác chiến lược toàn diện vào chiều ngày 6-12 tại TPHCM. Ảnh: Đại Dương
Lãnh đạo 4 ngân hàng FCB, SCB, TNB và BIDV ký hợp tác chiến lược toàn diện vào chiều ngày 6-12 tại TPHCM. Ảnh: Đại Dương
TP - Sau tuyên bố của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình, tại cuộc họp giao ban báo chí của Bộ Thông tin&Truyền thông sáng 6-12, thị trường tài chính không nhiều xáo trộn. Nhiều người liên quan băn khoăn, quyền lợi người gửi tiền và cổ đông ba ngân hàng này sẽ được giải quyết ra sao?

> Hợp nhất ba ngân hàng tại TP HCM

Lãnh đạo 4 ngân hàng FCB, SCB, TNB và BIDV ký hợp tác chiến lược toàn diện vào chiều ngày 6-12 tại TPHCM. Ảnh: Đại Dương
Lãnh đạo 4 ngân hàng FCB, SCB, TNB và BIDV ký hợp tác chiến lược toàn diện vào chiều ngày 6-12 tại TPHCM. Ảnh: Đại Dương.
 

Thiếu hụt thanh khoản tạm thời

Sáng 6-12, ngay khi có mặt và được giới thiệu, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đi thẳng vào vấn đề: “Theo đề nghị của Ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần Đệ Nhất (FCB), NHTM cổ phần Việt Nam Tín Nghĩa (TNB) và NHTM cổ phần Sài Gòn (SCB), NHNN đã chấp thuận cho ba ngân hàng này được tiến hành hợp nhất trên cơ sở tự nguyện và đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan”.

Theo ông Bình, thời gian gần đây, ba ngân hàng này đã có những thiếu hụt thanh khoản tạm thời do mất cân đối kỳ hạn giữa nguồn vốn huy động và cho vay. Các dự án đầu tư của ba ngân hàng nhìn chung có hiệu quả nhưng nguồn vốn ngân hàng cho vay chủ yếu là trung và dài hạn, trong khi nguồn vốn huy động chủ yếu ngắn hạn. Có những thời điểm khách hàng rút tiền với khối lượng lớn khiến các ngân hàng trên có những lúc mất thanh khoản tạm thời.

“Việc hợp nhất ba ngân hàng để trở thành một ngân hàng có quy mô lớn hơn cả về năng lực tài chính và quản trị, kinh doanh, phát huy thế mạnh của ba ngân hàng trong một ngân hàng hợp nhất. Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) được chỉ định tham gia toàn diện vào ngân hàng mới sau sáp nhập, với tư cách đại diện vốn nhà nước”- ông Bình nói. Ông Bình cho hay, về tên gọi của ngân hàng hợp nhất, phải chờ những cuộc họp và Hội đồng quản trị sau này quyết định.

Ngay chiều qua, tại TP Hồ Chí Minh, ba ngân hàng FCB, SCB, TNB và BIDV đã ký kết hợp tác chiến lược, toàn diện. Theo đó, 3 ngân hàng FCB, SCB và TNB sẽ hợp nhất thành một với sư hỗ trợ về vốn thanh khoản và quản lý điều hành của BIDV.

Bà Nguyễn Thị Thu Sương - Chủ tịch HĐQT FCB, đại diện ba ngân hàng hợp nhất, cho biết quy mô ngân hàng sau hợp nhất có vốn điều lệ trên 10.000 tỷ đồng, tổng tài sản trên 150.000 tỷ đồng và hơn 200 đơn vị chi nhánh, phòng giao dịch.

Lãnh đạo 4 ngân hàng FCB, SCB, TNB và BIDV ký hợp tác chiến lược toàn diện vào chiều ngày 6-12 tại TPHCM. Ảnh: Đại Dương
 

Đảm bảo quyền lợi người gửi tiền

Phát biểu tại cuộc họp báo sau lễ ký kết hợp tác của các ngân hàng, ông Trần Minh Tuấn-Phó Thống đốc NHNN Việt Nam khẳng định, việc hợp nhất ba ngân hàng trên sẽ không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của mỗi ngân hàng cũng như của cả hệ thống các tổ chức tín dụng. Đặc biệt, quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền tại ba ngân hàng trên luôn được bảo đảm, quyền lợi chính đáng của các ngân hàng thương mại khác trong quan hệ cho vay vốn được quan tâm và giải quyết một cách hợp lý.

Sau khi hợp nhất, tất cả các điểm giao dịch cũng như các chứng từ của ba ngân hàng này sẽ được chuyển theo tên gọi của ngân hàng mới. Các điểm giao dịch cũng như các nghĩa vụ nợ, nghĩa vụ có của các ngân hàng được chuyển sang ngân hàng mới một cách đầy đủ chứ không có sự phân biệt nào.

“Theo đề án hợp nhất của ba ngân hàng, thời gian củng cố ba năm, trong đó năm đầu tiên tập trung xử lý nợ, giảm tài sản có ở mức hợp lý. Ngân hàng sẽ có tên mới, và ban trù bị hợp nhất sẽ chọn lựa trước 25-12 để báo cáo NHNN và họ phải xây dựng điều lệ hợp nhất. Cuối cùng Thống đốc NHNN sẽ chuẩn y điều lệ hợp nhất và công nhận tên gọi mới của ngân hàng này. Dự kiến ngân hàng mới khai trương vào 1-1-2012”, ông Tuấn nói.

Về vai trò của BIDV trong việc hợp nhất ba ngân hàng trên, ông Trần Bắc Hà-Chủ tịch BIDV, cho biết: Theo sự chỉ đạo của NHNN, BIDV tham gia hỗ trợ trước, trong và sau quá trình hợp nhất. Ví dụ, trước quá trình hợp nhất, BIDV (và một số ngân hàng khác) đã tham gia hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng này.

Hiện nay, BIDV đã cấp phần hỗ trợ thanh khoản là 2.400 tỷ trên tổng số tài sản đảm bảo nợ của các ngân hàng này là 30.000 tỷ. Chắc chắn rằng sau khi ký hợp tác chiến lược và toàn diện, chúng tôi tiếp tục hỗ trợ toàn diện từ nguồn vốn, và đặc biệt chúng tôi cam kết rằng tất cả các khoản gửi của người gửi hợp pháp không bị ảnh hưởng. Ngoài ra, các ngân hàng sẽ hợp tác trong những lĩnh vực như: Quản trị, kiểm soát…

Ông Trần Bắc Hà nói, “đây không phải là thâu tóm, mà chúng tôi chỉ tham gia hỗ trợ. Chúng tôi khẳng định là chưa đặt vấn đề có tham gia cổ phần vào một trong ba ngân hàng này hay không. Còn các nghĩa vụ nợ của ba ngân hàng, sau khi hợp nhất, ngân hàng hợp nhất này phải chịu trách nhiệm nghĩa vụ nợ theo quy định pháp luật. Về chi phí phát sinh (nếu có) ba ngân hàng phải chịu”.

Về quyền lợi các cổ đông của ba ngân hàng, Thống đốc Nguyễn Văn Bình, khẳng định: Xét đến thời điểm hiện nay, nếu cổ đông cũ đã bị mất vốn, thì có thể sẽ được thay thế bằng những cổ đông mới trên cơ sở những cổ đông mới phải có nghĩa vụ về những khoản nợ mà cổ đông, cổ phần cũ bị mất đi”.

Theo ông Bình, sắp tới, các bên liên quan sẽ tiến hành đánh giá lại hoạt động của cả ba ngân hàng, đánh giá các khoản nợ, vốn, tài sản còn lại của các ngân hàng. Và sau khi có đánh giá chính thức của kiểm toán, NHNN sẽ cân nhắc tỷ lệ tham gia vốn nhà nước trong ngân hàng này. Chi phí xử lý ba ngân hàng này chưa tính toán được, còn chờ quá trình đánh giá lại hoạt động của cả ba ngân hàng.

Vẫn báo cáo lãi lớn?

Theo báo cáo kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2011, tổng thu nhập lãi thuần của Ngân hàng Tín Nghĩa là 1.111,88 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 432,439 tỷ đồng. Tương tự, tổng thu nhập lãi thuần của Ngân hàng Sài Gòn là 1.250,751 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 400,563 tỷ đồng.

Đáng chú ý, Ngân hàng Sài Gòn đang nợ Chính phủ và NHNN một khoản là 2.156,8 tỷ đồng. Còn theo kế hoạch năm 2011, tỷ lệ nợ xấu của ba ngân hàng này khá thấp Tín Nghĩa là <=1,0%; Sài Gòn <=3,0% và Đệ Nhất <=2,00%, thấp hơn mức trung bình của hệ thống ngân hàng là hơn 3%.

Ngân hàng Tín Nghĩa tiền thân là Ngân hàng TMCP Tân Việt được thành lập ngày 22-8-1992. Ngân hàng hiện có vốn điều lệ 3.399 tỷ đồng. Ngân hàng Sài Gòn (SCB) được cấp phép hoạt động năm 1992, hiện có vốn điều lệ 4.184,7 tỷ đồng. Ngân hàng Đệ nhất được thành lập của năm 1993, hiện vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng.

Ba ngân hàng vẫn hoạt động bình thường

Hôm qua, hoạt động của ba ngân hàng vẫn diễn ra bình thường (trong ảnh : Một chi nhánh của Ngân hàng TMCP Sài Gòn tại Hà Nội). Ảnh: Hồng Vĩnh
Hôm qua, hoạt động của ba ngân hàng vẫn diễn ra bình thường (trong ảnh : Một chi nhánh của Ngân hàng TMCP
Sài Gòn tại Hà Nội). Ảnh: Hồng Vĩnh.
 

Phản ứng về thông tin hợp nhất ba ngân hàng, hôm qua, tại TP HCM và Hà Nội, không có cảnh náo loạn hay xếp hàng ồ ạt rút tiền. Ghi nhận của PV vào cuối giờ sáng cùng ngày ngay khi thông tin này được báo chí cập nhật, tại chi nhánh Ngân hàng cổ phần Sài Gòn (17 Nguyễn Đình Chiểu- Hà Nội) các giao dịch vẫn diễn ra bình thường.

Một khách hàng trung tuổi tên Tiến vừa gửi 800 triệu đồng vào ngân hàng với kỳ hạn 3 tháng lãi suất 14%/năm. “Ban đầu tôi cũng lo lắng nhưng sau khi nghe nhân viên ngân hàng giải thích, tôi yên tâm gửi tiền”, ông Tiến nói.

Nhân viên ngân hàng Tín Nghĩa cũng xác nhận, từ sáng liên tục nhận điện thoại của khách hàng hỏi về việc hợp nhất, để đến rút tiền, vàng trước hạn, nhưng sau khi được giải thích hầu hết khách hàng đã từ bỏ ý định.

7 giải pháp tái cơ cấu hệ thống ngân hàng

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, đề án tái cơ cấu ngân hàng đã được Chính phủ thông qua về mặt nguyên tắc và sớm trình Bộ Chính trị thời gian tới. Trong giai đoạn đầu tiên, từ nay đến hết quý I-2012, sẽ hoàn tất quá trình đánh giá lại và sắp xếp, phân loại các ngân hàng để có biện pháp xử lý phù hợp.

Tại hội nghị tư vấn các nhà tài trợ (CG 2011) hôm qua, ông Bình cho biết sẽ thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng bằng 7 biện pháp sau:

1. Hoàn thiện và đưa vào thực hiện các tiêu chuẩn quản trị mới, tiếp cận nhanh thông lệ quốc tế; 2. Xây dựng cơ chế, chính sách để những NHTM có đủ điều kiện phát triển nhanh và cạnh tranh có hiệu quả trong nước và quốc tế;

3.Thực hiện cổ phần hóa các NHTM nhà nước; 4. Bổ sung hoàn thiện thể chế để các NHTM cổ phần nâng cao chất lượng quản trị, hoạt động minh bạch, quy định mức vốn tối thiểu và lộ trình thực hiện phù hợp với quy mô và địa bàn hoạt động;

5. Xây dựng phương án xử lý cụ thể để giảm nhanh các ngân hàng yếu kém kéo dài theo các phương án thích hợp với chi phí ít nhất, bảo đảm an toàn hệ thống, xử lý nghiêm những cá nhân có sai phạm; 6. Kiện toàn và phát huy hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng ở nông thôn;

7. Phối hợp có hiệu quả việc cơ cấu lại hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng với việc cơ cấu lại và phát triển mạnh các phân khúc thị trường tài chính như thị trường chứng khoán, trái phiếu, bảo hiểm...Thực hiện công khai, minh bạch và kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các định chế tài chính này.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.