Xây nhà máy chậm, dân nghèo thêm

Xây nhà máy chậm, dân nghèo thêm
TP - Đồng cảnh với Quảng Nam và Quảng Ngãi, người dân trồng sắn nguyên liệu cho nhà máy Ethanol Phú Thọ tại huyện Tam Nông đang “ngồi trên lửa”, vì sắn đến kỳ thu hoạch chẳng ai mua, trong khi chủ đầu tư nhà máy làm cầm chừng, chưa khẳng định khi nào xong...

> Bài 1: 'Biến sắn thành xăng', người trồng điêu đứng

Xã nghèo, nghèo thêm vì sắn

Nhà máy Ethanol Phú Thọ, công suất 100.000 m3/năm với tổng vốn đầu tư gần 60 triệu USD, được khởi công từ tháng 6-2009, do Tổng Cty Dầu Việt Nam (thuộc Tập đoàn Dầu khí) làm chủ đầu tư. Dự kiến tháng 11-2011 hoàn thành, khi đó nhà máy sẽ tiêu thụ khoảng 600.000 tấn sắn tươi /năm.

Làm việc với Tiền Phong, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Phú Thọ cho biết, để chuẩn bị nguồn nguyên liệu, năm 2011, nhà máy Ethanol cho không giống để nông dân trồng 1.000 ha giống sắn KM94, tại các huyện Tân Sơn, Thanh Sơn, Yên Lập, Thanh Ba, Cẩm Khê…cung cấp nguyên liệu cho nhà máy.

Diện tích sắn KM94 của Phú Thọ năm ngoái khoảng hơn 2.000 ha, đến năm 2012 lên khoảng 3.000 ha. Hiện, diện tích sắn toàn tỉnh khoảng hơn 9.000 ha, cung cấp mỗi năm khoảng 400 nghìn tấn.

Khi đó, nhiều người dân nuôi “giấc mơ đổi đời” bằng củ sắn cao sản, nên đã phá bỏ cây chè, keo để trồng sắn. Nhưng nay, tất cả đang vỡ mộng, vì đến kỳ thu hoạch mà chưa biết bán sắn cho ai.

 Nếu giá sắn tiếp tục bấp bênh thế này, người dân đã nghèo, sẽ nghèo thêm”. 

Trong ngôi nhà nhỏ nằm ngay chân đồi, lưa thưa những mảnh sắn xen bên rừng keo ba, bốn năm tuổi, chị Đinh Thị Ngoan, khu Tân An, xã Thu Ngạc (huyện Tân Sơn) cho biết, năm 2010 khi có thông tin nhà máy ethanol được khởi công và giá sắn lên cao tới 1.500 - 1.700 đồng/kg, chị cùng nhiều người dân trong khu đã phá bỏ cây keo, cây chè, mở rộng diện tích trồng sắn với kỳ vọng sẽ thu được một khoản tiền đủ để thay đổi cuộc sống khó khăn.

“Mấy miệng ăn trong nhà dựa vào cây sắn. Năm 2011 trồng hơn 2 ha sắn, nhưng ngày thu hoạch nhà máy chưa xong nên không biết bán cho ai, giá sắn cao nhất chỉ 700 đồng/kg, rớt một nửa so năm 2010, đúng là vỡ mộng, lỗ nặng. Cây xóa đói giảm nghèo, chỉ tội nghèo thêm” - Chị Ngoan thở dài.

Ông Hà Văn Việt, Chủ tịch UBND xã Thu Ngạc cho biết, do năm 2011 sắn rớt giá, nên diện tích sắn toàn xã đã giảm từ gần 180 ha xuống còn 53 ha.

Ông Việt cũng chung vốn cùng mấy anh em trồng hơn 10 ha sắn cao sản KM94 để “đón đầu” nhưng nhà máy không đi vào hoạt động đúng hạn, nên ông Việt cũng bị lỗ nặng.

“Giá bán thấp quá gia đình đành để thối mấy tấn sắn trên đồi. Sắn rớt giá khiến nhiều người dân trong xã bị ảnh hưởng đáng kể”- Ông cho biết.

Ở Thu Ngạc, câu chuyện người nghèo đầu tư trồng sắn bị lỗ nặng ai cũng biết. Như trường hợp, hộ ông Hà Văn Cần trồng sắn ở khu Đèo Mương gần 7 ha, vì giá sắn quá thấp (500-600 đồng/kg), nên gia đình chỉ bán một ít, thu hoạch một ít cho bò, còn lại bỏ không thu hoạch.

“Giờ sắn mọc thành rừng nhưng cũng không muốn thu hoạch vì giá quá rẻ, không đủ trả công thuê người chăm sóc”- Ông cho biết.

Ông Bùi Đức Nhẫn, Chủ tịch UBND huyện Tân Sơn cho biết, trên thực tế từ năm 2009, thấy nhà máy đầu tư về giống sắn KM94, được tập huấn kỹ thuật, nên bà con trong huyện háo hức với sắn cao sản. Năm 2009, giá sắn được 900 đồng/kg.

Năm 2010, giá sắn được 1.200 đồng/kg nên sang năm 2011, với hy vọng nhà máy đi vào hoạt động giá sắn vẫn cao, bà con đầu tư trồng sắn rất nhiều nhưng thực tế sắn rớt giá chỉ còn 500-600 đồng/kg.

“Đây là một thiệt hại lớn, do đầu tư chưa chính xác, lại chậm chạp. Nhà máy chậm hoạt động, vốn bị ứ đọng, không đưa vào sản xuất được, còn chính quyền lại mất uy tín với nông dân”- ông Nhẫn nói.

Trong khi đó, trong chỉ đạo sản xuất sắn năm ngoái, Sở NN&PTNT Phú Thọ vẫn chỉ đạo: “Tập trung chỉ đạo mở rộng nhanh diện tích trồng giống sắn cao sản KM94, đồng thời tăng cường công tác khảo nghiệm, sản xuất thử một số giống sắn mới có năng suất, hàm lượng tinh bột cao để bổ sung vào cơ cấu giống. Phấn đấu năm 2013, cơ bản diện tích trồng sắn của tỉnh được trồng bằng các giống sắn cao sản”.

Nhà máy chưa biết khi nào hoạt động

Dân nghèo huyện Tân Sơn nghèo thêm vì sắn trồng nhưng nhà máy Ethanol chưa mua sắn
Dân nghèo huyện Tân Sơn nghèo thêm vì sắn trồng nhưng nhà máy Ethanol chưa mua sắn.

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Phú Thọ, khi khuyến khích dân trồng sắn cao sản KM 94, nhà máy hứa sẽ mua giá sàn tươi thấp nhất 630 đồng/kg, còn bình thường sẽ mua theo giá thị trường, tuy nhiên, đó mới chỉ là nói miệng, chưa có văn bản. Hiện nhà máy cũng chưa đặt vấn đề mua sắn nguyên liệu vụ này của nông dân.

Trở về khu vực nhà máy Ethanol, theo quan sát của PV, hiện một số hạng mục đang dang dở, thi công khá cầm chừng. Trên công trường chỉ lác đác vài công nhân.

Chúng tôi cố gắng liên hệ với lãnh đạo nhà máy để nắm rõ hơn tiến độ đưa vào hoạt động, nhưng chỉ nhận được câu trả lời “phải có văn bản, chỉ đạo của cấp trên”.

Ông Nguyễn Mạnh Hải, Chủ tịch UBND xã Cổ Tiết cho biết, dự án Ethanol đã lấy 24 ha đất của xã này, hơn 20 ha ở xã Tam Dương.

Ông Hải nói: “Tiến độ nhà máy thế nào thì chúng tôi cũng không nắm rõ nhưng cụ thể nhất thì là chiếc đồng hồ đếm ngược trưng trước cổng nhà máy, thể hiện quyết tâm chạy đua về thời gian để đưa nhà máy vào hoạt động đã dừng từ lâu”.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Đức Thiện, Giám đốc Sở KH&ĐT Phú Thọ cho biết, đến nay nhà máy chậm đưa vào vận hành hơn 1 năm so với kế hoạch.

“Tôi lên giám đốc sở chừng tháng nay, dự định sắp tới tôi sẽ đi thăm và làm việc với lãnh đạo nhà máy, xem tiến độ thế nào, cần tháo gỡ ra sao. Khả năng nhà máy đang phấn đấu tháng 6-2013 phải chạy hoàn toàn” .

Tuy nhiên, theo nguồn tin của Tiền Phong, ngoài khó khăn về vốn, thì chủ đầu tư cũng chần chừ, vì chưa biết khi hoạt động sẽ tiêu thụ nguồn nguyên liệu ra sao, do người dân hiện không mặn mà với xăng sinh học E5.

Nhà máy Ethanol Phú Thọ, tổng vốn đầu tư ban đầu là 58 triệu USD, do Tập đoàn Dầu khí (PVN) góp 39% cổ phần, các công ty bên ngoài góp 61%. Về sự chậm trễ của nhà máy này, trả lời Tiền Phong, ông Phùng Đình Thực, Chủ tịch PVN cho biết: “Do có một số phát sinh trong đầu tư nên các nhà đầu tư bên ngoài chưa thống nhất được cách thức giải quyết, có chấp nhận chi phí phát sinh, tiếp tục đầu tư triển khai dự án hay không. Trong tuần tới, các nhà đầu tư sẽ ngồi lại với nhau để xem xét giải quyết vấn đề”. Được biết, số vốn phát sinh lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.