Nợ xấu xuống 3% có thể khả thi

Nợ xấu xuống 3% có thể khả thi
TP - Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Bảo - Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank về nhiều vấn đề 'nóng' liên quan đến nợ xấu, giải cứu thị trường BĐS

> Agribank góp phần phát triển kinh tế TP Hồ Chí Minh
> Cứu bất động sản: BIDV và Agribank lên tiếng 'xuống tiền'

Agribank: Nợ xấu giảm chứ không tăng

Xin ông cho biết tình hình hoạt động hiện tại của Agribank và kết quả kinh doanh kết thúc năm 2012?

Năm nay, tính chung tăng trưởng tín dụng của Agibank đạt khoảng 8%, nhưng riêng tăng trưởng tín dụng nông nghiệp nông thôn (NNNT) đạt khoảng 11,5% (Agribank luôn dành 70% tổng dư nợ đầu tư cho lĩnh vực này). Huy động vốn tăng 16%, riêng mảng dân cư tăng khoảng 23%, thanh khoản tốt; dân cư ở nông thôn tốt hơn ở thành phố.

Đầu năm 2012, nợ xấu ngân hàng vào khoảng 6,1% và đã có những thời điểm lên đến 7,9%, nhưng hiện nay bằng các biện pháp thu hồi nợ (như dùng quỹ tài chính từ những năm trước xử lý, đồng thời vẫn thu nợ những khoản nợ xấu đó, xử lý không phải là cho, không khoanh không giãn chỉ làm cho bảng cân đối trong sạch., xử lý rủi ro) chúng tôi đã giảm được xuống còn khoảng 4%.

Tại TPHCM và Hà Nội nợ xấu có tăng nhưng sau khi dùng quỹ này lại giảm xuống, còn các địa phương khác chỉ xoay quanh ngưỡng từ 1-2%.

Ông có thể cho biết cụ thể hơn về hướng xử lý nợ xấu mà Agribank đang thực hiện?

Tổng quỹ của Agribank hiện vào khoảng trên 20.000 tỷ đồng, số này đưa vào xử lý rủi ro thì nợ xấu xuống còn khoảng 4% đến cuối năm nay. Đến năm 2013 con số này sẽ thấp hơn vì nguồn này vẫn tiếp tục còn thêm 2 khoản nữa là dự phòng chung và dự phòng cụ thể thì sẽ càng xuống thấp.

Tôi nghĩ nợ xấu như kế hoạch của Thống đốc cam kết với Quốc hội đến 2015 xuống 3% có thể khả thi. Khi Agribank xử lý xong nợ xấu thì những tài sản kia sẽ chuyển ra bên ngoài bán.

Năm 2012 Agribank đạt tăng trưởng tín dụng 8%. Ảnh: Hồng Vĩnh
Năm 2012 Agribank đạt tăng trưởng tín dụng 8%. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Năm nay nhiều ngân hàng tuyên bố do khó khăn sẽ “cắt lương, giảm thưởng”. Với Agriabank sẽ thế nào thưa ông?

Thu nhập của người lao động có bị tác động nhưng không đến mức quá. Thưởng Tết năm nay dự kiến giảm khoảng 10%.

Dự báo năm 2013, nếu tình hình kinh tế tốt lên thì thu nhập của nhân viên Agribank vẫn giữ như năm 2012.

Giải cứu thị trường bất động sản, Ngân hàng Nhà nước tuyên bố sẽ vào cuộc và ứng cứu. Với vai trò là một NHTM Nhà nước đầu tầu, Agribank sẽ tham gia như thế nào?

Giải cứu thị trường bất động sản, chúng tôi sẽ có phương án triển khai nhưng phải gắn với xử lý nợ xấu của Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ.

Hiện Agirbank cho vay trên địa bàn Hà Nội mới khoảng 2.000 tỷ đồng; TPHCM khoảng 16.000 tỷ đồng, có một số dự án đã xong và chưa xong.

Thời gian tới, chúng tôi sẽ “bơm” thêm tiền vào những dự án dở dang cần thiết và nên cứu. Chúng tôi sẽ tập trung vào hai đối tượng.

Thứ nhất là các dự án mà Agribank đã cho vay từ trước mà chủ đầu tư cùng với ngân hàng thẩm định là sẽ có đầu ra thì sẽ ưu tiên bơm thêm tiền vào, cùng với chủ đầu tư cơ cấu lại khoản nợ này, thậm chí chủ đầu tư phải cơ cấu lại sản phẩm ví như nhà ở, biệt thự cao cấp có thể chia nhỏ hay biến một phần thành nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, cần nhấn mạnh mục tiêu trọng tâm của Agribank trong những năm tới vẫn là phát triển tín dụng nông nghiệp và địa bàn nông thôn chứ không phải lĩnh vực khác.

Giảm lãi huy động "kéo" giảm lãi cho vay

Nhân nói vậy, ông có ý kiến gì về động thái hạ 1% lãi suất cơ bản Ngân hàng Nhà nước cuối tuần qua. Theo ông, điều này sẽ thực sự tác động thế nào đến thị trường?

Lãi suất huy động giảm kéo theo lãi suất cho vay giảm. Quyết định này phù hợp với tình hình lạm phát năm 2012 và kỳ vọng lạm phát 7 % năm tới, cũng phù hợp với cung cầu vốn thị trường và chủ trương hỗ trợ sản xuất kinh doanh ngay từ đầu năm của Chính phủ.

Tuy nhiên, để làm tốt chủ trương này cũng cần có sự hỗ trợ tích cực của Ngân hàng Nhà nước cho thị trường vào dịp đầu năm dương lịch và tết Nguyên đán. Điều này, sẽ tránh được những biến động lãi suất.

Liên quan đến con số dư nợ cho vay ngành cá tra ba sa lên tới hơn 28 ngàn tỷ đồng thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng mức dư nợ này lớn và khó tin. Cũng có ý kiến đặt vấn đề có thể DN lợi dụng cơ chế ưu đãi để đầu tư sang lĩnh vực khác. Quan điểm của ông về vấn đề này? Agribank có cơ chế giám sát như thế nào để đồng vốn bỏ ra đúng mục đích?

Quan điểm của tôi các lĩnh vực cho vay như vậy hoàn toàn xử lý theo cơ chế thị trường, không nên đặt ra một ưu đãi gì đó phi thị trường vì sẽ nảy sinh nhiều vấn đề, ví dụ như cho vay cá tra, cá ba sa, nhiều ngân hàng không đủ khả năng vì lãi suất xuống rất nhanh nên nhiều ngân hàng từ chối hoặc hạn chế đi.

Thứ hai, khi được vay lãi suất thấp, không tránh khỏi có nhiều chủ DN sẽ chuyển vốn đó sang kinh doanh lĩnh vực khác, thậm chí người ta lấy luôn vốn đó sang cho vay ở ngân hàng khác.

Theo tôi, trong tất cả các trường hợp như vậy đều phải xử lý vì lãi suất phụ thuộc vào lạm phát, lạm phát lại phụ thuộc vào đồng tiền trong lưu thông nên tất cả hãy giải quyết theo điều kiện của thị trường.

Tất nhiên ở một số trường hợp nếu kiểm soát được thì mới làm được, còn khi không kiểm soát được thì thị trường sẽ bị méo mó.

Cảm ơn ông!

Ông Nguyễn Ngọc Bảo: "Về nguyên tắc các khoản nợ xấu thì phải xử lý bằng chính năng lực của các NHTM. Công ty mua bán nợ sẽ không sử dụng ngân sách nhà nước, các NHTM sẽ chứng khoán hóa tài sản bảo đảm của khoản nợ nợ xấu này, NHNN sẽ mua lại có kỳ hạn để đưa vốn cho các NHTM tạo nên thanh khoản cho thị trường. Còn trách nhiệm xử lý các khoản nợ đó, bán tài sản trả nợ NH thì các NHTM vẫn phải làm".

Khánh Huyền
Thực hiện

Theo Viết
MỚI - NÓNG