Hơn 10.000 tin rác phát tán mỗi giờ

Hơn 10.000 tin rác phát tán mỗi giờ
Mỗi năm có hàng trăm tỷ tin nhắn được gửi đến thuê bao, 10% số này có nội dung quảng cáo và đa phần đều gửi không đúng quy định.

Hơn 10.000 tin rác phát tán mỗi giờ

> Truy tố hình sự nếu phát tán tin nhắn rác
> Nhà mạng bất lực với tin nhắn rác
> Thu ba tỷ đồng/ngày từ tin nhắn rác

Mỗi năm có hàng trăm tỷ tin nhắn được gửi đến thuê bao, 10% số này có nội dung quảng cáo và đa phần đều gửi không đúng quy định.

Để quản lý tin nhắn rác cần siết chặt đăng ký thuê bao trả trước hơn. Ảnh: Anh Quân
Để quản lý tin nhắn rác cần siết chặt đăng ký thuê bao trả trước hơn. Ảnh: Anh Quân.

Báo cáo mới nhất về thực trạng tin nhắn rác được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố tại Hội nghị triển khai các biện pháp ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo và Nghị định 77 của Chính phủ về chống thư rác diễn ra mới đây. Đây cũng là lần đầu tiên Bộ công bố số liệu điều tra, thống kê khi lượng tin nhắn rác ngày càng gia tăng, làm phiền người dùng di động.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chánh Thanh tra Bộ cho biết, đơn vị đã tiến hành thanh tra và phát hiện chỉ riêng tin rác và lừa đảo từ các thuê bao di động trả trước, mỗi giờ có tới 10.000 tin được phát tán. Để có được "thành tích" này, các CSP (doanh nghiệp làm nội dung và có đầu số), CP (doanh nghiệp làm nội dung và không có đầu số) đã sử dụng modem GSM/CDMA hoặc USB 3G có lắp sim điện thoại, kết nối với máy tính để gửi tin rác.

Báo cáo chưa đầy đủ của các doanh nghiệp viễn thông cho thấy, hàng năm có hàng chục tỷ tin nhắn quảng cáo, chiếm 10% lượng tin nhắn đến các thuê bao di động. Trong số này chỉ gần 3% là tin nhắn hợp pháp được gửi từ các doanh nghiệp cung cấp nội dung. Con số này còn lớn hơn vào các dịp lễ tết, đợt khuyến mại của doanh nghiệp...

Trước đó, Bkav đã công bố khảo sát của mình trên 50.000 người dùng di động, với mỗi ngày có khoảng 16.290 tin nhắn rác được gửi tới các thuê bao. Tính dựa trên 30 triệu thuê bao di động thực mà Bộ Thông tin và Truyền thông công bố, Bkav cho rằng con số cuối cùng là 9,8 triệu tin rác mỗi ngày, mang về doanh thu 3 tỷ đồng cho nhà mạng. Số liệu này được đưa ra chủ yếu dựa vào khảo sát những người sử dụng ứng dụng của công ty.

Về nguyên nhân phát tán tin nhắn rác, báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông dành gần 2 trang để nêu cụ thể những tồn tại từ phía doanh nghiệp, tập trung vào vấn đề lợi nhuận và sức ép doanh thu lên các CSP. Theo đó, CSP phải bỏ chi phí lớn để đầu tư dịch vụ, nhưng phần nhuận lớn lại thuộc về doanh nghiệp di động nên phải tìm mọi cách tiết kiệm chi phí để duy trì hoạt động. Bên cạnh đó, những đơn vị này còn phải chịu áp lực tổng doanh thu tối thiểu 30 triệu đồng một tháng để duy trì hợp đồng.

Trong khi đó, phần nguyên nhân từ cơ quan quản lý được nêu rất ngắn gọn, gồm "hệ thống văn bản quản lý hướng dẫn còn thiếu, chồng chéo hoặc chưa cụ thể" và "công tác quản lý, phân bổ tài nguyên... còn buông lỏng, nhiều bất cập".

Hàng năm có vài chục tỷ tin nhắn rác được gửi tới các thuê bao di động. Ảnh: Anh Quân
Hàng năm có vài chục tỷ tin nhắn rác được gửi tới các thuê bao di động. Ảnh: Anh Quân.

Hội nghị diễn ra chiều 13-11 có sự tham gia của hai doanh nghiệp viễn thông Viettel và VNPT, tuy nhiên cả hai đều không đề cập gì đến lượng tin nhắn rác hay con số về doanh thu. Điểm chung của hai đơn vị này là tuyên bố sẵn sàng "hy sinh" doanh thu từ tin nhắn rác để bảo về người tiêu dùng, bởi "thuê bao bị ảnh hưởng thì doanh nghiệp viễn thông chịu thiệt thòi nhất", theo quan điểm của ông Nguyễn Việt Dũng, Phó giám đốc Viettel.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện cả nước có 5 doanh nghiệp viễn thông được cấp phép cho thuê đầu số, ký hợp đồng với 347 CSP. Mỗi CSP lại trực tiếp hoặc ký kết với vài chục CP khác để cung cấp dịch vụ. Tổng đầu số mà những doanh nghiệp này sở hữu lên tới hơn 2.000, bao gồm các đầu 1900, đầu 4 số như 6xxx, 7xxx, 8xxx,...

Doanh thu từ dịch vụ nhắn tin giải trí năm 2011 của Viettel lên tới 4.376 tỷ đồng, Mobifone 1.475 tỷ đồng và Vinaphone là 1.222 tỷ đồng. Doanh nghiệp nhỏ và đang khó khăn như SPT (S-Fone) trong 9 tháng đầu năm 2012 cũng thu về 2,2 tỷ đồng nhờ dịch vụ này.

Ông Vũ Quốc Khánh, Giám đốc Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) nói: "Trên 60% các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ qua đầu 4 số và khoảng 140 đầu số 1900 có liên quan tới tin nhắn rác". VNCERT đang là đơn vị chủ quản của tổng đài 456, chuyên tiếp nhận và xử lý phản ánh về tin nhắn rác của người sử dụng.

Bên cạnh các văn bản quản lý, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết đã phối hợp với VNCERT và Cục Phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50) tiến hành thanh tra 47 doanh nghiệp CSP, phát hiện sai phạm ở tất cả các đơn vị này, tập trung vào nhóm hành vi phát tán tin nhắn rác, tin nội dung lừa đảo, cờ bạc lô đề, mê tín dị đoan... Đoàn thanh tra đã xử phạt hơn 1,6 tỷ đồng và đình chỉ hoạt động 3 công ty.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn chia sẻ, để ngăn chặn tin nhắn rác, lừa đảo, và phát triển dịch vụ nội dung, thời gian tới Bộ sẽ tăng cường hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật và thực hiện nghiêm túc, sâu rộng các quy định đã ban hành. "Bộ sẽ xây dựng cơ chế quản lý, cấp và thu hồi đầu số không để các doanh nghiệp viễn thông cấp đầu số cho các CSP như hiện nay và có cơ chế đảm bảo việc kết nối thuận tiện giữa doanh nghiệp nội dung và nhà mạng để tạo điều kiện cho những đơn vị này phát triển", ông Doãn khẳng định.

Theo Anh Quân
VnExpress

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG