Nếu tiền dồn dập ra thị trường

Nếu tiền dồn dập ra thị trường
Mười ngân hàng (NH) vừa được NH Nhà nước nới chỉ tiêu tăng tín dụng, có NH được tăng tín dụng đến 30%. Các chuyên gia cho rằng NH Nhà nước nên có biện pháp kiểm soát chất lượng tín dụng.

Nếu tiền dồn dập ra thị trường

> Vì sao phải cố tăng tín dụng 8-10%?

Mười ngân hàng (NH) vừa được NH Nhà nước nới chỉ tiêu tăng tín dụng, có NH được tăng tín dụng đến 30%. Các chuyên gia cho rằng NH Nhà nước nên có biện pháp kiểm soát chất lượng tín dụng.

Một số NH vừa công bố được nới chỉ tiêu tín dụng như NH Tiên Phong và Đại Dương được tăng đến 27%, VPBank và HDBank nới chỉ tiêu tín dụng lên 30%...

Khách hàng đến giao dịch tại Sacombank TP.HCM. Ảnh: Thanh Đạm
Khách hàng đến giao dịch tại Sacombank TP.HCM. Ảnh: Thanh Đạm.

Vốn vào nhiều lĩnh vực

"Tình hình hiện nay chắc chắn NH không dám đổ thêm vốn vào bất động sản mà chỉ mở ra với sản xuất kinh doanh. Như vậy không có gì đáng phải lo ngại"

Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn

NH Nhà nước cho biết các NH được điều chỉnh chỉ tiêu tăng tín dụng đều có tình hình tài chính lành mạnh và đã đạt hơn 50% chỉ tiêu tín dụng mà NH Nhà nước giao từ đầu năm.

Ông Nguyễn Hữu Đặng, tổng giám đốc HDBank, cho biết NH đã có kế hoạch phân bổ nguồn vốn tín dụng được phép tăng thêm cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa, hộ cá thể.

Về cho vay với DN, theo ông Đặng, khó khăn nhất của DN hiện nay là chưa cơ cấu lại khoản cũ.

“NH đồng ý sẽ giãn nợ cho các DN nhưng DN phải trình bày phương án kinh doanh thế nào, sẽ cơ cấu ra sao để duy trì sản xuất, thuyết phục NH về khả năng trả nợ” - ông Đặng nói.

Tổng giám đốc một NH vừa được NH giao thêm chỉ tiêu tín dụng nói sẽ kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng phù hợp với khả năng huy động vốn và nâng cao chất lượng tín dụng nhằm đảm bảo an toàn hệ thống. “NH sẽ không bằng mọi giá để hoàn thành chỉ tiêu tín dụng được giao” - ông này nói.

Ông Trịnh Văn Tuấn, chủ tịch HĐQT NH Phương Đông, cho biết đến nay NH đã tăng khoảng 7% trong chỉ tiêu 15% được NH Nhà nước giao từ đầu năm, chủ yếu tập trung vào hai tháng gần đây do lãi suất giảm.

Ông Tuấn cho biết NH cũng có hướng đề xuất NH Nhà nước nới chỉ tiêu tăng tín dụng. Nguồn vốn sẽ hướng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, dịch vụ, xuất nhập khẩu...

Trong khi các NH nhỏ đua nhau xin tăng chỉ tiêu tín dụng thì đến nay các NH lớn vẫn chưa có động thái nào. Phó tổng giám đốc một NH lớn cho biết chưa có chủ trương xin thêm chỉ tiêu vì chỉ tiêu cũ đã quá cao. Khả năng đến cuối năm chỉ tiêu cũ không sử dụng hết dù NH này đã nới lỏng quy định cho vay, tỉ lệ cho vay trên tài sản đảm bảo cũng tăng 10% so với trước.

Lo chất lượng tín dụng

Tác động không đáng kể

Một chuyên gia tài chính cho rằng việc nới lỏng tín dụng của NH Nhà nước phát đi tín hiệu cho thấy NH Nhà nước sẵn sàng tạo điều kiện cho tín dụng đi vào nền kinh tế. Cũng theo vị chuyên gia này, với những NH nhỏ có quy mô vài chục nghìn tỉ đồng, việc tăng trưởng tín dụng

30-40% không bằng các NH lớn tăng vài phần trăm, nên cũng không gây tác động nhiều đến nền kinh tế cũng như nguy cơ lạm phát. “Vấn đề là chất lượng của khoản vay. NH Nhà nước cũng phải có quy định cho thấy tạo điều kiện vay vốn cho lĩnh vực nào và không tạo điều kiện cho lĩnh vực nào” - ông này nói.

Dù NH Nhà nước khẳng định khả năng các NH cán đích chỉ tiêu mới là hết sức khó khăn vì còn phụ thuộc vào việc DN giải phóng hàng tồn, mở rộng thị trường tiêu thụ...

NH Nhà nước cũng dự báo tín dụng cả năm 2012 khó lòng vượt con số 8-10% nên không thể gây áp lực tăng lạm phát. Tuy nhiên các chuyên gia cũng còn nhiều ý kiến lo ngại.

Tiến sĩ Vũ Đình Ánh (Viện Kinh tế - tài chính, Bộ Tài chính) cho rằng mục tiêu tăng tín dụng cả năm 2012 ở mức 8-10% không phải là cao. Tuy nhiên so với mức tăng tín dụng hiện nay mới đạt được là 1,51% thì mức tăng này quá nhanh.

“Từ nay đến cuối năm chỉ còn năm tháng nên việc tăng tín dụng dồn dập như vậy sẽ dẫn đến nguy cơ lạm phát” - ông Ánh nói.

Tuy nhiên theo ông Ánh, chính sách tiền tệ bao giờ cũng có độ trễ nên trong năm 2012 lạm phát chưa trực tiếp tác động mà có thể chuyển sang 2013. Đó mới là điều cần quan tâm.

Việc một số NH nhỏ được nới hạn mức tín dụng lên mức 27-30%, TS Vũ Đình Ánh lưu ý cần phải đặt trong tổng thể chung toàn hệ thống và thực tế từng NH, đặc biệt khả năng kiểm soát chất lượng tín dụng tại các NH này.

Về lo ngại vốn tín dụng sẽ đổ vào bất động sản, ông Ánh cho rằng việc nới lỏng tín dụng sẽ tác dụng nhất định đến thị trường bất động sản nhưng khó tạo bong bóng do hệ quả để lại trước đó chưa xử lý được.

Gắn với việc kiểm soát chất lượng tín dụng tại các NH, ông Ánh cho rằng NH Nhà nước cũng phải kiểm soát được đà tăng tín dụng bất động sản. “Đó không phải là rủi ro hiện tại mà là rủi ro trong tương lai khi thị trường bất động sản hiện nay vẫn chưa có lối ra” - ông Ánh nói.

Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn cho rằng trong điều kiện nền kinh tế có dấu hiệu giảm phát, tín dụng tăng thấp kỷ lục như hiện nay, việc mở rộng tín dụng là cần thiết với điều kiện các NH phải cho vay đúng địa chỉ.

Còn 640.000 tỉ đồng chịu lãi vay trên 15%/năm

Theo NH Nhà nước, sau một tháng thực hiện chủ trương hạ lãi suất các khoản vay cũ về mức tối đa 15%/năm, vẫn còn 24,6% các khoản vay đang chịu lãi suất trên 15%, tương đương 640.000 tỉ đồng.

So với thời điểm trước ngày 15-7, dư nợ cho vay lãi suất trên 15% đã giảm 65%, trong đó nhóm năm NH thương mại nhà nước có mức giảm đến 90%, hiện chỉ còn khoảng 6,2% dư nợ có LS trên 15%/năm.

* NH Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết đến ngày 10-8, đã có hơn 46.425 tỉ dư nợ được các NH trên địa bàn cơ cấu lại kỳ hạn, trong đó riêng Sacombank khoảng 1.200 tỉ đồng (15 khách hàng), HDBank hơn 1.109 tỉ đồng (134 khách hàng), DongA Bank 2.413 tỉ đồng (82 khách hàng)...

Theo Ánh Hồng
Tuổi Trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG