Tăng thuế hay giảm giá xăng dầu?

Giá xăng dầu tác động từng ngày lên đời sống của người dân Ảnh: PT
Giá xăng dầu tác động từng ngày lên đời sống của người dân Ảnh: PT
TP - Các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối lớn cho biết họ đang chỉ lãi khoảng 1.000 đồng/lít xăng còn các doanh nghiệp nhỏ hơn thì có thể đạt mức lãi 1.500 đồng. Với mức lãi này, theo các doanh nghiệp, Bộ Tài chính cần tỏ rõ quan điểm về việc tăng thuế hoặc giảm giá bán và việc này nên được làm sớm.

> ‘Điều chỉnh giảm giá bán lẻ xăng dầu theo thế giới’

Chỉ lãi 1.000 đồng/lít

Giá xăng dầu thế giới liên tiếp giảm từ đầu tháng 6 đến nay giúp doanh nghiệp xăng dầu đầu mối có mức lãi khá cao.

Nếu tính theo mức giá xăng dầu tại thị trường Singapore ngày 5-6, xăng A92 giao dịch ở mức 106,8 USD/thùng, DO 0,25 S là 112,4 USD/thùng, DO 0,05S ở mức 113,3 USD/thùng, dầu hỏa 111,1 USD/thùng còn madút ở mức 594 USD/tấn. Mức giá này nếu so với mức ngày 1-6 thì đã giảm 3- 4 USD/thùng.

Nếu tính từ ngày 24-5 đến nay, thời điểm Bộ Tài chính áp dụng mức thuế nhập khẩu xăng lên 4%, các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối có mức lãi tới 1.500 đồng/lít.

Trao đổi với PV Tiền Phong, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) ông Trần Ngọc Năm nói: Không biết doanh nghiệp khác lãi bao nhiêu nhưng riêng tập đoàn chỉ có mức lãi 900 – 1.000 đồng/lít xăng.

“Có thể người ta tính doanh nghiệp lãi tới 1.500 đồng/lít xăng là lấy theo mốc giá bán lẻ trong nước được điều chỉnh từ 24-5 đến nay. Còn tính theo mức giá nhập một ngày thì giá còn cao hơn nữa. Nhưng doanh nghiệp chúng tôi phải tính mức lãi trên lượng tồn kho tính theo 30 ngày dự trữ như quy định”- Ông Năm nói.

Theo đại diện Petrolimex, nếu cơ quan quản lý công bố mức thuế cụ thể thì doanh nghiệp ngay lập tức có thể giảm giá bán tương ứng. Hiện việc tăng thuế và giảm giá đang là hai ẩn số. Thuế đang ở mức rất thấp, chỉ 3%, 4% và cao nhất là 5%.

Nếu tăng thuế thêm 2% nữa, tương đương khoảng 400 đồng, thì doanh nghiệp có thể giảm thêm 500 – 600 đồng/lít xăng nữa. Nhiều khả năng cơ quan quản lý sẽ cho tăng thuế do thuế đang quá thấp đồng thời cho giảm giá bán.

“Giờ nhà nước đang điều hành nên doanh nghiệp có đề nghị giảm giá thì cũng chỉ là một kênh. Quan trọng là chúng ta có dám làm một lần là tăng thuế lên mức 10%, sau đó giữ ổn định trong vòng 3 tháng. Tiếp đó, nếu giá thế giới lên sẽ điều chỉnh điều chỉnh giá trong nước lên; và giá thế giới xuống, thì điều chỉnh xuống. Như vậy doanh nghiệp sẽ chủ động còn người dân cũng biết giá thế giới tăng giảm thì trong nước sẽ tăng giảm tương ứng” - đại diện Petrolimex nói.

Đại diện một doanh nghiệp đầu mối lớn cho biết, mức giá thế giới công bố đúng là rẻ nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng mua được theo mức giá đó vì phải phụ thuộc lượng nhập cũng như hàng tồn kho còn nhiều hay ít. Hàng tồn nhiều thì giá xăng thế giới có rẻ cũng không thể nhập về được.

Đua tăng chiết khấu

Theo các chuyên gia, phải để thị trường xăng dầu hoạt động theo đúng cơ chế thị trường Ảnh: Nguyễn Hạnh
Theo các chuyên gia, phải để thị trường xăng dầu hoạt động theo đúng cơ chế thị trường.  Ảnh: Nguyễn Hạnh.
 

Theo ông Đặng Vinh Sang, Tổng giám đốc Saigon Petro, doanh nghiệp đầu mối lớn đang rất đau đầu do việc cạnh tranh không lành mạnh trong việc tăng chiết khấu. Có những đơn vị khi giá thế giới cao nhập ít, giờ giá rẻ họ nhập nhiều, chủ yếu là mặt hàng dầu.

Nhập được giá rẻ nên họ đẩy mức thù lao đại lý lên rất cao kéo doanh nghiệp khác phải chạy đua tăng chiết khấu để giữ thị trường.

Cũng theo ông Năm, chiết khấu hoa hồng cho các đại lý của Petrolimex thường ở mức thấp nhất so với các đơn vị khác. Câu chuyện lãi lớn là doanh nghiệp đầu mối tăng mạnh chiết khấu cho đại lý lặp đi lặp lại rất nhiều trong thời gian qua.

“Mức chiết khấu doanh nghiệp dành cho các đại lý cũng khác nhau, không phải cùng một mức. Doanh nghiệp nào mua nhiều, trả tiền ngay thì được chiết khấu cao, còn không chỉ được mức thấp hơn”. Ông Sang cho biết.

Nhiều đại diện các doanh nghiệp đầu mối từ chối cung cấp chính xác mức chiết khấu cho đại lý và cho rằng, do cạnh tranh nên bị cuốn vào cuộc chạy đua chứ bản thân họ không muốn như vậy.

Nhưng theo tìm hiểu của PV, nhiều doanh nghiệp đã đẩy mức chiết khấu cho đại lý lên mức gần 1.000 đồng/lít trong khi chỉ cần mức chiết khấu khoảng 500 đồng/lít, chưa tính công vận chuyển khoảng 150 đồng/lít, thì đại lý đã đủ “sống khỏe”.

“Để tình trạng kéo dài như hiện nay thì dân bức xúc, doanh nghiệp cũng mang tiếng mỗi khi báo chí nói doanh nghiệp đang lãi lớn. Cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Tài chính cần có động thái sớm.

Có thể tăng thuế, giảm giá bán lẻ hoặc một trong hai phương án. Để tình hình thị trường như này phức tạp quá. Để hỗn loạn như hiện nay thì không nên”- Đại diện một doanh nghiệp đầu mối nói.

Các doanh nghiệp cũng cho rằng, khi giá thế giới đang giảm kéo dài như hiện nay, cơ quan quản lý cần sớm quyết định tăng thuế, giảm giá.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Xuân Chiến, Vụ phó Vụ Thị trường Trong nước, Bộ Công Thương xác nhận, thời gian qua giá xăng dầu thế giới có giảm. Giá xăng dầu phải tính toán trên cơ sở giá thế giới trong vòng 30 ngày. Việc quyết định điều chỉnh giá xăng dầu, Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính còn Bộ Công Thương có trách nhiệm phối hợp nên không thể trả lời thay. Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu phải đảm bảo sự hài hòa 3 lợi ích: của Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Trao đổi với PV Tiền Phong, PGS. TS Ngô Trí Long cho rằng, để có thị trường cạnh tranh thực sự và hoạt động lành mạnh. Trước hết cần chuyển đổi cơ chế quản lý kinh doanh xăng dầu nước ta cho phù hợp với thị trường xăng dầu quốc tế.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG