Thực hư lãi khủng ngân hàng

Tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng hiện lên tới 8,6%, tương đương khoảng 202.000 tỷ đồng Ảnh: Hồng Vĩnh
Tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng hiện lên tới 8,6%, tương đương khoảng 202.000 tỷ đồng Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Một số ngân hàng công bố lãi tạm tính 6 tháng đầu năm 2012 lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Con số này có đáng tin, khi mà việc công bố tỷ lệ nợ xấu mỗi nơi một kiểu? Đằng sau con số lợi nhuận khủng này có phải là cú PR, để tự đánh bóng tên tuổi, thu hút khách gửi tiền, còn lãnh đạo thì giữ được ghế?

> Ngân hàng hai ngày trước giờ ‘G’

Lợi nhuận ảo

Kết thúc 6 tháng đầu năm 2012, Vietcombank ước đạt được lợi nhuận trước thuế 2.600 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ năm trước; Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) gây bất ngờ với lợi nhuận trước thuế 1.700 tỷ đồng, tăng tới 14% so với cùng kỳ năm 2011, đạt 50% kế hoạch năm 2012.

Còn DongA Bank đạt lợi nhuận trước thuế hơn 776,548 tỷ đồng, tăng tới 14,8% so với cùng kỳ năm 2011. Thị trường vẫn đang chờ đợi thông tin lợi nhuận từ các thành viên khác.

Đến thời điểm này, 3 “ông lớn” là Vietinbank, Agribank và Ngân hàng Á Châu (ACB) vẫn chưa tiết lộ thông tin lợi nhuận 6 tháng. Theo dự báo của Tổ chức đánh giá tín nhiệm Mỹ (Fitch), thì mức lợi nhuận của Vietinbank, ACB sẽ không cao trong năm 2012...

Giám đốc một chi nhánh của Sacombank cho biết: “Chỉ biết số lãi của ngân hàng mình qua thông cáo chung chứ chưa được tiếp cận số liệu cụ thể”.

Vị này cho biết, lợi nhuận 1.700 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm chủ yếu là lợi nhuận từ năm 2011 chuyển sang. Vì năm nay, hoạt động Sacombank và các ngân hàng khác đều rất khó khăn.

Ngay sau khi những con số lãi khủng trên được công bố, bất ngờ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) họp báo, công bố tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng tăng gần gấp đôi (con số các tổ chức tín dụng (TCTD) báo cáo là 4,47%, tương ứng hơn 117.000 tỷ đồng; trong khi con số của cơ quan thanh tra giám sát NHNN là 8,6%, tương ứng khoảng 202.000 tỷ đồng).

Điều này cho thấy, các TCTD đã không trung thực trong việc báo cáo tỷ lệ nợ xấu, nhằm giảm chi phí trích lập rủi do, làm đẹp báo cáo tài chính.

Như vậy, con số lãi mà các ngân hàng công bố, kể cả số lãi năm 2011 cũng rất đáng ngờ. Năm 2011 Vietcombank công bố đạt lợi nhuận 5.700 tỷ đồng; Vietinbank lợi nhuận trước thuế 8.105 tỷ đồng, tăng 76% so với năm 2010; Eximbank đạt 4.065 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 71% so với năm 2010; Sacombank đạt 2.728 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế; VPBank đạt lợi nhuận trước thuế khoảng 1.060 tỷ đồng...

Tuy không công bố con số lãi thực tế của các ngân hàng năm 2011 cụ thể ra sao, nhưng cơ quan Thanh tra giám sát NHNN cho biết, lợi nhuận năm 2011 của toàn ngành cũng như một số ngân hàng không cao như công bố.

Có tới gần 50% các TCTD có lợi nhuận giảm so với năm 2010. Thậm chí, có 10% số lượng các TCTD thua lỗ...

Nguyên nhân chính của lãi ảo, theo cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng thì số tuyệt đối và tỷ lệ nợ xấu của các TCTD đã liên tục tăng lên, đặc biệt là các tháng cuối năm 2011 và đầu năm 2012.

Trong khi nhiều tài sản tiềm ẩn rủi ro tín dụng khác như các khoản đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp... lại chưa được phân loại và trích lập dự phòng.

Chưa kể, giá trị tài sản thế chấp (nhất là bất động sản) giảm mạnh, nhưng không được định giá lại dẫn đến việc trích lập dự phòng các khoản dư nợ cho vay có bảo đảm bằng bất động sản không sát với thực tế...

Lãi ảo, lương lãnh đạo thật

Hiện nợ xấu của các ngân hàng tăng gần gấp đôi, khoảng 202.000 tỷ đồng Ảnh: Hồng Vĩnh
Hiện nợ xấu của các ngân hàng tăng gần gấp đôi, khoảng 202.000 tỷ đồng.  Ảnh: Hồng Vĩnh.
 

Theo một chuyên gia ngân hàng, có ba lý do chính khiến các ngân hàng phải “làm đẹp sổ sách”, kê lãi ảo: Để được cổ đông chấp nhận gói tiền lương và trả thù lao cao; Giữ ghế cho lãnh đạo; Và tạo niềm tin cho người gửi tiền cũng như giữ được giá cổ phiếu.

Như các cổ đông Ngân hàng TMCP Liên Việt Bưu điện từng bị sốc, tại đại hội cổ đông hồi đầu năm, ban lãnh đạo trình tổng mức thù lao cho các thành viên HĐQT và BKS năm 2012 dự kiến lên tới 45 tỷ đồng (khoảng hơn 3% lợi nhuận sau thuế, cho 8 thành viên HĐQT và 3 thành viên trong BKS).

Để được hưởng mức thù lao khủng đó, thì ban lãnh đạo này cũng đưa ra kế hoạch lợi nhuận năm 2012 trước thuế dự kiến từ 1.325 đến 1.500 tỷ đồng.

Một số ngân hàng khác, ban lãnh đạo đề xuất mức thù lao tỷ lệ với lợi nhuận công bố của ngân hàng.

Ví như Ngân hàng Quốc tế (VIB) đề xuất mức thù lao năm 2012 cho HĐQT và BKS bằng 1% lợi nhuận trước thuế và trong mọi trường hợp đều không thấp hơn 13,3 tỷ đồng. Còn Vietcombank mức thù lao lãnh đạo dự kiến là 0,28% lợi nhuận sau thuế (LNST). Vietinbank, đề nghị mức thù lao đối với HĐQT và BKS là 0,3% LNST...

“Cơ chế thị trường, đúng là tiền nào của nấy, nhưng bản thân các cổ đông không thể biết số lãi thật cuối năm của ngân hàng mình là bao nhiêu. Chỉ biết số tiền thực chi cho ban lãnh đạo ngân hàng là thật.

Vì thực tế, nhiều ngân hàng công bố lãi rất lớn nhưng trả cổ tức phần lớn đều dưới 15%, thậm chí nhiều ngân hàng không trả bằng tiền mặt. Như thế làm sao gọi là lãi thật được”, vị chuyên gia trên bình luận.

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng cho rằng: “Cần phải xem xét kỹ các ngân hàng đã trích lập dự phòng rủi ro và cân đối các khoản vay chưa? Từ đó mới có số lợi nhuận chính xác của ngân hàng. Nếu thực hiện trích lập dự phòng đầy đủ, thì chắc chắn số lãi thực tế của ngân hàng sẽ giảm so với các
năm trước”.

Hơn nữa, theo ông Lực, phải căn cứ vào các số liệu, chỉ tiêu năm nay và so sánh với năm ngoái, thì mới thấy được bản chất là lãi tăng hay giảm. Đơn cử như Vietcombank lãi trước thuế 2.600 tỷ đồng, tương đương 6,3% trên tổng vốn chủ sở hữu (tính hết tháng 6 là 41.000 tỷ đồng).

Nếu ngân hàng tiếp tục giữ mức tăng lợi nhuận này thì lợi nhuận cả năm mới bằng 12,6% vốn chủ sở hữu.

“Đây là mức lời thấp và chắc chắn sẽ giảm trong thời gian tới. Vì thị trường trong nửa cuối năm nay sẽ có nhiều yếu tố bất lợi, cùng với việc giảm lãi suất, tăng hỗ trợ doanh nghiệp… sẽ khiến tăng trưởng của các ngân hàng khó đạt như kỳ vọng” - ông Lực dự báo.

Chỉ ba ngân hàng trích lập dự phòng rủi ro theo quy định

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính, tiền tệ quốc gia, về nguyên tắc, khi nợ xấu tăng thì lợi nhuận của ngân hàng sẽ giảm, tức là có thể lỗ hoặc lãi ít hơn. Phải xem bảng cân đối tài sản của ngân hàng thì mới biết chính xác được lỗ - lãi ra sao. Hơn nữa, cần phải rà soát lại nợ xấu của các ngân hàng một cách chính xác.

“Theo tôi biết, hiện chỉ có 3 ngân hàng là Vietcombank, BIDV và MB đã thực hiện phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro theo quy định, còn các ngân hàng khác đang lên kế hoạch để thực hiện trong năm 2013. Như vậy, trong 3 ngân hàng công bố lợi nhuận, chỉ có VCB đã tính đủ trích lập dự phòng rủi ro. Còn Sacombank và DongA Bank thì chưa”, ông Nghĩa nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG