Chuyện dự án đội vốn 1.200 tỷ đồng

Xe tải của Cty Xuân Thành đổ đất trên đê tả sông Hồng đoạn qua huyện Khoái Châu (Ảnh chụp ngày 25-5-2012)
Xe tải của Cty Xuân Thành đổ đất trên đê tả sông Hồng đoạn qua huyện Khoái Châu (Ảnh chụp ngày 25-5-2012)
TP - Tại Hưng Yên, một đại dự án khác cũng với lý do phải làm cấp bách, tỉnh này đã chỉ định thầu cho Cty cổ phần tập đoàn Xuân Thành (Ninh Bình). Sau một năm khởi công, dự án đội vốn từ hơn 1.500 tỷ thành hơn 2.700 tỷ đồng, nhưng cũng đang thi công cầm chừng.

> Kỳ một: Ngổn ngang dự án ngàn tỷ

Xe tải của Cty Xuân Thành đổ đất trên đê tả sông Hồng đoạn qua huyện Khoái Châu (Ảnh chụp ngày 25-5-2012)
Xe tải của Cty Xuân Thành đổ đất trên đê tả sông Hồng đoạn qua huyện Khoái Châu (Ảnh chụp ngày 25-5-2012).

Đội vốn gần gấp đôi

Ngày 23-12-2009, UBND tỉnh Hưng Yên có Quyết định số 2746, duyệt dự án củng cố nâng cấp đê tả sông Hồng tỉnh Hưng Yên (từ km76+894 đến km 124+824), với tổng mức hơn 1.536 tỷ đồng. Dự kiến cuối 2012 hoàn thành dự án.

Ông Hồ Trọng Khải - Chi cục trưởng Quản lý đê điều và phòng chống lụt bão tỉnh Hưng Yên, đại diện chủ đầu tư dự án, cho biết: Đê tả sông Hồng là loại đê cấp một, hình thành từ lâu đời.

Trước năm 2000, khi nước lũ lên, đã xảy ra hiện tượng đùn, sủi ở nền đê và thẩm lậu thân đê. Đặc biệt, tại KM108 (thuộc địa bàn các xã Phú Thịnh, Mai Động, Đức Hợp huyện Kim Động) suốt 16 năm qua liên tục bị vỡ đê...

Với hàng loạt lý do trên, UBND tỉnh Hưng Yên cho rằng dự án thuộc diện phải triển khai cấp bách, nên đã có văn bản xin Thủ tướng Chính phủ cho chỉ định thầu và được chấp thuận.

Có được “bảo bối” trên, sau đó, dự án được tỉnh Hưng Yên chỉ định cho Cty cổ phần tập đoàn Xuân Thành (Cty Xuân Thành) làm nhà thầu thi công. Ngày 16-9-2010, dự án được khởi công.

Một năm sau đó, UBND tỉnh Hưng Yên có Quyết định 1538 (ngày 9-9-2011), điều chỉnh, bổ sung tổng mức đầu tư tăng thêm hơn 1.230 tỷ đồng, nâng tổng mức đầu tư dự án lên hơn 2.766 tỷ đồng.

Như vậy, chỉ sau 2 năm được duyệt và một năm khởi công, dự án đã được điều chỉnh tổng vốn lên gần gấp đôi. Vì sao lại như vậy? Ông Khải lý giải, vì thiết kế cơ sở tính thiếu nhiều hạng mục và việc điều chỉnh vốn là theo quy mô yêu cầu cũng như yếu tốt trượt giá, đơn giá giải phóng mặt bằng.

Cấp bách nhưng chưa biết khi nào... xong

Tuyến đê này chạy dọc theo đê tả sông Hồng từ địa bàn xã Xuân Quan (Văn Giang) đi qua các huyện Khoái Châu, Kim Động đến điểm cuối là phường Minh Khai (thành phố Hưng Yên), tổng chiều dài 48 km.

Theo thiết kế, đê sẽ được đắp tôn cao, mở rộng mặt đê và cơ đê hiện tại về phía cánh đồng, đảm bảo cao trình đê chống lũ thiết kế.

Ngoài ra, gia cố đê làm một tuyến đường trên mặt đê và một tuyến đường ở dưới chân đê với chiều rộng mặt đường phần xe chạy của mỗi tuyến rộng từ 8-10m. Lớp mặt đường bê tông nhựa hai lớp dày 12cm, lớp dưới rải đá dăm hai lớp dài 50cm...

Dự kiến cuối năm 2012, tuyến đê sẽ được đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, theo khảo sát cuối tháng 5-2012 của PV Tiền Phong, đến nay hạng mục đắp đất thân đê vẫn chưa xong.

Đi dọc tuyến đê, thi thoảng chúng tôi mới gặp một xe của Cty Xuân Thành chạy đổ đất. Tại thôn Phương Tòng (xã Hùng An, huyện Kim Động), một đơn vị thi công cắm chốt, có xe lu, lốp cao su hỏng, cát, đá, củi đốt sắp thành đống nhỏ trên đường.

Tuy nhiên, một người dân chăn bò ở đây cho biết, máy móc họ để đó lâu rồi, phải nửa tháng nay nhưng không thấy công nhân làm. Lò đốt nhựa đường cũng nằm phơi nắng, phơi sương ngày này qua ngày khác.

Về tiến độ của dự án, ông Hồ Trọng Khải khẳng định chắc chắn Cty Xuân Thành không thể hoàn thành cuối năm 2012.

“Ngay như gói thầu số một từ km 108 đến km 111 (3 km) khởi công từ tháng 9-2010 mà đến nay chỉ mới xong phần đắp đất, thì làm sao xong được toàn tuyến vào cuối năm”- ông Khải nói.

Cũng theo ông Khải, cho đến thời điểm này, Cty Xuân Thành chỉ mới hoàn thành được 40% khối lượng công việc của gói số 1 và 10% gói số hai. “Thú thực, đến cuối năm 2012 mà Cty Xuân Thành đắp được đất xong trên toàn tuyến cũng đã khó rồi, chứ hoàn thành thì còn lâu” - ông Khải nói.

Ông Khải cho biết, trong hợp đồng cũng đã ghi rõ, nếu thi công không đảm bảo tiến độ, nhà thầu sẽ chịu phạt theo quy định của pháp luật (số tiền phạt không quá 17% tổng giá trị gói thầu) và cũng chỉ trong vòng một thời gian nhất định chứ không thể kéo dài mãi được.

Nếu cứ tiếp tục kéo dài, chủ thầu sẽ bị đình chỉ ngay. “Theo hợp đồng, tiến độ của dự án còn thời hạn 6 tháng. Đến cuối năm 2012, nếu nhà thầu không đáp ứng được thì lúc đó mới xem xét xử phạt hoặc có tiếp tục cho thi công nữa hay không” - ông Khải nói.

Vì sao Cty Xuân Thành được chỉ định thầu?

Trả lời câu hỏi trên, ông Hồ Trọng Khải, đại diện chủ đầu tư nói: “Các anh phải hỏi cấp quyết định đầu tư (UBND tỉnh Hưng Yên- PV). Hơn nữa, việc chỉ định thầu cho Cty Xuân Thành có từ trước khi Chi cục Quản lý đê điều và phòng chống lụt bão được giao làm chủ đầu tư. Nói thật với các anh, cho đến thời điểm này, Chi cục chưa bị thúc ép gì. Nhưng có bị thúc ép, chúng tôi cũng không thể làm sai. Còn việc bị UBND tỉnh đốc thúc tiến độ là đúng vì đây là dự án trọng điểm số một của tỉnh”.

Để tìm hiểu lý do vì sao UBND tỉnh Hưng Yên lại chỉ định thầu cho Cty Xuân Thành, cũng như trách nhiệm của UBND tỉnh trong việc quyết định điều chỉnh, bổ sung tăng vốn, PV Tiền Phong đã đặt lịch làm việc với ông Bùi Huy Thanh - Chánh văn phòng UBND tỉnh Hưng Yên.

Đến ngày 4-6-2012, ông Thanh cho biết, trách nhiệm trả lời là các sở, ban, ngành được giao làm chủ đầu tư (Sở GTVT, Sở NN&PTNT, Chi cục quản lý đê điều và phòng chống lụt bão). “Các anh tự chủ động liên hệ để được trả lời”- ông Thanh nói.

Còn nhiều dự án chỉ định thầu chậm tiến độ

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, tại Hưng Yên, không chỉ có hai dự án Củng cố, nâng cấp đê tả sông Hồng và Cải tạo, nâng cấp đường tỉnh lộ 200 chậm tiến độ mà còn nhiều dự án chỉ định thầu khác cũng đang làm vào tình trạng này, như: Dự án đầu tư cải tạo, nạo vét, thoát lũ khẩn cấp sông Cửu An - Đồng Quê (tổng mức đầu tư hơn 906 tỷ đồng); Dự án đầu tư cải tạo mở rộng nạo vét thoát lũ khẩn cấp sông Điện Biên (tổng mức đầu tư hơn 538 tỷ đồng); Dự án đầu tư xây dựng đường 202 đoạn Km 1+400 đến Km 7+050 (Đa Lộc-Trần Cao).

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.