Doanh nghiệp nhà nước lấn sân, môi trường đầu tư méo mó

Doanh nghiệp nhà nước lấn sân, môi trường đầu tư méo mó
TP - Các diễn giả hàng đầu của thế giới, khu vực châu Á và cả Việt Nam đều cùng thống nhất quan điểm cần hạn chế tối đa sự lấn sân của doanh nghiệp nhà nước (NDNN).
Các diễn giả tại hội nghị
Các diễn giả tại hội nghị.

Đó là nội dung quan trọng trong ngày thứ nhất Hội nghị Ngân hàng và Đầu tư Việt Nam, tổ chức tại Đà Nẵng sáng qua, 7-6.

Ông Nick Hayward - GĐ điều hành khu vực châu Á của Euromoney Conferences (một tổ chức có trụ sở tại Anh - đơn vị phối hợp với UBND Đà Nẵng tổ chức hội nghị) cho biết, đây là quãng thời gian kinh tế thế giới lâm vào suy thoái do nhiều cuộc khủng hoảng tài chính gây ra.

Tuy nhiên, bức tranh kinh tế của Việt Nam vẫn khá sáng với những cơ hội đầu tư mới mẻ cho các nhà đầu tư thế giới.

Theo ông Hayward, sự thay đổi từ thái độ cầu thị của chính quyền, gọn nhẹ thủ tục hành chính; Chính phủ chuyển từ mục tiêu tăng trưởng sang phát triển bền vững và nhất là những vị trí tuyệt đẹp của BĐS các vùng miền ở Việt Nam là cơ hội không thể tốt hơn cho các nhà đầu tư.

Mặc dù vậy, bức tranh khá sáng mà ông Nick Hayward vừa vẽ ra cũng có không ít gam màu tối mà các diễn giả quốc tế cũng như PGS.TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cùng phân tích. Thời gian trước, nhà nước cho phép DNNN đầu tư quá nhiều vốn ra ngoài ngành và rất nhiều trong số đó đều không mang lại hiệu quả.

“Các DNNN ở Việt Nam chiếm 30 - 40% nền kinh tế, chiếm 60 - 65% các khoản vay. Điều chúng tôi kỳ vọng là việc thoái vốn như thế nào, tỷ lệ vốn sở hữu, vốn nợ là bao nhiêu khi họ có quá nhiều Cty con, đầu tư vốn ra ngoài ngành lớn, liệu có thu hồi được không?” - ông Marco Breu - TGĐ Cty McKinsey&Company Việt Nam nói.

Hội nghị Ngân hàng và Đầu tư Việt Nam do Euromoney Conference và UBND TP Đà Nẵng tổ chức 2 ngày 7 và 8-6 với 400 đại biểu đến từ 16 quốc gia.

“40% số vốn của các tập đoàn, DNNN đầu tư ngoài ngành là quá nhiều, sau này, nhà nước bóp lại 10 - 15% nhưng đó cũng là rất lớn. Phải về con số 0% cho bằng được.

DNNN đầu tư ngoài ngành không chỉ làm méo mó môi trường đầu tư ngay bản thân khu vực DNNN mà còn làm bức tranh đầu tư chung méo mó hơn.

Về vấn đề này, các nước phát triển vừa trên thế giới đã dạy chúng ta một bài học, nhưng rồi, chúng ta vẫn vấp ngã theo”.

Theo GS Thiên, DNNN mà nhảy ra kinh doanh ngoài là không dễ, khu vực này nên tinh gọn. Theo số liệu của VCCI, có tới 21/31 tập đoàn, DNNN đầu tư ngoài ngành với 22.590 tỷ đồng, chủ yếu đầu tư BĐS, chứng khoán. Khi 2 thị trường này ảm đạm, các DNNN chết theo, không cách nào thoát được, đành khai thác, bán tài sản DN để bù lỗ.

Các tập đoàn như EVN, Than khoáng sản (KVN), dầu khí (PVN)… là những ví dụ điển hình. Ngay cả người lạc quan như ông Nick Hayward cũng cho rằng, Việt Nam không còn cách nào khác là phải thẳng tay với những DNNN đầu tư ngoài ngành.

“Các DNNN đang cảm thấy sức nóng của một cuộc rà soát mà ví dụ điển hình nhất là thôi chức lãnh đạo EVN. Cần phải mạnh mẽ hơn nữa” - ông Hayward kết luận.

Theo ông Marco Breu -TGĐ Cty McKinsey& Company Việt Nam, ông cảm thấy không tin tưởng lắm con số báo cáo nợ xấu từ các ngân hàng, đặc biệt ngân hàng nhà nước. “Nợ xấu chắc chắn cao hơn nhiều và sẽ rất khó khắc phục, ở đây các con nợ xấu chủ yếu là DNNN”.

Còn ông Sanjay Karla - Đại diện quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) ở Việt Nam - Lào, kỳ vọng: “Nếu nguồn lực đưa tới cho DN kém hiệu quả sẽ tạo môi trường đầu tư khó khăn. Ở đây, sự kém hiệu quả chủ yếu do DNNN đầu tư quá dàn trải ngoài ngành. Tôi kỳ vọng họ (DNNN) nên tập trung tối đa cho lĩnh vực mình hoạt động. Nếu không cải cách mạnh mẽ sẽ rất khó vượt qua khủng hoảng”.

Các doanh nghiệp đang hấp dẫn nhà đầu tư ngoại

Doanh nghiệp (DN) Việt Nam đang trở thành lực hút lớn đối với các nhà đầu tư quốc tế. Đó là nhìn nhận của các tổ chức, các chuyên gia về vấn đề mua bán-sáp nhập doanh nghiệp (M&A) tại “Diễn đàn M&A Việt Nam” diễn ra hôm qua, tại TPHCM.

Theo thống kê của các tổ chức nghiên cứu M&A, Việt Nam đang đứng thứ 8 trong số các quốc gia có hoạt động M&A sôi động nhất khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Trong năm 2011, tổng giá trị hoạt động M&A tại thị trường Việt Nam đạt 4 tỷ USD, tăng ấn tượng với con số 1,7 tỷ USD trong năm 2010. Trong đó, các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào 2,6 tỷ USD, chiếm 65% trong tổng giá trị giao dịch.

Riêng quý I năm 2012, giá trị thương vụ M&A tại Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD, tăng 207% so với cùng kỳ 2011.

“Việt Nam đã qua mặt Indonesia và Malaysia trong thu hút M&A với DN Nhật Bản, nhờ văn hóa tương đồng, người Việt Nam chăm chỉ và dân số trẻ” - ông Yoshimitsu Onji-CEO Recof nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
TPO - Vào tối 17/4, trên địa bàn huyện Sìn Hồ (Lai Châu), do ảnh hưởng của mưa lớn kèm gió lốc lật thuyền, hai người mất tích. Mưa lớn kèm gió lốc cũng gây thiệt hại hơn 1 tỷ đồng đến tài sản của Nhà nước và nhân dân.