Không thể kê biên nhà của nông dân

Ông Đỗ Văn Tề (xóm 5, xã Kỳ Sơn):“Tôi nhờ vay vốn nhưng chưa nhận được đồng nào, trong khi tòa đã đến đòi phát mãi tài sản”
Ông Đỗ Văn Tề (xóm 5, xã Kỳ Sơn):“Tôi nhờ vay vốn nhưng chưa nhận được đồng nào, trong khi tòa đã đến đòi phát mãi tài sản”
TP - Như Tiền Phong đã đưa tin, hồ sơ tài sản thế chấp vay vốn của nhiều hộ nông dân ở huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng đã bị cán bộ chi nhánh Ngân hàng Navibank Hải Phòng làm sai lệch, khai khống tài sản.

> Ngân hàng tự 'thổi' giá

Trách nhiệm của các bên liên quan trong quan hệ tín dụng này như thế nào, nông dân cho mượn sổ đỏ có bị mất nhà?

Bị lừa vì nhờ vay vốn

Ngày 18-9, PV Tiền Phong gặp ông Đỗ Văn Tề (xã Kỳ Sơn, huyện Thủy Nguyên) trong căn nhà cấp bốn lụp xụp, có diện tích xây dựng 25m2 và nằm giữa khu vườn chuối.

Tuy nhiên, trên hồ sơ vay vốn, căn nhà này được cán bộ Ngân hàng Navibank Hải Phòng “vẽ” thành nhà 1,5 tầng, mái bằng bê tông cốt thép, nền lát gạch hoa, diện tích sử dụng tới 105m2.

Nhờ thế, toàn bộ căn nhà và đất (1.339m2) đã được định giá là 1,36 tỷ đồng và thế chấp cho khoản vay 816 triệu đồng của Cty CP thương mại và kỹ thuật Hải Lâm.

Ông Tề cho biết: “Năm 2008, tôi cần vay 50 triệu đồng để sửa nhà. Cô Duyên (môi giới vay vốn) đã dẫn tôi đến gặp cô Vân (Mạc Thị Vân, giám đốc Cty Hải Lâm). Cô Vân hứa giúp tôi vay tiền với điều kiện: lấy sổ đỏ của tôi để thế chấp ngân hàng. Khi vay được 200 triệu đồng, thì phải cho cô Vân vay lại 100 triệu đồng, tôi nhận 50 triệu, cô Duyên được 30 triệu và 20 triệu cho con gái tôi”.

Vì tin lời các đối tượng này, ông Tề đã đưa giấy tờ nhà cho bà Vân làm thủ tục vay vốn. Nhưng khi thẩm định tài sản, ông Tề khẳng định, cán bộ ngân hàng không đến xem nhà ông, mà lại chụp ảnh nhà cô Duyên (nhà 1,5 tầng) ở gần đây và dán vào hồ sơ nhà ông Tề.

“Họ (cô Duyên, cô Vân) đưa tôi sang quận Kiến An để ký nhiều giấy tờ mà tôi không đọc hết. Nhưng từ đó đến nay, tôi không nhận được một đồng vốn vay nào cả” - ông Tề nói và không biết tình trạng pháp lý của căn nhà và đất của mình hiện nay.

Ông Nguyễn Văn Quang và bà Đỗ Thị Hiển (mẹ ruột của ông Quang), cũng cho Cty CP Hoàng Sơn Lâm mượn hai sổ đỏ nhà, thế chấp cho hai khoản vay trên 800 triệu đồng tại Navibank.

“Tôi không biết họ vay bao nhiêu tiền. Đã hơn 5 năm trôi qua, gần đây, cán bộ ngân hàng và tòa án đến đo vẽ nhà tôi, bảo rằng tôi sắp mất nhà” - bà nói.

Tại hai xã Quảng Thanh và Kỳ Sơn, có ít nhất 6 hộ dân đã cho Cty Hải Lâm và Cty Hoàng Sơn Lâm mượn sổ đỏ để thế chấp vay vốn tại Navibank. Phần lớn người dân này có quan hệ họ hàng với bà Mạc Thị Vân.

Số khác lại quen biết bà Vân qua người môi giới vay vốn. Nhưng đáng nói là, hầu hết tài sản trên đất đều bị khai khống, không đúng với thực tế, như nhà cấp bốn thành nhà 1,5 tầng, nhà 1 tầng thành 3 tầng và thêm một cửa hàng, khai tăng diện tích nhà…

Khó kê biên, phát mãi nhà dân

Chiều 18-9, PV có mặt tại phòng giám đốc chi nhánh Navibank Hải Phòng. Bà Phạm Thị Lan Hương, Giám đốc chi nhánh đồng ý làm việc, nhưng sau đó, bà Hương đột ngột đổi ý.

“Mấy món vay đấy chú Mạnh làm (khi đó là chuyên viên quan hệ khách hàng, hiện là Phó giám đốc chi nhánh Kiên Long Bank Hải Phòng-PV). Cán bộ của tôi đi thẩm định, mang biên bản xác nhận về tôi ký, chứ tôi không trực tiếp đi thẩm định” - bà Hương nói và “đá quả bóng” trách nhiệm: “Nếu muốn thông tin cụ thể thì gặp anh Mạnh tìm hiểu”.

Theo luật sư Trần Mỹ Long, Văn phòng luật sư Sao Biển (Hải Phòng), về hình thức, các biên bản định giá tài sản là chuẩn theo các quy định giao dịch dân sự, đúng pháp luật.

Nhưng về nội dung, giao dịch này có yếu tố giả tạo, gây nhầm lẫn hoặc cố tình gây hiểu nhầm cho bên thế chấp tài sản (người nông dân). Vì vậy, giao dịch dân sự này vô hiệu theo Điều 129 Bộ luật Dân sự.

Vì các bên đã xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo, nhằm che giấu một giao dịch khác, thì giao dịch giả tạo bị vô hiệu. Nên khó có thể kê biên, phát mãi nhà của nông dân.

Còn giao dịch bị che giấu - ở đây là giao dịch vay vốn giữa Cty Hoàng Sơn Lâm, Cty Hải Lâm và Navibank Hải Phòng - vẫn có hiệu lực. Do đó, hai công ty này vẫn có nghĩa vụ trả số tiền đã vay cho ngân hàng.

Mặt khác, luật sư Long cho rằng, cần làm rõ trách nhiệm của cán bộ thẩm định ở hai vấn đề: Có sự trục lợi của cán bộ ngân hàng trong việc thẩm định tài sản không. Nếu có, thì có thể xem xét trách nhiệm hình sự của cán bộ này.

Ngày 21-9, ông Trịnh Khắc Thịnh, Chánh án TAND huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng cho biết, tòa án đã xuống kiểm tra, xem tài sản trên hợp đồng thế chấp và hợp đồng tín dụng thực có như vậy không.

Trường hợp khi kiểm tra phát hiện sai giữa hồ sơ và tài sản thực tế thì hội đồng xét xử sẽ đánh giá, kết luận về sai lệch ấy.

“Với những trường hợp khai khống tài sản này thì ngân hàng phải chịu, vì cho vay mà thẩm định sai. Tòa án chỉ xác định việc có vay có trả, còn trả thế nào phải căn cứ tài sản thế chấp. Người ta có ít (giá trị tài sản) mà ông cho vay nhiều thì ông phải chịu thôi” - ông Thịnh nói.

Dân cần làm đơn tố cáo

Theo một chuyên gia pháp luật, trong vụ việc này, hành vi của các cò vay vốn có dấu hiệu lừa đảo, vì người nông dân nhờ cò vay vốn nhưng lại chưa nhận được tiền, trong khi đó, phía ngân hàng đã giải ngân. Chưa kể, với việc kê khống tài sản thế chấp, ở đây còn có dấu hiệu tiếp tay của cán bộ ngân hàng. Vì thế, người dân cần có đơn tố cáo để cơ quan công an vào cuộc, điều tra làm rõ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG