Chứng khoán: Sự hờ hững… đến buồn lòng

Chứng khoán: Sự hờ hững… đến buồn lòng
Ba phiên trôi qua sau ngày Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra Công văn số 3229 về việc cấm bán khống chứng khoán, thị trường vẫn không có gì chuyển biến. Hai sàn vẫn lình xình theo xu hướng giảm, giao dịch ảm đạm khiến khối lượng khớp vẫn thấp đến buồn lòng.

Chứng khoán: Sự hờ hững… đến buồn lòng

> Thua lỗ, đại gia CK nào tiếp tục 'ngã ngựa'?

Ba phiên trôi qua sau ngày Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra Công văn số 3229 về việc cấm bán khống chứng khoán, thị trường vẫn không có gì chuyển biến. Hai sàn vẫn lình xình theo xu hướng giảm, giao dịch ảm đạm khiến khối lượng khớp vẫn thấp đến buồn lòng.

Có vẻ như những nỗ lực chấn chỉnh và kích thích chứng khoán vẫn chưa lấy lại được sự hứng khởi cho nhà đầu tư. Tất cả đang hờ hững chờ đợi trong nỗi buồn lòng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Thiếu triệt để, còn bất công

Việc cấm bán khống được UBCK kỳ vọng sẽ giúp thị trường ổn định, tránh bị thao túng giá, đặc biệt là đè giá xuống, gây tâm lý lo sợ cho nhà đầu tư. Hơn nữa, công văn này thể hiện sự mạnh tay của cơ quan quản lý với những đối tượng thao túng giá chứng khoán.

Cụ thể, lãnh đạo UBCK cho biết sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán. Trường hợp phát hiện hành vi vi phạm mua bán khống chứng khoán có dấu hiệu hình sự, UBCK sẽ chuyển cơ quan công an để xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, với việc 2 sàn giảm 2 trong 3 phiên vừa qua, trong đó có một phiên đầu tuần giảm mạnh, cộng với thanh khoản lẹt đẹt ở mức thấp cho thấy hiệu ứng tích cực từ biện pháp chấn chỉnh mới của cơ quan quản lý không được như mong đợi.

Trước đó ít ngày, quyết định của UBCK về việc rút ngắn thanh toán về 9h ngày T+3 từ 4/9 cũng được kỳ vọng sẽ cải thiện thanh khoản và giảm rủi ro cho các nhà đầu tư ngắn hạn, bởi đó là một bước cải thiện về kỹ thuật, tác động tốt cho việc giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, làn gió mới mang tên T+3 không tạo được niềm hứng khởi đáng kể và dài lâu cho 2 sàn.

Có nhiều nguyên nhân lý giải cho sự hờ hững với những quyết sách mới của UBCK.

Thứ nhất, chính sách mới dù có tinh thần siết chặt của UBCK không giúp nhà đầu tư cảm thấy yên lòng. Họ vẫn ý thức sự bất công vẫn tòn tại trên thị trường và phần thiệt vẫn nghiên về nhà đầu tư nhỏ, ít nơi dựa dẫm.
Chẳng hạn về T+3, những nhà đầu tư tổ chức và nhà đầu tư lớn cùng nhân viên môi giới của các CTCK thực ra đều đã quen với giao dịch T+3, và đôi khi T+2. Nếu nới về T+0 thì tất cả mới công bằng như nhau, sẽ không còn ngày nào để tổ chức, đại gia rút ngắn. Còn hiện tại, rút về T+3, đại gia vẫn có thể vượt lên nhờ T+2, thậm chí T+0.

Sự bất công cũng có thể xảy ra như trong việc áp dụng chính sách cấm bán khống. Trong công văn 3229 ngày 7.9 của UBCK, cơ quan này yêu cầu công ty quản lý quỹ, công ty chứng khoán không được thực hiện bán hoặc cho khách hàng bán chứng khoán khi không sở hữu chứng khoán và cho khách hàng vay chứng khoán để bán.

Tuy nhiên, đối với các thỏa thuận giữa hai bên trên cơ sở niềm tin như đã nói ở trên thì khó có thể kiểm soát được. Do đó, cơ quan quản lý khó lòng kiểm soát được hình thức bán khống, bởi hệ thống giao dịch không thể nào phân biệt được lệnh được đặt là theo yêu cầu của đối tác chứ không phải của chủ tài khoản (khi các điều kiện về giao dịch đều hợp lệ).

Nói tóm lại, việc cấm bán khống chỉ có tác dụng với những người nhỏ lẻ, không có chỗ cậy nhờ, còn với những người đủ điều kiện luồn lách thì họ vẫn có cửa làm ăn.

Rút ngắn thời gian thanh toán xuống T+3 thay vì rút triệt để xuống T+0. Cấm bán khống chứng khoán mới áp dụng đã thấy ngay vẫn có cửa luồn lách. Sự thiếu triệt để trong chính sách khiến phần đông nhà đầu tư vẫn cảm thấy sự công bằng, minh bạch cho thị trường vẫn chưa triệt để.

Hãy đi theo tiếng gọi thị trường

Quay trở lại vấn đề bán khống, quyết định lần này của UBCK một lần nữa chưa đáp lại chính xác lời thỉnh cầu từ thị trường. UBCKNN khuyến cáo nhà đầu tư không vay và cho vay chứng khoán để bán do các hoạt động này tiềm ẩn nhiều rủi ro, có thể gây thất thoát tài sản của mình và dẫn tới các tranh chấp về tài sản. Nhà đầu tư đâu phải không biết rủi ro đó, nhưng tại sao rất đông trong số họ vẫn mong muốn được bán khống?

Ở Mỹ cũng đã từng thực hiện biện pháp cấm bán khống trong thời kỳ khủng hoảng tài chính năm 2008, sau khi Lehman Brothers nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Tuy nhiên, lệnh cấm này có thời hạn, và đã được dỡ bỏ ngay sau khi thị trường vượt qua cơn sốc, chứ không triệt tiêu luôn hình thức này.

Mới đây nhất, Tây Ban Nha và Italia khi đối mặt với khủng hoảng và thị trường căng thẳng, các nhà quản lý thường áp đặt các biện pháp hạn chế tình trạng bán khống nhằm ngăn chặn tình trạng giá trị cổ phiếu lao dốc không phanh. Biện pháp này cũng áp dụng có giới hạn: Lệnh cấm của Tây Ban Nha có hiệu lực trong vòng 3 tháng, còn Italy áp dụng trong một tuần với 29 cổ phiếu ngân hàng và công ty bảo hiểm.

Ngay cả Mỹ trong đại khủng hoảng, Tây Ban Nha và Ý trong cơn bão nợ công, cũng chỉ cấm một cách hạn chế trong một khoảng thời gian nhất định, bởi họ hiểu rằng, không thể bỏ hẳn bán khống.

Bán khống, thực ra không có tội. Đó là một nghiệp vụ bình thường mà các TTCK phát triển đều sẽ triển khai. TTCK luôn có người tin thị trường tăng và những người tin thị trường giảm. Ai kỳ vọng trăng thì mua vào cổ phiếu tới mức tối đa có thể, kể cả phải vay mượn bằng hình thức cầm cố cổ phiếu (margin). Ai tin thị trường xuống thì bán ra cổ phiếu tới mức có thể, thậm chí bán hết xong còn vay chứng khoán để bán, sau đó mua lại bù.

Mỗi quyết định đó, nhà đầu tư đều phải chịu trách nhiệm tới cùng. Họ đều ý thức được rủi ro khi mua ký quỹ hay bán khống, rằng có thể mất trắng vì nó. Do vậy, dù có lý do để cấm bán khống thì điều đó cũng chỉ là một giải pháp kỹ thuật ngắn hạn. Điều quan trọng vẫn là một thịt trường minh bạch và công bằng để tạo nền tảng phát triển bền vững.

Theo Nhật Vy
Vef

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG