'Đi đêm' tái diễn

'Đi đêm' tái diễn
TP - Tuần qua được xem là tuần “nóng” của thị trường tiền tệ: Thanh khoản tiếp tục trầm trọng với việc nhiều ngân hàng khan tiền đồng, tái xuất hiện tượng “đi đêm” thỏa thuận lãi suất huy động vượt trần lên tới trên 20%; các ngân hàng hò hét đòi nợ và trốn nợ nhau, nhiều doanh nghiệp đến nhà băng thanh toán rút tiền cuối năm chỉ nhận được lời đáp “chưa có tiền, xin đợi”.

 > Cận Tết: Khan tiền lẻ mới

Nghe lãnh đạo một đơn vị có liên quan đến thị trường vốn kể chỉ riêng chuyện ngân hàng đòi nợ, đã có lúc người đứng đầu ngành này phải đưa cả uy tín của ông ra phân xử và đề nghị mỗi bên “nhịn” đi một tí.

Liều thuốc Thông tư 02 (cấm huy động vượt trần 14%) lúc này đã hết tác dụng, đói vốn khiến các ngân hàng đành liều huy động vốn vượt trần. Người dân và dư luận bắt đầu lung lay niềm tin và tự hỏi NHNN sẽ giải bài toán này ra sao? Tại buổi đăng đàn trả lời người dân và doanh nghiệp cuối tuần qua, Thống đốc Nguyễn Văn Bình thừa nhận tái diễn hiện tượng nhiều ngân hàng “quấy đảo” thị trường.

Căng thẳng thanh khoản theo ông bởi nhiều ngân hàng dùng vốn huy động ngắn hạn cho các khoản vay trung và dài hạn, vượt xa tỷ lệ quy định (30 - 40% ), tỷ lệ vay nợ bất động sản cao khiến nhiều ngân hàng rơi vào cảnh nợ xấu vọt tăng...?

Về các biện pháp, theo ông Bình, trong ngắn hạn, ngay sau Tết NHNN sẽ bơm mạnh tiền nhưng không phải để cho tiêu dùng xa xỉ, mà vốn phải chảy đúng địa chỉ sản xuất. Huy động vượt trần không dừng “xử” với các ngân hàng mà ngay cả khách hàng, doanh nghiệp cho ngân hàng vay vượt trần cũng bị xem là vi phạm.

Việc công khai cả gói giải pháp hạ lãi suất từ đầu quý 2, dự kiến bỏ trần lãi suất sau tháng 6 khi thanh khoản đã hết căng. Đồng thời, chuẩn bị tiếp một đợt sáp nhập và mua lại từ 5-8 ngân hàng. Theo ông Bình, tái cơ cấu ngân hàng là một quá trình gian nan, phải mất từ 5-10 năm. Có những lúc chúng ta phải chấp nhận trả giá để đổi lại sự an toàn cho cả hệ thống và nền kinh tế.

Đang là cao điểm của thanh toán cuối năm. Theo thông lệ, thị trường ngân hàng luôn căng vào những ngày này. Trong muôn cái lo vẫn có sự mừng. Lần đầu sau nhiều năm, thị trường ngoại tệ, vàng không còn sốt.

Cán cân thanh toán năm 2011 thặng dư tới 3 tỷ USD, năm 2012 cũng dự kiến mức tương tự; Dự trữ ngoại hối tăng mạnh thêm nhiều tuần nhập khẩu. Năm cũ Tân Mão sắp qua đi, đón xuân mới Nhâm Thìn, hy vọng những gói giải pháp trong chính sách sẽ sớm đưa niềm tin trở lại.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG