“Nợ xấu trên 3% sẽ tuýt còi, giảm quyền...”

“Nợ xấu trên 3% sẽ tuýt còi, giảm quyền...”
TP - “Agribank đang tích cực phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro, đẩy mạnh cho vay địa bàn nông nghiệp nông thôn và xây dựng một hệ thống giám sát chặt chẽ các hoạt động tín dụng ngân hàng” - Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) khẳng định.

> Bộ Xây dựng bác tin '80% DN xây dựng, BĐS có lãi'
> Công ty chứng khoán: Lỗ khủng, nợ xấu

Thanh khoản: “trữ” sẵn 70 nghìn tỷ

Agribank là ngân hàng lớn nhất Việt Nam cả về tổng tài sản, mạng lưới và nhân sự. Nhưng các chỉ số tài chính chưa thực sự vững chắc, trên cương vị Chủ tịch Hội đồng thành viên ngân hàng, ông có thể nói gì?

Tình hình tài chính của Agribank hai năm gần đây đang tốt lên. Hệ số an toàn vốn trước 2011 dưới 7%, hai năm gần đây đều lên trên 9%.

Tỷ lệ an toàn chi trả, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn… đều đáp ứng quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Tỷ lệ sử dụng vốn trung dài hạn trước đây trên 30% nay còn dưới 24%. Nợ xấu trước đây trên 6%, có thời điểm hơn 8%, nay còn 5,6%. Năm 2012 trích lập dự phòng khá lớn.

Chúng tôi tính toán, nếu sử dụng toàn bộ dự phòng rủi ro, cân đối với cái số đã trích dự phòng rủi ro để trả nợ xấu sẽ còn thấp hơn và dự kiến đến năm 2014 nợ xấu sẽ dưới 3%, có khả năng vượt mục tiêu mà Thống đốc NHNN đã đề ra cho toàn ngành là dưới 3% vào năm 2015.

Những ngày áp Tết này, các ngân hàng thường căng về thanh khoản, còn hiện tại với Agribank thì sao, thưa ông?

Những ngày qua tình hình vẫn tốt, tiết kiệm tăng, tín dụng vẫn tăng, dự trữ thanh khoản như tôi vừa nói luôn sẵn 70.000 tỷ đồng, đảm bảo khả năng thanh toán ở mức cao trong dịp Tết.

Theo quy luật vào thời điểm này dư nợ cho vay bao giờ cũng chậm. Thấp hơn so với các tháng trong năm nhưng chủ yếu do tính quy luật vào dịp sát tết. Tuy nhiên, số huy động vốn tăng bình quân tăng 100 tỷ đồng mỗi ngày.

Trước đây tiền gửi dân cư chiếm dưới 50%, nay tiền gửi dân cư và doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Agribank chiếm tới 70%.

Nhờ vậy thanh khoản từ nửa cuối 2011 và năm 2012 khá tốt, vừa đảm bảo tăng trưởng tín dụng cho thị trường nông thôn và đưa vốn ra thị trường liên ngân hàng.

Trong cuối năm này và dịp tết âm lịch này liên tục đảm bảo dự trữ thanh khoản 70 nghìn tỷ.

Rút quyền nếu cán bộ yếu và vi phạm

Vậy theo ông những khó khăn gì trước mắt Agribank sẽ phải đối mặt và giải quyết? Hiện nhiều cán bộ tín dụng sợ dính vòng lao lý nên ngặt nghèo các khoản vay, như vậy có phải ngân hàng đang chuyển từ “lỏng” sang quá “chặt”?

Agribank xác định khó khăn lớn nhất chủ yếu rơi vào các khoản cho vay bất động sản. Hoạt động kinh doanh luôn có rủi ro, cũng như các tổ chức tín dụng khác, có thể xảy ra vụ việc này, khác nhưng sẽ không ảnh hưởng tới hoạt động của ngân hàng.

Đơn cử: nợ xấu của Agribank cao ở 2 thành phố lớn (Hà Nội và T.P HCM) chiếm 70% số nợ xấu của Agribank, chủ yếu ở lĩnh vực bất động sản, còn lại các chi nhánh cho vay nông nghiệp nông thôn chỉ còn dưới 2%.

Các vụ việc này chiếm dư nợ rất nhỏ, đều có tài sản đảm bảo, đã trích lập dự phòng rủi ro. Về mặt tài chính không ảnh hưởng tới thanh khoản và những vụ việc này đã xảy ra từ lâu rồi.

Bên cạnh, chúng tôi sửa cơ chế cấp tín dụng, phân quyền, giao lại cho các chi nhánh tập trung cho vay nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho vay ngắn hạn.

Không cho vay các dự án lớn, hoặc trung và dài hạn có độ rủi ro cao và khả năng thẩm định hạn chế (các dự án thủy điện, giao thông…) Các dự án cho vay trung, dài hạn đều xem xét chặt chẽ.

Một số vụ việc xảy ra tại Agribank nói riêng và hệ thống ngân hàng nói chung thời gian qua khiến dư luận ít nhiều nghi ngại. Bài học về quản lý con người được những lãnh đạo ngân hàng như ông rút ra thế nào?

Suy đến cùng có hai yếu tố, một là đầu vào và đào tạo liên tục. Với Agribank chúng tôi xác định sẽ tuyển chặt đầu vào theo chất lượng và vị trí làm việc.

Tiếp đó là khâu đào tạo, cả nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp, thông qua trường lớp và thông qua thực tế.

Ngoài ra là cơ chế khoán công việc, khoán tài chính của người lao động, để phản ánh năng lực của họ.

Và quan trọng là lựa chọn người đứng đầu (Giám đốc) có kiến thức, có nghề về ngân hàng và có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, có năng lực điều hành, nói ngắn gọn phải “có đức có tài”.

Hiện, Agribank đã thiết lập cơ chế giám sát chặt chẽ, giám sát hàng ngày kết quả kinh doanh của các đơn vị thông qua hệ thống online, core banking, chịu trách nhiệm là bộ phận kiểm toán, kiểm soát.

Tất cả các chi nhánh đều có phòng kiểm tra kiểm soát nội bộ bên cạnh giám đốc... Các giám đốc chỉ được giao quyền hạn nhất định, nếu nợ xấu trên 3% là bị tuýt còi và giảm quyền lại.

Về tài chính, nếu thu nhập thấp hơn kế hoạch cũng hạn chế quyền. Để một vụ việc tiêu cực xảy ra, bị thu bớt quyền, xếp hạng chi nhánh ở mức thấp...

Cảm ơn ông!

50 nghìn tỷ cho vay nông nghiệp nông thôn năm nay

“Như tôi đã nói các khoản vay rủi ro chủ yếu là ở thành phố lớn. Nay chúng tôi chuyển hướng sang cho vay nhiều hơn với nông nghiệp nông thôn. Hầu hết các tỉnh hiện nay tỷ lệ cho vay nông nghiệp nông thôn 70-90%.

Các huyện ngoại thành của Hà Nội và TP HCM chủ yếu cho vay hộ gia đình, cá nhân… Năm 2013, Agribank phấn đấu tăng 15%, đạt dư nợ 50.000 tỷ đồng, với điều kiện Chính phủ, Bộ tài chính, NHNN ủng hộ một số đề xuất của ngân hàng liên quan tới vốn điều lệ, mở rộng mạng lưới, trích lập dự phòng rủi ro đối với cho vay không có tài sản đảm bảo.

Hiện, Agribank đang cho vay nông dân 50 triệu đồng không phải có tài sản thế chấp, với hợp tác xã là mức 500 triệu đồng theo Nghị định 41 của Chính phủ” - ông Nguyễn Ngọc Bảo nói.

Khánh Huyền
Thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG