Vốn chưa vào doanh nghiệp

Vốn chưa vào doanh nghiệp
TP - Tình trạng huy động vốn tăng nhưng tăng trưởng tín dụng (tức đầu ra) vẫn “dậm chân tại chỗ”, theo nhiều chuyên gia bắt nguồn từ nguyên nhân: tiền đồng vẫn “loay hoay” trong hệ thống ngân hàng. Còn với các nhà băng, lý do ngại cho vay nằm chính ở hàng tồn kho dễ liên thông với nợ xấu.

> Doanh nghiệp gian lận bằng 'hai sổ sách'

Hàng tồn kho - sợi dây liên thông làm nợ xấu gia tăng (ảnh minh họa) . Ảnh: Hồng Vĩnh
Hàng tồn kho - sợi dây liên thông làm nợ xấu gia tăng (ảnh minh họa) . Ảnh: Hồng Vĩnh.

Vốn “lòng vòng” tại ngân hàng

Ông Trần Thanh Hiếu, Giám đốc một công ty về giao nhận vận tải tại TP Hồ Chí Minh kể: doanh nghiệp (DN) đang mở rộng sản xuất kinh doanh với vốn tự có là 70% dự án và muốn vay thêm ngân hàng.

Ông Hiếu muốn nhận được lời tư vấn từ các chuyên gia là có nên vay ngân hàng hay không bởi điểm quan ngại lớn nhất đây là giai đoạn thị trường khó toàn diện, nên DN rất dễ đối mặt với rủi ro.

Ông Đinh Quang Hùng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị & Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bao bì Tín Thành lại cho hay, vốn không phải vấn đề mà việc quan tâm hiện nay là làm sao sử dụng tốt nguồn tiền DN hiện có trong giai đoạn kinh tế khó khăn, và tiếp cận được nguồn vốn vay rẻ với chính sách hỗ trợ từ phía Chính phủ, ngân hàng.

Lãnh đạo của một DN khác tại TP Hồ Chí Minh lại than rằng đơn vị đang triển khai dự án nhưng thiếu vốn phải đi vay nóng ngân hàng và một số nơi... Kể ra như vậy để thấy rằng hoàn cảnh hiện nay giữa từng DN thật mâu thuẫn và khác nhau, theo thạc sĩ Đoàn Thị Quyên -Viện phát triển Doanh nghiệp (thuộc Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam), trong các yếu tố tác động trực tiếp đến sản xuất kinh doanh, gây ảnh hưởng xấu nhất hiện tại vẫn là tiếp cận vốn vay.

“Cảm nhận chung của cộng đồng là tình hình trở nên khá khó khăn thể hiện qua số lượng DN giải thể tăng cao và số lượng công nhân đăng ký chi trả bảo hiểm thất nghiệp cũng tăng mạnh”- bà Quyên nói.

Thống kê trong 5 năm trở lại đây, mức tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng lần lượt: năm 2007 - tăng 51%, năm 2008 - 30%, năm 2009 - 37%, năm 2011 - 12%. Trong khi số liệu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tính đến ngày 30- 7- 2012, tín dụng của hệ thống ngân hàng tăng 1,02% so với 31- 12- 2011 sau khi tăng trưởng âm trước đó.

Đây là mức tăng trưởng quá thấp so với chỉ tiêu 15%-17% (huy động vốn vào ngân hàng cùng thời điểm vẫn tăng lên 10,24%). Dẫn ra thực tế này, ông Võ Tân Thành, Giám đốc Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh nhận định: nguồn vốn “vào” ngân hàng không “ra” được doanh nghiệp.

Theo ông, thị trường đang cần được kích thích bằng cách giải ngân một cách nhịp nhàng, tránh tình trạng “no dồn đói góp” nén chặt đầu năm xong lại “ồ” ra cuối năm. Làm sao để sử dụng hiệu quả nguồn vốn đang thực sự trở thành thách thức với cả ngân hàng và doanh nghiệp.

Giải bài toán tồn kho- nợ xấu

Giải bài toán doanh nghiệp đang cần vay vốn thì lại vướng nợ xấu và không đáp ứng yêu cầu được vay, còn không có nợ xấu lại không muốn vay, nên thế nào? - Nhận định của chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, vốn huy động tăng trong thời gian qua đồng nghĩa nguồn vốn ngân hàng đã tích lũy đủ để sử dụng trong nền kinh tế.

“Đầu tư công sẽ tăng mạnh trong hai tháng trở lại đây, điều này củng cố thêm cho niềm tin là nguồn tiền “ra” chắc chắn mạnh hơn trong 4 tháng cuối năm và nền kinh tế đang cần cú huých mới để phát triển”- Ông Hiển khẳng định.

“Vấn đề hiện không phải là lãi suất cao hay thấp mà chính là nợ xấu, nợ quá hạn không trả được làm hạn chế khả năng tiếp cận nguồn vốn mới của doanh nghiệp”- Tiến sĩ Trần Du Lịch - Ủy viên Ban Kinh tế Quốc hội nhận định về thực trạng trên.

TS Lịch cập nhật những số liệu mới nhất ông vừa có được: tính đến ngày 27- 8, số lượng DN được thành lập mới là 46.000, trong khi đó có đến 35.483 DN bị giải thể, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái. “Đây là vấn đề đáng phải lo ngại.

Vì hàng tồn kho chính là sợi dây liên hệ với việc nợ xấu gia tăng. Dù thông tin NHNN đã đưa ra thị trường khoảng 180 ngàn tỷ đồng qua các kênh như mua ngoại tệ, thị trường mở.. nhưng tín dụng vẫn không tăng chứng tỏ tiền chỉ chạy lòng vòng trong hệ thống chứ chưa đến doanh nghiệp”- Ông ví von hiện trạng này giống như máu vào tim nhưng không ra cơ thể được thì làm sao nói đến việc tăng trưởng.

Ngân hàng “đọng” 50 ngàn tỷ đồng vốn khả dụng

Theo TS Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Bưu Điện Liên Việt, tại thời điểm này, doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn nếu đã có 70% vốn tự có thì có thể yên tâm vào ngân hàng.

“Lãi suất ngân hàng nếu xuống thì chỉ 1 phần trăm điểm nữa vì phải đối mặt với các loại mặt hàng khác tăng giá ( như xăng dầu, than, điện). Tín dụng đầu ra phải mất vài tháng nữa mới tăng được. Sau “sự kiện ACB” hiện toàn ngành đang “đọng” khoảng 50 ngàn tỷ vốn khả dụng trong hệ thống. Không phải ngân hàng không muốn cho vay mà phải để dành đề phòng người gửi muốn rút tiền”- Ông Hưởng phân tích.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG