Bộ Công an hay Ngân hàng Nhà nước?

Phòng chống rửa tiền là dự án luật còn gây nhiều tranh luận (ảnh minh họa). Ảnh: Thanh Hải
Phòng chống rửa tiền là dự án luật còn gây nhiều tranh luận (ảnh minh họa). Ảnh: Thanh Hải
TP - Thảo luận về dự án Luật Phòng chống rửa tiền (PCRT) chiều qua tại phiên họp thứ tư Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), nhiều ý kiến băn khoăn: mô hình cơ quan PCRT nên đặt tại Ngân hàng Nhà nước (theo dự thảo) hay Bộ Công an.

> Phân bổ trên 2.000 tỷ đồng cho các công trình cấp bách
> Quá nhiều 'cửa' rửa tiền

Phòng chống rửa tiền là dự án luật còn gây nhiều tranh luận (ảnh minh họa). Ảnh: Thanh Hải
Phòng chống rửa tiền là dự án luật còn gây nhiều tranh luận.
(Ảnh minh họa). Ảnh: Thanh Hải.
 

Ông Trần Minh Tuấn, Phó Thống đốc NHNN cho biết, hiện nay trên thế giới có hai mô hình được nhiều nước áp dụng là, đặt cơ quan PCRT tại NHNN hoặc tại cơ quan Công an. “Phương án đặt cơ quan PCRT tại NHNN với tư cách là cơ quan thường trực, tiếp nhận, xử lý và chuyển giao thông tin ban đầu về nghi vấn rửa tiền. Còn chức năng điều tra, xử lý vi phạm do cơ quan có thẩm quyền khác thực hiện” - ông Tuấn nói.

Thứ trưởng Bộ CA Phạm Quý Ngọ cho rằng, PCRT thực chất là phòng chống một loạt hành vi vi phạm hành chính, hình sự về rửa tiền, nên cần phải có phương pháp, biện pháp phù hợp. Có những biến tướng của hoạt động rửa tiền mà ngân hàng không thể phát hiện được. Theo tướng Ngọ, hiện Bộ CA đã có cơ quan chuyên trách về PCRT, và cơ quan chuyên trách đấu tranh chống rửa tiền theo dự luật nên đặt tại bộ này.

Kết luận vấn đề, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân - điều hành phiên họp, cho biết, dự thảo cần thiết kế lại mô hình cơ quan PCRT, việc thành lập cơ quan này sẽ để Chính phủ quy định, nhưng luật phải qui định rõ chức năng của các bộ, ngành liên quan.

Ngăn chặn rửa tiền tài trợ khủng bố

Phó Thống đốc NHNN Trần Minh Tuấn cho biết, hoạt động tài trợ cho khủng bố có thể liên quan những khách hàng là cá nhân có ảnh hưởng về chính trị. Theo khuyến cáo của quốc tế, cần quy định, xác định về những khách hàng nước ngoài là cá nhân có ảnh hưởng về chính trị. Trong trường hợp cần thiết, có thể quy định cả với những quan chức trong nước.

Chủ nhiệm UBPL Phan Trung Lý đề nghị giải trình vì sao dự thảo chỉ quy định cá nhân có ảnh hưởng chính trị là người nước ngoài và đề nghị phải quy định cả những cá nhân trong nước - đó là một số cán bộ, công chức vào luật.

Không bảo hiểm đối với vàng, ngoại tệ

Chiều cùng ngày, UBTVQH thảo luận về dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi (BHTG). Ủy ban Kinh tế đề nghị xác định hình thức tổ chức BHTG là doanh nghiệp công ích, không vì mục tiêu lợi nhuận. Về nội dung loại tiền được bảo hiểm, dự thảo luật, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật của Ủy ban Kinh tế cho rằng chỉ nên bảo hiểm đối với tiền đồng nhằm bảo vệ giá trị tiền đồng Việt Nam.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển nhìn nhận, lượng vàng, ngoại tệ trong dân rất lớn, chưa kể lượng kiều hối bằng vàng, ngoại tệ gửi về. Nếu không bảo hiểm đối với tài sản này thì sẽ cản trở quá trình “hút” vàng, ngoại tệ vào ngân hàng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG