Gà nhập Hàn Quốc là 'gà loại thải' chứ không chỉ là 'gà dai'

Gà nhập Hàn Quốc là 'gà loại thải' chứ không chỉ là 'gà dai'
TP - Hôm qua, lãnh đạo Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT, tái khẳng định gà đông lạnh nhập từ Hàn Quốc là gà thải loại, chứ không chỉ là “gà dai” như phía doanh nghiệp nhập khẩu và phía Hàn Quốc công bố tại cuộc họp báo trước đó tại TPHCM.

> Người chăn nuôi lao đao vì thịt nhập
> Bác thông tin gà dai từ Hàn Quốc là đồ bỏ đi

Sau khi bị siêu thị trong nước tẩy chay, ngày 22-11, cơ quan xúc tiến thương mại nông lâm thủy sản Hàn Quốc và một số doanh nghiệp (DN) Việt Nam chuyên nhập gà Hàn Quốc về phân phối trong nước đã họp báo để “đính chính”, rằng gà nhập từ Hàn Quốc lâu nay là “gà dai” chứ không phải “gà thải loại” rằng gà đã nuôi từ 1-1,5 năm, vẫn bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, không có hại cho sức khỏe.

Tuy nhiên, trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Đức Trọng, Phó Cục trưởng Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) khẳng định, gà đã nuôi hơn 1 năm, thì chỉ có gà loại thải.

Theo ông Trọng, gà nuôi đạt đến độ dai, chỉ khoảng 4 tháng. “Còn nuôi hơn 4 tháng mà bán thịt, hiệu quả không cao, và bán sẽ không có giá thấp 16.000-17.000 đồng/kg. Nên loại gà Hàn Quốc nhập về là gà loại thải” - ông Trọng nói.

Bà Đỗ Thị Hồng Nhi, Giám đốc Cty TNHH TMDV xuất nhập khẩu Dũng Thành Đạt (TPHCM) cho biết, trước đây, trung bình mỗi tháng, Cty này nhập khoảng 800 tấn thịt gà các loại từ Hàn Quốc, Mỹ, Úc... về Việt Nam phân phối, tiêu thụ.

Tuy nhiên, sau khi có thông tin về gà loại thải có chất tồn dư, lượng hàng nhập về mỗi tháng chỉ còn khoảng 400 tấn. Hiện, thịt gà do Cty bà Nhi nhập về vẫn bán ở các siêu thị Metro, Lottemart, Maximark.

Bà Nhi cho biết, các lô hàng bà nhập về đều có đầy đủ giấy tờ về kiểm dịch và ATTP của nước sở tại cũng như cơ quan chức năng Việt Nam cấp.

Trao đổi với Tiền Phong, đại diện siêu thị Big C cũng cho biết, sau khi có những thông tin về tồn dư trong gà loại thải, hệ thống siêu thị này đang ngưng bán loại gà dai nhập từ Hàn Quốc từ đầu tháng 10 đến nay.

Dựng hàng rào ngăn gà thải

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị lấy mẫu kiểm tra chỉ tiêu kháng sinh trên gà của Hàn Quốc. Kết quả phân tích cho thấy, các chất tồn dư đều dưới ngưỡng cho phép. Tuy nhiên, về chỉ tiêu dinh dưỡng vẫn chưa có thông tin cụ thể.

“Tôi lo ngại, ngoài Hàn Quốc, thì sắp tới, có thể nhiều loại gà loại thải ở nước khác (dù họ chỉ làm thức ăn gia súc) có thể nhập vào Việt Nam. Chưa kể, một lượng gà thải loại do các trang trại Việt Nam nuôi” - ông Tần nói.

Cục Chăn nuôi cho biết, mới đây có nhận được ý kiến của Hiệp hội gia cầm miền Đông, đề nghị kiện bán phá giá do việc nhập đùi gà, cánh gà giá rẻ nhập từ nước ngoài về.

Hiệp hội này cũng đề nghị Chính phủ, yêu cầu phải nhập gà nguyên con, chứ không được nhập đùi và cánh gà.

“Tuy nhiên, cái này chúng tôi cũng đã nghiên cứu kỹ, không có lý gì để mình đưa ra để cấm được cả. Về phía cơ quan quản lý, cũng phải cân nhắc cái gì cấm được, cái gì không cấm được. Ngay cả chuyện nhập khẩu thịt, chúng ta có cấm đâu. Doanh nghiệp khi thấy lợi nhuận thì họ nhập những mặt hàng nằm trong danh mục” - Phó Cục trưởng Chăn nuôi Nguyễn Thanh Sơn nói.

Để bảo vệ chăn nuôi trong nước, Thứ trưởng Tần yêu cầu Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường kiểm tra, rà soát các quy định cụ thể, sau đó xây dựng quy chuẩn để kiểm soát việc nhập vào: “Chúng ta phải chuẩn bị trước, chứ đến khi họ ồ ạt nhập vào thì chúng ta không có gì khống chế. Lúc đó, ngành chăn nuôi lại tiếp tục khốn đốn”.

Thêm gà lậu đông lạnh Trung Quốc vào Việt Nam

Chiều 27-11, ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, thời gian gần đây, lượng gà loại thải lậu từ Trung Quốc có giảm, nhưng vẫn còn một lượng nhỏ tuồn vào nước ta. Theo ông Đông, đối tượng buôn lậu, thấy cơ quan chức năng làm căng, nên không nhập gà sống, mà chuyển sang giết thịt, bỏ vào hộp xốp lạnh, tuồn qua biên giới để tiêu thụ trong nội địa.

Theo Cục Chăn nuôi, gà lậu về chợ đầu mối Hà Vỹ (Thường Tín, Hà Nội) vẫn còn, mỗi ngày khoảng vài tấn. Trước đây, gà thường về chợ khoảng 4 giờ sáng, nay đổi sang đi vào khoảng 9-10 giờ đêm. Gà cũng ít đi qua bến đò An Cảnh (từ Khoái Châu, Hưng Yên) về chợ Hà Vỹ, mà dùng bến khác cách đó một đoạn; còn gà giống lậu thì không về thẳng Phú Xuyên (Hà Nội) mà về ở Hà Nam.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG