Doanh nghiệp đối mặt thất nghiệp ảo

Doanh nghiệp đối mặt thất nghiệp ảo
TP - Hàng loạt doanh nghiệp (DN) ở Đà Nẵng đang đối mặt tình trạng lao động bỏ việc để nhận tiền trợ cấp thất nghiệp, trong khi vẫn kiếm chỗ làm mới …

> Công nhân lao đao

Nhiều DN vẫn miệt mài tuyển công nhân
Nhiều DN vẫn miệt mài tuyển công nhân .

Nhảy việc

Từ tháng 6-2011 đến nay, Lê Thị Diệu Hiền (quê Hải Lăng – Quảng Trị) đã nhảy việc tới 4 Cty dệt may trên địa bàn Đà Nẵng. Đầu tiên Hiền làm việc tại ITG Phong Phú và mới đây, dù đã ổn định ở Cty dệt may 29–3, Hiền vẫn xin nghỉ với lý do sức khỏe.

Tuy nhiên, lý do thật của cô lại khác: Nhảy việc để hưởng tiền bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trong khi vẫn kiếm chỗ làm mới.

Từ khi có quy định về bảo hiểm thất nghiệp, những trường hợp nhảy việc, kiếm chỗ làm mới và làm đơn xin hưởng BHTN ngày càng nhiều. Đa số những người nhảy việc đều còn trẻ.

 Nếu lao động tự ý nghỉ làm, đơn phương chấm dứt hợp đồng thì kiến nghị không chi trả BHTN, điều này vừa giúp DN đỡ bị ảnh hưởng, vừa giúp nhà nước không bị thất thoát tiền tỷ .

Chị Lê Thị Mỹ H. (Liên Chiểu – Đà Nẵng) có tới 5 lần nhảy việc kể từ đầu năm 2011. Chị H cho hay, ban đầu chỉ xin nghỉ việc vì lý do gia đình và sau đó 2 tuần xin được việc ngay.

Tuy nhiên, trong 2 tuần đó đủ để chị làm hồ sơ hưởng BHTN với số tiền gần 1 triệu đồng/tháng. Tháng 3 vừa rồi, chị đã xin được việc làm mới ở một Cty dệt may, lương 3,5 triệu đồng nhưng đều đặn hằng tháng, chị vẫn được lĩnh BHTN cho tới tháng 6-2012.

Anh Phạm Thanh L. (Liên Chiểu) lãnh tiền 6 tháng trợ cấp BHTN nhưng trên thực tế, thời gian ngồi chơi xơi nước của anh chỉ chưa đầy 10 ngày.

Chị Nguyễn Thị V. (Hòa An - Cẩm Lệ) vừa mới làm đơn xin nghỉ việc ở Cty dệt may 29-3, cho hay, do đời sống eo hẹp, lương công nhân thấp nên đành nghĩ cách nghỉ việc thôi. Chị V. vừa nghỉ ở Cty dệt 29–3, ngay lập tức đã vào làm ở Cty Yonezawa trong khi đã lĩnh tiền BHTN 6 tháng (1,3 triệu/tháng).

Nhà nước thất thoát tiền tỷ

Theo Sở LĐTB&XH Đà Nẵng, 6 tháng đầu năm 2012, trong khoảng 7.600 lao động đăng ký BHTN có rất nhiều “ảo”, bởi nhiều người nhận được việc làm ngay sau khi xin nghỉ hoặc chấm dứt hợp đồng.

Hiện tại, toàn thành phố chỉ có khoảng 3.500 lao động thất nghiệp, đa số lao động đã tốt nghiệp ĐH, CĐ hoặc trung cấp, lao động phổ thông rất ít.

Hàng chục DN, đặc biệt ngành dệt may đang khát lao động hơn bao giờ hết. Cũng trong số này, có đến 80% lao động ngay lập tức đã tìm được việc làm mới.

Theo ông Nguyễn Văn An - Phó Giám đốc Sở, 6 tháng đầu năm 2012, có khoảng 2.000 DN lớn, vừa và nhỏ xin giải thể hoặc ngừng hoạt động, tác động trực tiếp đến số lao động thất nghiệp.

Bà Lê Thị Hải Châu - Chủ tịch Công đoàn Cty dệt may 29-3, cho hay, không có tình trạng lao động thất nghiệp mà ngược lại, lao động (có tay nghề) lại đang tạo làn sóng đơn phương nghỉ việc để nhận BHTN. Điều này gây ra rất nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Cty.

“Cty đã và đang áp dụng dây chuyền, công nghệ sản xuất LEAN (sản xuất rút gọn) nên nhiều lao động thấy không phù hợp. Đã có hàng chục công nhân làm đơn xin nghỉ, mặc dù lương hàng tháng từ 3 đến 5 triệu đồng chưa kể thưởng, môi trường làm việc tốt. Nguyên nhân chính là BHTN, bởi công nhân ngành dệt may rất dễ xin việc” - bà Châu nói.

Cty dệt may 29-3 hiện còn thiếu khoảng 500 CN, vì thế nguyên một xưởng mới dù đã vận hành từ năm 2011 nhưng đến nay không thể hoạt động bởi thiếu công nhân.

Lãnh đạo Cty Dệt may Vinatex Đà Nẵng cũng cho hay, DN đang phải đau đầu đối phó với tình trạng “chảy máu” lao động có nghề. “DN không phải trả tiền BHTN, nhưng việc bị ảnh hưởng sản xuất là thiệt hại rất lớn khi các đơn hàng bị đình trệ” - vị lãnh đạo này nói.

Theo BHXH Đà Nẵng, 6 tháng đầu năm 2012, đơn vị đã chi 16,9 tỷ để trả BHTN cho 5.348 người. Trong khi đó, cả năm 2011, đơn vị chỉ phải chi 24,7 tỷ đồng cho 6.824 lượt người (năm 2010 chi 7,5 tỷ/2.911 người). Nhân viên chi trả BHTN thừa nhận tiền chi thật nhưng số người thất nghiệp lại ảo.

Ông Đinh Văn Hiệp - Giám đốc BHXH Đà Nẵng thừa nhận đây là một lỗ hổng của pháp luật và đơn vị sẽ kiến nghị với cấp trên để sửa luật.

“Luật vừa hổng, quy chế phối hợp lại nhiều bất cập, đơn vị ra quyết định chi trả là Sở LĐTBXH, còn BHXH chỉ chi tiền nên không thể làm gì được” - ông Hiệp nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.