Kinh doanh vàng: Nghề nguy hiểm

Cửa hàng vàng Thảo Thắng chỉ có một nhân viên bán hàng
Cửa hàng vàng Thảo Thắng chỉ có một nhân viên bán hàng
TP - Liên tiếp xảy ra nhiều vụ cướp tiệm vàng, giết người khiến người kinh doanh vàng hoang mang. Nhưng cũng nhiều cửa hàng vàng chủ quan: Thằng Luyện, thằng Dưỡng chắc trừ nhà mình ra!

> Nghi phạm giết người cướp vàng có thể bị tử hình

Cửa hàng vàng Thảo Thắng chỉ có một nhân viên bán hàng
Cửa hàng vàng Thảo Thắng chỉ có một nhân viên bán hàng.

Thận trọng và thờ ơ

Cửa hàng vàng Minh Anh trên đường Cầu Giấy (Hà Nội) rộng chừng 20m2 với hai dãy tủ kính bày vàng bên trong. Chị Tú Anh, chủ cửa hàng vàng, cho biết: “Tại cửa hàng lúc nào cũng có trên 3 nhân viên bán hàng và 1 nhân viên bảo vệ kiêm trông xe”.

Cửa hàng vàng Minh Anh lắp 2 camera và 2 còi báo động 24/24. “Nếu thấy đối tượng khả nghi phải báo ngay cho nhiều nhân viên khác để tìm cách đối phó”, chị Anh nói.

Hầu hết cửa hàng vàng trên đường Lạc Long Quân (Tây Hồ) được lắp đặt thiết bị an ninh và có trên 2 nhân viên. Chị Thu Nga, cửa hàng vàng Bảo Tín Minh Đức (Lạc Long Quân) cho hay: “Lúc trước cửa hàng mở cửa đến 8 -9 giờ tối thì nay chủ cửa hàng chỉ cho bán đến 6 giờ tối để tránh kẻ gian lợi dụng lúc tối muộn. Cửa hàng vừa tăng cường thêm 1 nhân viên bảo vệ cũng do lo ngại từ những vụ việc cướp vàng vừa qua”.

Tại Bảo Tín Minh Châu (Trần Nhân Tông) có đến 64 camera ghi lại chuyển động của từng khách hàng đến giao dịch. Có 8 nhân viên bảo vệ cùng 20 nhân viên bán hàng luôn có mặt trong giờ giao dịch. Ông Nguyễn Minh Châu - Tổng Giám đốc Cty vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu, cho rằng: “Cơ quan chức năng nên tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở kinh doanh vàng. Bản thân các cửa hàng kinh doanh vàng cũng phải làm sao kết nối còi báo động với cơ quan chức năng gần nhất để khi có tình huống xấu xảy ra còn hỗ trợ kịp thời”.

Khác với nội thành, các hiệu vàng ngoại thành Hà Nội vẫn dửng dưng. Cửa hàng vàng Thảo Thắng (xã Lai Xá, Kim Chung, Hoài Đức) cả buổi sáng chỉ có một người bán hàng kiêm trông cửa hàng. “Ở đây dân nghèo mua bán ít lắm, nên lấy tiền đâu ra mà thuê bảo vệ và nhiều nhân viên bán hàng”, nhân viên cửa hàng cho biết.

“Trong 20 năm hành nghề buôn vàng tại huyện này tôi cũng gặp nhiều trường hợp giả vờ vào mua vàng rồi mắt la mày lém, cửa hàng mà sơ hở là ăn cắp ngay, nhưng dựa vào kinh nghiệm nhìn người nên gặp những đối tượng như vậy tôi thường mời khách ra và đóng cửa”, chị Nguyễn Thị Nga, chủ cửa hàng vàng bạc Thanh Nga (Khu 6, TT Trạm Trôi, Hoài Đức, Hà Nội) nói.

Cửa hàng của chị Nga lắp đặt một camera và 1 còi báo động nhưng chỉ hoạt động vào ban ngày. Tối, khi đóng cửa, thì tắt luôn.

Sẽ siết điều kiện kinh doanh vàng

Trao đổi với PV Tiền Phong, Đại tá Hồ Sỹ Tiến - Phó cục trưởng cục Cảnh sát ĐTTP về trật tự xã hội - cho biết, tính từ năm 2011 đến nay cả nước xảy ra 8 vụ cướp vàng nghiêm trọng, đặc biệt là 2 vụ giết người, cướp vàng ở Bắc Giang và Thường Tín (Hà Nội) gây hoang mang dư luận.

Từ những vụ việc trên, cho thấy nhiều sơ hở trong công tác an ninh tại các tiệm vàng như: không bố trí lực lượng bảo vệ, camera, thiết bị báo động, khóa chống trộm... Có nơi lắp đặt thiết bị camera nhưng không quay được về đêm. Không có bảo vệ tại những thời điểm vắng giao dịch, chưa chủ động phòng ngừa hành vi tấn công của tội phạm.

Ông Tiến cho biết thêm: “Trên khía cạnh phòng ngừa, Cục CSHS đã chỉ đạo các địa phương có các giải pháp phòng ngừa vụ việc cướp tiệm vàng và cướp ngân hàng. Vì Cục cho rằng đây là những nghề kinh doanh đặc biệt, ảnh hưởng đến tính mạng và các tài sản có giá trị nên sắp tới chúng tôi sẽ tổ chức hội thảo để tìm giải pháp. Có thể phải đưa hoạt động kinh doanh vàng bạc, đá quý thuộc nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Cụ thể, cửa hàng nào muốn hoạt động phải đảm bảo điều kiện bắt buộc như: lắp đặt camera, kính chịu lực, lực lượng bảo vệ, chuông báo động…”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG