Tư vấn cách mua hàng hiệu thật tại Việt Nam

Tư vấn cách mua hàng hiệu thật tại Việt Nam
Bà Châu Bội Huệ, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Duy Anh, nhà phân phối của nhiều hàng hiệu tại Việt Nam, tư vấn cho khách hàng cách mua hàng hiệu thật, tránh mua phải hàng nhái, hàng giả.

> Truy nguồn gốc hàng hiệu 'giá bèo'
> Giám đốc và phó giám đốc trốn thuế hơn năm tỉ đồng

Mua hàng hiệu, yêu cầu xuất hóa đơn VAT

Từ sau vụ gian lận hàng hiệu tại TP.HCM vừa được cơ quan chức năng phát hiện, những nghi vấn về thật, giả trong thị trường hàng hiệu xa xỉ tại VN dấy lên khiến không ít người tiêu dùng hoang mang.

Bà Châu Bội Huệ - giám đốc điều hành Công ty TNHH Duy Anh, nhà phân phối của nhiều thương hiệu như Bvlgari, Cartier, Rolex, Ferragamo, Versace... - cho biết có nhiều con đường đưa hàng hiệu vào VN. Bà Huệ nói:

- Do thị trường hàng hiệu VN còn tương đối nhỏ nên rất ít thương hiệu nổi tiếng trên thế giới trực tiếp vào VN mà thường thông qua một công ty phân phối, hiện cũng chỉ có 5-6 nhà phân phối đang tham gia.

Những sản phẩm chính hãng thường được nhập trực tiếp từ nước sản xuất của thương hiệu đó, chủ yếu từ Pháp, Ý, Anh... Hàng hiệu cũng có thể vào VN bằng con đường xách tay, và thường được bày bán chung với nhiều nhãn hiệu khác trong những cửa hàng thời trang.

Gần đây, tôi được biết hàng hiệu về VN theo con đường đi qua một nước thứ ba, có thể nhằm mục đích thay đổi nguồn gốc xuất xứ, kê khai thấp giá trị để lách thuế.

Thị trường hàng hiệu VN cũng bị chi phối khá nhiều bởi hàng nhái cao cấp, có những mặt hàng giống hàng thật đến 90%, đến mức người bỏ tiền ra mua không hề biết đó là hàng giả. Giá mặt hàng này thường thấp hơn hàng thật vài lần nhưng đáp ứng được nhu cầu những người thích hàng hiệu mà không có nhiều tiền.

Thực tế ở VN, tại những cửa hàng sang trọng ngay trung tâm thành phố, người tiêu dùng vẫn mua phải những sản phẩm hàng hiệu nhái dù bỏ ra những khoản tiền không nhỏ?

- Đến nay, trong vụ gian lận hàng hiệu ở TP.HCM gần đây, cơ quan chức năng vẫn chưa xác định đó là hàng hiệu giả hay hàng hiệu trốn thuế, nhưng thông thường khi đưa một thương hiệu nổi tiếng vào VN có sự chỉ định của hãng, nhà phân phối phải tuân thủ rất nhiều quy định từ khâu nhập hàng, bán hàng đến trưng bày... và chịu sự kiểm soát chặt chẽ từ hãng. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp nhân viên trà trộn hàng nhái vào, tuồn hàng thật ra ngoài bán.

Để tránh tình trạng thật giả lẫn lộn, ngoài các biện pháp quản lý như lắp đặt camera, dán tem nhà phân phối... thì các cửa hàng kinh doanh hàng hiệu chính thức đều xuất hóa đơn giá trị gia tăng cho khách mua hàng. Không nhân viên nào dám xuất hóa đơn giá trị gia tăng cho một sản phẩm hàng nhái.

Trong một thị trường còn quá nhiều nhập nhằng và ít thông tin hiện nay, làm thế nào người tiêu dùng nhận biết một món hàng hiệu thật sự?

- Trước tiên, khi muốn mua hàng của thương hiệu nào thì nên vào website của thương hiệu đó để biết thông tin nhà phân phối, địa chỉ địa bàn mình muốn mua. Đó là một cách xác nhận những cửa hàng ủy quyền bán tại các nước. Sau đó khách hàng cần kết hợp nhiều yếu tố để nhận biết hàng thật, hàng giả.

Một món hàng hiệu bao giờ cũng có những thông tin kèm theo như xuất xứ, thông tin bảo quản hàng hóa, chất liệu, cách hướng dẫn sử dụng, tem của hãng, tem của nhà phân phối, tem chứng nhận chống hàng giả.

Với nhiều sản phẩm túi xách, nhà sản xuất còn gắn thêm mã số (code) để truy xuất nguồn gốc, ngay các sản phẩm đến phụ kiện nhỏ như mắt kính, khăn choàng... đều có nhãn phụ đầy đủ về thông tin sản phẩm.

Ngoài ra, người mua hàng có thể đến các điểm hoàn thuế mà cục thuế cho phép như một cách nguồn hàng đã được kiểm định. Khi mua hàng hiệu nên yêu cầu xuất hóa đơn giá trị gia tăng, trong trường hợp hàng hóa bị lỗi người tiêu dùng cũng được đảm bảo quyền lợi.

Truy thu thuế

Ngày 8-12, trao đổi với báo chí, ông Bùi Văn Nam - tổng cục trưởng Tổng cục Thuế - cho biết đang chỉ đạo Cục Thuế Hà Nội và Cục Thuế TP.HCM kiểm tra các đơn vị kinh doanh hàng có thương hiệu.

Báo cáo ban đầu cho thấy hàng hóa bán tại các cửa hàng chủ yếu là hàng nhái thương hiệu. Theo quy định, đơn vị kinh doanh sẽ phải nộp thuế. Nếu hàng hóa không có nguồn gốc đầu vào, bán hàng hiệu mà không có hóa đơn chứng từ, mã số thuế, đơn vị kinh doanh thì sẽ bị xử lý.

Cơ quan thuế sẽ làm việc với ngân hàng để kiểm tra tài khoản nếu thanh toán qua ngân hàng. Chắc chắn sẽ truy thu được tiền thuế đã gian lận khi khách hàng thanh toán qua thẻ.

Ông Bùi Thái Quang, phó ban quản lý rủi ro Tổng cục Hải quan, cho rằng ở VN có hàng trăm, hàng ngàn cửa hiệu bán hàng hóa có giá trị cao cấp kể cả may mặc, thiết bị điện...

Tuy nhiên, khi nhập vào VN thì cơ quan hải quan chưa có đủ lực lượng, năng lực để giám sát, kiểm tra lô hàng nhập vào đúng nguồn gốc xuất xứ, đúng giá trị. Hải quan nhiều khi chỉ giám định chất lượng hàng hóa nhập có đảm bảo chất lượng, có gây độc cho người tiêu dùng hay không.

Qua thông tin ban đầu, rõ ràng hàng hóa của cửa hàng Milano khai báo là hàng nhập từ Trung Quốc chứ không phải từ Ý để giảm giá bán nhằm trốn thuế.

* Chiều 8-12, ông Lê Đình Lợi, phó cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM, cho biết đã tạm đình chỉ công tác ba cán bộ hải quan thuộc Chi cục hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 4, đồng thời phối hợp với công an điều tra làm rõ vụ nhập khẩu hàng của Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Nam Đế (viết tắt Công ty Nam Đế, đường Lê Văn Sĩ, P.13, Q.3, TP.HCM).

Ba cán bộ bị tạm đình chỉ gồm: Võ Văn Khánh (nhân viên đăng ký), Nguyễn Văn Sáng, Nguyễn Bửu Quý (nhân viên kiểm hóa). Hiện Cục Hải quan TP đang yêu cầu ba cán bộ trên giải trình, kiểm điểm trách nhiệm trong việc cho thông quan container thời trang có xuất xứ Trung Quốc do Công ty Nam Đế (nhập khẩu về nhưng bị công an bắt giữ vì lô hàng ghi xuất xứ của Ý). Theo quy định, lô hàng này thuộc “luồng đỏ” (phải kiểm tra).

Chiều cùng ngày, nguồn tin từ Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an TP.HCM cho biết PC46 đã gửi giấy mời Công ty Nam Đế đến giải quyết, nhưng phía công ty chưa cử người đến. Đồng thời trinh sát của PC46 đã truy xét một số địa chỉ các thành viên của Công ty Nam Đế, nhưng đều là địa chỉ “ảo”.

Trước đó ngày 27-11, PC46 bắt giữ lô hàng gồm quần áo, giày, dây lưng, túi xách mang những thương hiệu nổi tiếng thế giới khi lô hàng được chuyển từ xe tải xuống tầng hầm khách sạn Sheraton, Q.1. PC46 xác định lô hàng này có xuất xứ Trung Quốc, nhập về VN với giá trị mỗi sản phẩm được khai chỉ vài USD.

Tập trung kiểm tra hàng hiệu giả, hàng nhái

Ngày 8-12, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phan Hoàn Kiếm, chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM, cho biết đã chỉ đạo các đội QLTT tập trung kiểm tra các mặt hàng có dấu hiệu giả, nhái các thương hiệu nổi tiếng của Ý, Pháp, Mỹ... tại các trung tâm thương mại, shop thời trang lớn.

Theo cơ quan QLTT, hàng giả hàng hiệu chủ yếu được sản xuất tại nước ngoài (hầu hết từ Trung Quốc) trước khi đem vào VN tiêu thụ. Những loại hàng giả này có mẫu mã giống hệt hàng thật nhưng được chia thành nhiều phân khúc chất lượng khác nhau.

Theo L.Thanh - A.Thoa - M.Thương - Đ.Thanh
Tuoitre

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG