Gói điện thoại bằng giấy bạc,'né' cổng từ

Gói điện thoại bằng giấy bạc,'né' cổng từ
TP - Trong ngày đầu thi tiếng Hàn, các điểm thi tại Hà Nội được cho là tâm điểm vì có tới 13.000 LĐ Nghệ An tham dự sau nạn cò mồi thao túng ở tỉnh này. Lực lượng an ninh đã phát hiện hàng loạt LĐ Nghệ An gói điện thoại bằng giấy bạc để né cổng từ.

Ngày đầu thi tiếng Hàn:

Gói điện thoại bằng giấy bạc,'né' cổng từ

Lao động thi tiếng Hàn gói điện thoại 'né' cổng từ
> Cảnh sát kiểm tra thí sinh thi tiếng Hàn qua cổng từ

Rơi nước mắt vì tin

Từ sáng sớm, hàng nghìn LĐ đổ về ba điểm thi tại Hà Nội (ĐH Công nghiệp Hà Nội, ĐH Lao động - Xã hội, ĐH Thủy lợi) để tham dự kỳ kiểm tra tiếng Hàn năm 2011. Số LĐ tập trung đông nhất là tại điểm thi ĐH Công nghiệp Hà Nội với 17.000 thí sinh. Bắt đầu từ 7 giờ sáng, LĐ tập trung trước các cổng từ để kiểm tra an ninh. Máy soi liên tục kêu tít tít vì rất nhiều LĐ cố tình giấu điện thoại trong người. Được sự trợ giúp của Phòng PA83 (An ninh chính trị nội bộ) Công an Hà Nội, lực lượng an ninh đã tung hết quân tại ba khu nhà của ĐH Công nghiệp để kiểm soát LĐ. Tuy nhiên, theo quan sát của PV Tiền Phong, dù việc kiểm tra rất gắt gao nhưng nhiều LĐ vẫn mang điện thoại, tài liệu trót lọt qua cổng từ. Chính vì thế, sau khi LĐ đi qua cổng từ, một lần nữa, nhân viên an ninh lại phải dùng máy kiểm tra bằng tay để soi điện thoại được giấu tại những chỗ “hiểm hóc” trên cơ thể LĐ.

Việc kiểm soát chặt chẽ thí sinh mang điện thoại vào phòng thi đã ngăn chặn tối đa tiêu cực và phá vỡ các kế hoạch của bọn cò mồi.

Theo một cán bộ Phòng PA83 Công an Hà Nội, vì sử dụng giấy bạc, giấy than gói điện thoại nên vẫn có rất nhiều LĐ mang được điện thoại vào phòng thi. Để xử lý, Trường Đại học Công nghiệp đã bố trí sẵn một phòng riêng, có sự giám sát chặt chẽ của lực lượng an ninh để ngăn không cho LĐ ra ngoài.

Tại đây, có khoảng 13 LĐ cả nam và nữ, chủ yếu đến từ Nghệ An, bị ban tổ chức cấm thi vì có hành vi mang điện thoại vào phòng. Khi bị bắt giữ, một số LĐ tỏ ra không lo lắng, trong khi số đông còn lại kêu khóc thảm thiết.

LĐ Nguyễn Đức Cảnh (Nghi Lộc, Nghệ An) từ phòng thi, bỏ ra ngoài chui vào phòng vệ sinh để lấy điện thoại giấu sẵn. LĐ này ngay lập tức được đưa về phòng riêng. Gặp PV, Cảnh khóc lóc: “Nhà em nghèo lắm. Bố mất sớm. Mẹ nuôi ba chị em. Học tiếng Hàn là muốn giúp đỡ gia đình. Nhưng bị cò dọa sẽ cho trượt nên mới cố tình giấu điện thoại”. Theo Cảnh, trước khi vào phòng thi đã đưa cho các đối tượng cò mồi 1 triệu đồng và được các đối tượng này hướng dẫn bọc điện thoại và cách thức sử dụng trong phòng thi.

Kế bên Cảnh là một LĐ nữ, khóc nức nở, xin nhờ điện thoại để gọi cho cha đang ở ngoài cổng trường. Qua lời trao đổi với phụ huynh của LĐ, được biết cô giấu điện thoại ở “chỗ kín” nhưng trong quá trình sử dụng đã bị phát giác.

Bị bắt giữ, bỏ luôn cả chứng minh thư

Theo ông Phan Văn Minh - Giám đốc Trung tâm lao động ngoài nước - Trưởng đoàn kiểm tra của Bộ LĐ-TB&XH tại điểm thi này, trong số các LĐ bị giữ, có LĐ vào phòng không phải để thi cho mình mà để làm bài thi gửi ra ngoài. Người bên ngoài sau khi nhận được thông tin lại nhắn hoặc gọi điện vào cho các LĐ trong đường dây đang ở trong phòng thi.

Điện thoại được bọc bằng giấy bạc và giấy than của lao động bị thu giữ
Điện thoại được bọc bằng giấy bạc và giấy than của lao động bị thu giữ.

Ông Minh cho biết, nhiều LĐ sau khi bị cấm thi, vì sợ lực lượng an ninh điều tra, xét hỏi nên bỏ luôn cả chứng minh thư. Những người bỏ lại chứng minh thư chủ yếu là LĐ của Nghệ An, chẳng hạn LĐ Hoàng Văn Mạnh, sinh năm 1985, quê Nghi Lộc. Ngoài ra, có một số LĐ ở Thái Bình, điển hình như LĐ Dương Đình Hiến, sinh năm 1984, quê Kiến Xương.

Một số cán bộ giám sát phòng thi cho PV Tiền Phong biết, để đưa điện thoại lọt qua cửa an ninh, LĐ cố tình xé rách túi quần thể thao, cho điện thoại rơi xuống cổ chân để phòng trường hợp bị phát hiện. Không những vậy, họ còn giấu điện thoại trong phòng vệ sinh hoặc được người từ bên ngoài ném vào phòng thi trong lúc ngồi chờ...

Sau ngày thi đầu tiên, giấy bạc, giấy than rơi vãi khắp sân trường, các phòng vệ sinh nam và nữ. Vì biết LĐ cần gói điện thoại nên các cửa hàng kinh doanh trước cổng Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội đã chuẩn bị sẵn giấy bạc, giấy than bán với giá 10.000 đồng/tờ.

Nhiều LĐ sau khi rời phòng thi cho biết, đề thi tiếng Hàn năm nay quá dễ, dễ hơn cả bài kiểm tra trên lớp. LĐ Nguyễn Thị Yến (Hà Đông, Hà Nội) khẳng định: Người học lực từ trung bình khá trở lên cũng có thể đạt điểm. Không cần phải nghe lời doạ nạt của cò mồi, vừa tốn kém tiền bạc vừa nguy hiểm.

Nghệ An: Ngày thi đầu không tiêu cực

Ngày 17 -12, tại trường Cao đẳng nghề kỹ thuật công nghiệp Việt Nam- Hàn Quốc và trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vinh (Nghệ An) diễn ra kỳ thi tiếng Hàn. Hơn 10.000 lao động của ba tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thanh Hóa tham gia. Ông Bùi Nguyên Lân, Sở LĐTB&XH Nghệ An đánh giá, ngày thi đầu tiên được tiến hành nghiêm túc, an toàn, không xảy ra tiêu cực. Trước đó, tỉnh Nghệ An đã phối hợp với Cục Quản lý lao động ngoài nước, các ban ngành liên quan tổ chức họp bàn, triển khai các phương án để đảm bảo trật tự an toàn, nghiêm túc cho kỳ thi như lựa chọn giáo viên, không lấy giáo viên dạy tiếng Hàn Quốc coi thi. Một số lao động có mang theo điện thoại di động đã bị thu triệt để.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.