Nhiều hàng hóa, dịch vụ Tết tăng giá mạnh

Nhiều hàng hóa, dịch vụ Tết tăng giá mạnh
TP - Hai ngày cuối tuần qua, giá nhiều mặt hàng, dịch vụ phục vụ Tết tại TPHCM tăng mạnh, trong khi giá thực phẩm ở Hà Nội nhảy vọt.

> Thực phẩm Tết tăng giá chóng mặt
> Mai, quất, bưởi Tết vẫn tăng giá

Sáng 3-2, anh Nguyễn Sơn (phường Tân Thuận Tây, quận 7, TPHCM) đưa hai con ra tiệm cắt tóc gần nhà. Khác với mọi khi, giá cắt tóc lần này tăng thêm 5.000 đồng/người, từ 30.000 đồng lên 35.000 đồng. “Tết mà, giá tăng là chuyện thường” chủ tiệm cắt tóc giải thích.

Nhiều dịch vụ khác như chuyển nhà, dọn nhà cửa, giặt là… cũng bắt đầu tăng giá. Chị Hồng Tâm, một người vừa chuyển về nhà mới ở chung cư H2, quận 4, cho biết, chị gọi điện đến nhiều nhà cung cấp dịch vụ chuyển, dọn nhà ở TPHCM đều được báo giá cao hơn mọi khi từ 500.000 đồng đến 700.000 đồng.

Theo ghi nhận của phóng viên Tiền Phong, ngày 3-2, giá hàng hóa trong hệ thống siêu thị, chợ đầu mối, cửa hàng của các doanh nghiệp lớn vẫn ổn định và được niêm yết rõ ràng. Sức mua có tăng lên, nhưng do nguồn hàng đủ, nhiều doanh nghiệp bán theo giá bình ổn thị trường, nên giá bán các mặt hàng bình ổn không biến động.

Tuy nhiên, ở các chợ truyền thống, cửa hàng nhỏ lẻ của gia đình, giá nhiều mặt hàng vẫn được tát nước theo mưa, tăng đáng kể. Các mặt hàng trang trí Tết có giá vô chừng.

Hoa nhiều, giá vẫn tăng

Sáng chủ nhật, tại chợ hoa xuân Phú Mỹ Hưng (quận 7, TPHCM), nhiều nhà vườn từ các tỉnh đem hoa, cây cảnh giăng kín chợ.

Tuy lượng hàng khá dồi dào, nhưng giá các hoại hoa, cây cảnh vẫn khá cao so với mọi năm. Chủ một gian hàng bán quất (tắc) tại chợ hoa xuân Phú Mỹ Hưng cho biết giá thấp nhất là 1 triệu đồng/chậu và loại có mức giá trung bình là 1,5-2 triệu đồng/chậu.

Anh Lê Ân, một khách mua hoa, nói: So với mọi năm, giá quất năm nay tăng ít nhất 20-30%”. Hoa rau dừa tại chợ hoa này có giá 100.000 đồng/chậu, tăng gấp đôi so với giá ngày thường.

Ông Nguyễn Hồng Chương, Giá đốc marketing của Dalat Hasfarm xác nhận, giá hầu hết hoa bán tại hệ thống cửa hàng của Dalat Hasfarm tăng 5- 25% so với ngày thường.

Ông Lê Quàng Trắc, chủ nhà vườn chuyên trồng hoa giấy ở Bến Tre, cho biết, giá bình quân mỗi chậu hoa giấy của ông đang bày bán tại chợ hoa Phú Mỹ Hưng là 4 triệu đồng, gấp đôi năm ngoái. Theo ông Trắc, nguyên nhân là do phí vận chuyển thuê mặt bằng tăng cao.

Hà Nội: Giá thực phẩm tăng gấp đôi, hàng bình ổn không hút khách

Ngày 3-2, tại chợ Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) mới 11 giờ trưa, chị Thu bán hàng giò chả trong chợ đã vui vẻ đếm tiền. Chị cho biết: “Hôm nay cuối tuần nên người dân đi sắm Tết nhiều, hầu hết đều mua giò chả từ sớm về cúng ông Công ông Táo. Ngày thường tôi bán cả ngày may ra được 10 cân giò các loại, nhưng chỉ sáng nay bán được 20 cân”.

Theo chị Thu, do giá nhiều mặt hàng tăng dịp Tết, nên giá giò chả cũng tăng cao so với tuần trước. Giò lụa 140.000 đồng/cân (tăng 10.000 đồng/cân); giò gà 300.000 đồng (tăng 30.000 đồng/cân); giò bò 280.000 đồng/cân (tăng 20.000 đồng/cân)…

Theo khảo sát của PV tại chợ Nghĩa Tân, các mặt hàng tươi sống như thịt lợn, thịt bò, thịt gà đều tăng 10 - 15% so với tuần trước. Riêng cá chép tăng đến 50% so với ngày thường. Chị Bích bán cá tại chợ, nói: “Trung bình, một cân cá chép to có giá 80.000 đồng, nhỏ là 70.000 đồng. Giá sẽ còn tăng bởi nhu cầu ăn hải sản vào những ngày Tết nhiều”.

Ngoài ra, các mặt hàng khô như mộc nhĩ, nấm hương, miến, măng… tăng 5-10% so với tuần trước.Riêng các mặt hàng bánh mứt, kẹo, bia giải khát mỗi nơi tăng giá một kiểu. Hầu hết tiểu thương lý giải: Do nhu cầu mua sắm Tết tăng, nên giá tăng theo. Tuy nhiên, hàng bình ổn không mấy hút khách.

Tại siêu thị Citi Mart (quận Cầu Giấy), hàng bình ổn được dán nhãn màu hồng, xếp trang trọng trên giá.

Tuy nhiên, lượng khách ghé mua thưa thớt. Đại diện siêu thị Citi Mart cho biết: “Chúng tôi đăng ký bán 4 mặt hàng bình ổn: gạo, dầu ăn, thực phẩm đồ hộp và thực phẩm tươi sống chế biến sẵn. Tuy nhiên chỉ dầu ăn là bán chạy hơn bởi giá rẻ hơn 20 - 30% so với bên ngoài”. Gian hàng bình ổn đồ hộp Hạ Long, Vissan… ít khách ghé qua.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, nói: “Các mặt hàng bình ổn đều do siêu thị đăng ký với UBND thành phố. Càng gần Tết, người dân càng mong muốn có nhiều mặt hàng bình ổn giá, nhưng chủng loại mặt hàng tại các siêu thị chưa thực sự đáp ứng nhu cầu của người dân. Năm nào cũng vậy, cứ sát Tết, giá các mặt hàng thực phẩm tại chợ truyền thống đều nhảy múa. Rõ ràng, siêu thị hoàn toàn có thể đăng ký bình ổn các mặt hàng này, nhưng hiện các siêu thị ở Hà Nội đều không làm được”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG