Vào lò ‘sao chép’ các loại bánh kẹo nổi tiếng

Vào lò ‘sao chép’ các loại bánh kẹo nổi tiếng
T. dẫn chúng tôi vào căn phòng chỉ khoảng 50m2, nóng hầm hập và đầy mùi chua chua, cùng mùi mồ hôi nồng đến lợm giọng. Trong phòng có khoảng 15 công nhân đang làm việc, họ ăn mặc không theo một quy định nào cả…

Vào lò ‘sao chép’ các loại bánh kẹo nổi tiếng

> Bánh Trung thu: Làm một vụ, ngủ ...hai năm

T. dẫn chúng tôi vào căn phòng chỉ khoảng 50m2, nóng hầm hập và đầy mùi chua chua, cùng mùi mồ hôi nồng đến lợm giọng. Trong phòng có khoảng 15 công nhân đang làm việc, họ ăn mặc không theo một quy định nào cả…

Người tìm đến La Phù để mua bánh kẹo rồi đi bán cho nơi khác
Người tìm đến La Phù để mua bánh kẹo rồi đi bán cho nơi khác.

“Vựa bánh kẹo” của miền Bắc

Cách trung tâm Hà Nội vỏn vẹn 15km, xã La Phù, Hoài Đức, Hà Nội từ lâu đã nổi tiếng là một “vựa bánh kẹo” của miền Bắc. Bánh kẹo nơi đây đa dạng về chủng loại, giá cả phải chăng nhưng lại ẩn chứa những “dấu hỏi” đáng ngờ về chất lượng.

Trong vai người đi mua hàng với số lượng lớn để chuẩn bị mở đại lý, chúng tôi có mặt tại làng La Phù từ sáng sớm. Chỉ vừa bước chân vào tới đầu làng đã bắt gặp một không khí tấp nập, kẻ mua người bán, hàng đoàn xe máy, xe ô tô chở đầy ứ bánh kẹo rầm rập lăn bánh.

Còn đang bị cuốn vào cái không khí rộn ràng ấy, chúng tôi bất ngờ nhận được những lời mời chào rất nhiệt tình của một chủ hàng “Mua gì thế chú em ơi, vào đây chị bán cho, chọn hàng nhà chị chú yên tâm, một vốn bốn lời cầm chắc trong tay”.

Nói rồi bà chủ chỉ tay cho tôi xem kho hàng với ngổn ngang bia H., nước tăng lực S., bò húc, các loại bánh kẹo tên tuổi như Chocopie được bày la liệt. Bà chủ còn thêm rằng “Muốn mua bao nhiêu cũng có, ở đây không thiếu, cây nhà lá vườn mà". Chúng tôi không khỏi giật mình vì những thứ bánh kẹo này vốn được sản xuất từ những hãng sản xuất lớn, nguồn cung cấp từ các nhà máy công nghiệp có hẳn dây chuyền, trang thiết bị hiện đại. Vậy mà ở một làng nghề lại có những sản phẩm “giống y như đúc”.

Thấy tôi có vẻ ái ngại chần chừ, bà chủ hàng vỗ vai chỉ tay về hướng một chiếc xe tải mang biển số 38x… đang “ăn hàng” và nói: “Chú em thấy không, xe từ tận miền trong còn ra ngoài này nhập hàng thì chú cứ yên tâm, không một vốn bốn lời chị cứ làm con cho chú”, tôi cười cười bảo lại “em chưa có vợ chị à”, bà chủ hàng ra vẻ thẹn thẹn sửa “ừ thì chị cứ nói thế, chú có bát cơm, thì chị cũng được nhờ bát cháo”. Tôi ậm ừ tỏ vẻ đồng ý.

Tiếp đó, màn diễn thuyết của chủ hàng bắt đầu từ những thùng có tên lạ hoắc cho đến những thùng lớn của Hữu Nghị, rồi Orion… nào là giá cả, nguồn gốc xuất xứ… Loại nhà tự sản xuất được với những cái tên lạ hoắc nhưng khi đọc nó na ná giống những sản phẩm rất nổi trên thị trường thì giá mềm nhất, chiết khấu nhiều 30 – 40% hóa đơn hàng tùy theo số lượng, loại còn lại của các thương hiệu nổi tiếng thì ít hơn chỉ là 20 - 25% tổng giá trị đơn hàng.

Hàng sản xuất từ
Hàng sản xuất từ "nhà máy" La Phù chất lên xe để chở đi tiêu thụ.

Kỹ nghệ “sao chép” bánh kẹo

Trước những lời chào hàng như “rót mật vào tai”, chúng tôi hỏi bà chủ “giá vậy nhưng chất lượng có ổn không? Làm ăn lâu dài mà chất lượng không ổn thì chết em”. Bà chủ ngay lập tức tuôn ra một tràng phân bua: “Yên tâm đi, hàng chú mà không bán được thì cứ mang trả lại chị, chị không lấy lãi chú đâu, nếu hàng này không phải nhà làm được thì chắc chẳng có cái giá đó cho chú đâu”.

Nghe đến đây, tôi năn nỉ ngỏ ý muốn được tận mắt xem hàng khi sản xuất như nào để dễ bề quyết định có lấy hàng không, bà chủ đồng ý gọi một tay chuyên làm cửu vạn trong xưởng của nhà tên T. đưa chúng tôi đi “mở rộng tầm mắt”.

Tưởng cái khu “nhà máy” sản xuất bánh kẹo mà bà chủ nói ở xa lắm, nào ngờ nằm ngay đằng sau những thùng hàng lớn ban nãy tôi xem. Tay thanh niên T. dẫn chúng tôi vào căn phòng chỉ khoảng 50m2, nóng hầm hập và đầy mùi chua chua, cùng mùi mồ hôi nồng đến lợm giọng. Trong phòng có khoảng 15 công nhân đang làm việc, họ ăn mặc không theo một quy định nào cả, người áo sát nách, người áo cộc, tay trần nhào nặn, rồi thì đổ khuôn, nướng bánh…

Tôi hỏi nửa đùa nửa thật T.: “Đây chắc là chỗ chuyên làm mấy mặt hàng có tên gần giống mấy loại hàng nổi tiếng phải không?”. T. cười khì khì nói to như quát: “Bánh sản xuất ra ở đây có hai loại, một là mua hàng nguyên bản tại công ty trộn 50/50 hàng nhà sản xuất.

Nếu khách có yêu cầu thì có thể lên đến 30/70 hoặc cũng có thể là 100% nhưng vỏ thùng vẫn mang nhãn hiệu của công ty nổi tiếng sản xuất”.

Tôi tò mò thắc mắc “làm gì mà có nhiều thùng mang nhãn hiệu công ty đến vậy”. “Em cũng chỉ là dân làm thuê, thùng và nhãn mác do ông bà chủ đi đặt, chỉ cần mang đến nhãn mác thùng của công ty, người ta có thể sản xuất y nguyên cho mình, người ngoài thì nhìn không biết chứ bọn này đóng suốt lạ gì nữa, nhìn thì giống thôi nhưng để ý chút thì thấy màu sắc của những thùng từ La Phù có đường nét dại dại hơn so với thùng của công ty người ta làm”, T. cho chúng tôi biết.

Gật gù ra vẻ hiểu, chúng tôi thắc mắc thêm: “Làm như thế này liệu có ai kiểm tra không?”. T. lại cười bảo: “Có chứ, thỉnh thoảng có các đội y tế đi kiểm tra, một là đóng cửa hôm đó không sản xuất, hai là dọn dẹp sạch sẽ, ăn mặc chỉnh tề, họ đi kiểm tra định kỳ thì còn được vào nơi sản xuất. Nếu đột xuất đến, chủ hàng sẽ bảo nghỉ sản xuất vì lý do này, lý do kia hết”.

Vừa thấy chúng tôi trở ra, bà chủ vồn vã hỏi: "Được không chú em? Của nhà làm được, chú cứ yên tâm về mặt giá cả, quyết đi chị em mình hợp tác…”, tôi viện lý do cần phải thảo luận thêm với người nhà khi quyết định và muốn xin số bà chủ để liên lạc. Bà chủ Liên vui vẻ đáp “tùy chú em thôi, còn số thì chị chỉ có thể cho khách hàng đã lấy mối của chị để đặt hàng thôi, nếu chú lấy thì qua đây chị em mình làm việc trực tiếp”.

Theo ghi nhận của chúng tôi, các mặt hàng tại xã La Phù, ngoài bánh kẹo, bia và nước tăng lực ra còn một mặt hàng khác cũng rất được sự chú trọng của các lái buôn đó là bim bim các loại. Ngoài mác vẫn là những thương hiệu nổi tiếng như orion, oishi… nhưng thứ bên trong là gì thì vẫn chưa có câu trả lời cụ thể.

(Còn nữa)

Theo Infonet

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG