Khoản nợ hơn 1.000 tỷ đồng ai trả?

Khoản nợ hơn 1.000 tỷ đồng ai trả?
TP - Liên quan đến việc Thanh tra Chính phủ vừa có kết luận về việc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho vay sai đối tượng 1.000 tỷ đồng và hiện Cty Cho thuê tài chính II (ALCII) trực thuộc Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam (Agribank) không có khả năng thanh toán, Tiền Phong có cuộc trao đổi với bà Đỗ Thị Xuân Phương - Phó Tổng giám đốc BHXHVN.

> Cho vay sai đối tượng 1.000 tỷ đồng

Việc cho vay diễn ra trước khi bà về BHXH Việt Nam làm việc. Tuy nhiên, bà Phương khẳng định là tại thời điểm cho Cty ALCII vay tiền, quy trình cho vay giữa hai bên theo đúng quy định của Luật BHXH.

Khoản vay được Agribank bảo lãnh

Như bà nói thì việc BHXH Việt Nam cho Cty ALCII vay 1.000 tỷ đồng là đúng luật?

Theo quy định, với khoản tiền kết dư của Quỹ BHXH, ngoài cho ngân sách Nhà nước vay, thì BHXH Việt Nam được phép cho các ngân hàng thương mại nhà nước vay. Khi có ý kiến của Thủ tướng, một số ngân hàng khác như Ngân hàng Chính sách xã hội cũng được vay.

Trước khi cho ALCII vay vốn, Tổng giám đốc của BHXH Việt Nam là anh Nguyễn Huy Ban (nay đã nghỉ hưu), đã ký với Agribank thỏa thuận số 01, trong đó có nội dung: “từ 1-1-2004, Tổng giám đốc Agribank bảo lãnh cho các chi nhánh cấp I, các Cty trực thuộc được trực tiếp vay vốn của BHXH Việt Nam theo ba nội dung số tiền vay, thời hạn vay và lãi suất tiền vay. Trên cơ sở văn bản thỏa thuận, các chi nhánh cấp I của Agribank được vay vốn của BHXH Việt Nam từ năm 2004”.

Ngoài ra, để đảm bảo an toàn cho các khoản vay, cùng với các cam kết trong bản thoả thuận, BHXH Việt Nam còn yêu cầu Agribank phải có Thư bảo lãnh cho từng chi nhánh và Cty trực thuộc xin vay vốn của BHXH Việt Nam.

Như vậy nay Agribank phải có trách nhiệm trả nợ?

Theo yêu cầu của BHXH Việt Nam, đầu năm 2008, Agribank bảo lãnh cho ALCII vay vốn của BHXH Việt Nam.

Cụ thể là thư bảo lãnh thanh toán số 800/NHNo-KHTH ngày 13-3-2008 với hạn mức bảo lãnh 500 tỷ đồng; thư bảo lãnh thanh toán số 1441/NHNo-KHTH ngày 22-4-2008 với hạn mức bảo lãnh 800 tỷ đồng.

Trong thư bảo lãnh đã nêu rõ “Agribank chịu trách nhiệm toàn bộ về việc vay, sử dụng và hoàn trả vốn, lãi đúng kỳ hạn của tất cả các hợp đồng do Agribank trực tiếp đi vay hoặc các chi nhánh cấp I, các Cty trực thuộc vay vốn của BHXN Việt Nam do Tổng giám đốc Agribank ký bảo lãnh”.

Căn cứ bản thỏa thuận số 01 và các thư bảo lãnh nói trên, từ 4-4-2008 đến 31-12-2008, ông Nguyễn Huy Ban đã ký 11 hợp đồng cho ALCII vay với tổng số tiền 630 tỷ đồng.

Trụ sở Cty cho thuê tài chính ALC II tại TPHCM. Ảnh: T.D
Trụ sở Cty cho thuê tài chính ALC II tại TPHCM. Ảnh: T.D.

Nhưng vì sao phía Agribank lại nói rằng họ đã rút thư bảo lãnh và hủy hai thư bảo lãnh 1.300 tỷ đồng đối với ALCII?

Ngày 22-10-2008, Tổng giám đốc Agribank phát hành thư bảo lãnh số 4407 với nội dung bảo lãnh cho ALCII vay 400 tỷ đồng. Trong thư này cũng có thêm nội dung hủy 2 thư bảo lãnh số 800 và số 1441.

Khi đó, nguyên Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Huy Ban không biết có thư bảo lãnh số 4407 (do bộ phận đầu tư quỹ không trình), vì vậy tiếp tục ký thêm 3 hợp đồng nữa với số tiền 150 tỷ đồng (tổng cộng nguyên Tổng giám đốc Nguyễn Huy Ban ký 11 hợp đồng với số tiền 630 tỷ đồng - PV).

Sau đó, đến thời kỳ anh Lê Bạch Hồng làm Tổng giám đốc, vì không biết có thư bảo lãnh thứ 3 (do bị thất lạc) nên tiếp tục cho vay thêm 380 tỷ đồng. Như vậy, tổng tiền BHXH Việt Nam cho ALCII vay là 1.010 tỷ đồng.

Cần nói thêm là, trước thời điểm Agribank có thư bảo lãnh số 4407, thì BHXH Việt Nam đã cho ALCII vay 480 tỷ đồng.

Việc Agribank phát hành thư bảo lãnh thứ 3 là 400 tỷ đồng thấp hơn số tiền ALCII đã vay là 480 tỷ đồng và huỷ 2 thư bảo lãnh 1.300 tỷ đồng mà không trao đổi, thoả thuận với BHXH Việt Nam trước khi phát hành thư bảo lãnh là không đúng với quy định của pháp luật.

Vì vậy, Agribank phải có trách nhiệm trả nợ thay cho ALCII.

Agribank cam kết trả nợ thay cho ALCII

Đây là khoản tiền của người lao động đóng góp vào Quỹ BHXH để sau này hưởng lương hưu, tuy nhiên, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, hiện ALCII không có khả năng thanh toán, vậy số tiền 1.010 tỷ đồng này sẽ được xử lý thế nào?

Sau khi vụ việc tiêu cực tại ALCII được phanh phui, cơ quan điều tra vào cuộc và đã làm việc với các bên liên quan.

Mới đây, ngày 14-9-2012, Agribank đã có văn bản số 6301/NHNo-KHTH, cam đoan sẽ có trách nhiệm trả nợ các khoản vay của ALCII.

Đến thời điểm này, Agribank đã trả được 200 tỷ đồng, nhưng vì họ đang trong quá trình tái cấu trúc nên chưa thu xếp được vốn để trả nợ tiếp. Số tiền họ đang nợ còn lại, không thể mất được mà chỉ chậm trả thôi.

Hiện, có hai khoản ALCII đang nợ là gốc (787,5 tỷ đồng) và lãi (264,5 tỷ đồng). Vì thế, Agribank sẽ phải thu xếp để trả nợ cho BHXH Việt Nam.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh và Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cũng đã yêu cầu Agribank phải thu xếp, ưu tiên vốn để trả cho quỹ của BHXH Việt Nam.

Qua vụ việc, BHXH Việt Nam rút ra được bài học gì, thưa bà?

Sau vụ việc, BHXH Việt Nam đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm. Đặc biệt, thường xuyên chú trọng xây dựng và trình Hội đồng Quản lý các phương án đầu tư quỹ theo hướng tập trung cho ngân sách Nhà nước vay và giảm tỷ trọng cho các ngân hàng thương mại vay.

Cơ cấu lại đầu tư dài hạn, trung hạn và ngắn hạn một cách hợp lý để đạt hiệu quả cao hơn. Ngoài ra, trình Hội đồng Quản lý thành lập và tăng cường củng cố bộ phận chuyên trách quản lý đầu tư quỹ BHXH, BHYT.

Hiện, công tác quản lý đầu tư quỹ đã có đủ văn bản hướng dẫn nên việc thực hiện bảo đảm sự chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật.

Xin cảm ơn bà!

Phong Cầm
Thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG