Khi niềm tin 'nhảy lầu', sự lương thiện 'chết sớm'

Khi niềm tin 'nhảy lầu', sự lương thiện 'chết sớm'
Do thiếu niềm tin xã hội, nhiều người đã nhảy lầu tự kết liễu cuộc sống của mình... Phải làm sao khi đề cao tính lương thiện nhưng trong cuộc sống, người lương thiện là người chết sớm nhất?

Khi niềm tin 'nhảy lầu', sự lương thiện 'chết sớm'

> Đại gia gốm sứ Minh Long giàu nhờ '4 không, 4 có'

> ‘Ghế’ Thống đốc mỗi lúc một nóng

Không phải là chúng ta mất lòng tin với nhau mà là chúng ta mất đi sự gắn kết - ông Nguyễn Trần Bạt chia sẻ cái nhìn về niềm tin và sự lương thiện trong cuộc sống.

Khi niềm tin 'nhảy lầu', sự lương thiện 'chết sớm' ảnh 1
 

Sống với nhau bằng niềm tin

Gần đây người ta nói nhiều đến việc bị mất niềm tin. Ông nhìn nhận thế nào?

Niềm tin ở con người là một thứ hoóc môn sống, là điều kiện cần thiết tối thiểu để con người ta yên tâm sống. Không có nó, người ta có thể không chết, nhưng cũng không sống đích thực. Không có niềm tin, con người chỉ sống một cách tối thiểu, rời rạc với nhau và tối thiểu với chính mình.

Niềm tin là chất kết dính của xã hội, nếu không có niềm tin, chúng ta sẽ cảm thấy vô cùng bất an bởi trạng thái cô đơn trong cuộc sống.

Phải chăng đã qua rồi cái thời chúng ta cùng hát một bài ca, cùng có những quyển sách gối đầu giường, cùng nhìn về một hướng?

Cùng hướng tới một cái gì đó không phải là kết quả của niềm tin. Đấy là kết quả của việc có cùng mục đích. Giống nhau chưa phải là tin nhau. Người ta tin vào sự lương thiện của con người, chứ không tin vào sự giống mình của người khác. Tôi cho rằng, con người phải có những bài hát riêng, bản nhạc riêng, nhịp điệu và màu sắc riêng. Nhưng vấn đề là ở chỗ chúng ta đang mất đi sức thuyết phục của sự gương mẫu chính trị và đạo đức của các đối tượng có trách nhiệm lãnh đạo và tổ chức xã hội.

Liệu khi có được lòng tin xã hội thì mỗi người trong chúng ta sẽ có hạnh phúc?

Chúng ta không thể có ngay được hạnh phúc, dù chúng ta có quyền mưu cầu hạnh phúc. Khi có được lòng tin xã hội thì người ta phải biết rất rõ rằng, người kia hơn mình là bởi tài năng đích thực chứ không phải bằng cách sử dụng các cách thức bất chính, như vậy, xã hội mới có thứ bậc; đó là động lực làm cho người ta phấn đấu.

Do thiếu niềm tin xã hội, nhiều người đã nhảy lầu tự kết liễu cuộc sống của mình, nhưng không chỉ có thế: hàng đêm rất nhiều người trong chúng ta cũng đã “nhảy lầu”, giết chết từng phần trong đời sống tình cảm của chính mình...

Các thần tượng “dởm” đi về đâu?

Tôi thấy độc giả giờ đây quan tâm nhiều nhất đến hai vấn đề, một là các vụ án bạo lực, hai là các ngôi sao thần tượng?

Báo chí cần phải cảnh giác với nguy cơ làm nhiễm độc đời sống tâm hồn của con người. Thông tin bạo lực quá đà có thể làm hư hỏng xã hội trên một quy mô khổng lồ, song đôi khi chúng ta chỉ lên án một cách khá nhẹ nhàng là “truyền thông lá cải”.

Thứ hai là các thần tượng dởm. Truyền thông nếu không cẩn thận có thể trở thành một phương tiện để “nhân giống” tất cả các lỗi lầm của con người và thổi phồng nó lên.

Muốn tin vào xã hội, trước hết người ta phải tin vào chính mình, ông có nghĩ như vậy?

Trong tất cả các niềm tin mà chúng ta thiếu thì cái thiếu căn bản nhất là tin vào mình, tin vào sự tử tế, lương thiện của mình. Cái đó thường bị lãng quên, bị xếp xó. Trong tất cả các vẻ đẹp mà truyền thông và nhà nước “xúc tiến” giờ đây ít thấy nhắc đến vẻ đẹp về sự lương thiện của các cá nhân. Sự dịu dàng của người đàn bà bị bỏ qua; thay vào đó là vô số thông tin vô bổ về những đôi chân dài…

Tin ở hoa hồng

Là người đã trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, nhiều thăng trầm của cuộc sống, niềm tin trong ông biến động thế nào?

Tôi luôn luôn tin vào tôi, tôi luôn luôn tạo lập cho mình một phổ rất rộng các giải pháp để sống ổn trong những điều kiện khác nhau về tinh thần, vật chất. Bây giờ, bỗng nhiên chúng ta nghèo khổ trở lại, tôi vẫn có một cuộc sống không đến nỗi nào. Tôi đã từng là một trưởng phòng trong thời kỳ bao cấp đói kém, tôi từng phải lo cho gia đình lẫn cơ quan của tôi những con bò, con lợn vào ngày lễ, ngày tết để mỗi người có thể có được dăm bảy lạng, một cân thịt. Tôi đã đi từ những việc lo lắng nho nhỏ như vậy đến hiện nay, cho nên tôi luôn luôn rèn luyện cho mình có đủ năng lực để ứng phó với mọi tình huống của cuộc sống.

Như thế thì chúng ta chỉ nên tin vào mỗi bản thân mình thôi sao?

Không, khi chúng ta tin vào bản thân mình thì chúng ta hiểu con người mình. Khi chúng ta hiểu con người mình thì chúng ta có tư liệu, có kinh nghiệm để hiểu những người lân cận, và chúng ta “ước lượng” họ trong các phép tính của mình để tạo ra các cơ cấu xã hội trong khuôn khổ, hay trong không gian của mình.

Nếu chỉ tin vào bản thân mình, vào tài sản ở trong túi mình thì có phải là vụn vặt quá không?

Rất vụn vặt. Cái đó nó không còn là cuộc sống mà một tập hợp cơ học của con người.

Tại sao chúng ta chỉ có những niềm tin hết sức vụn vặt như vậy? Bởi vì chúng ta không có được một thiết kế, một cộng đồng mà ở đấy người ta xử lý vấn đề lòng tin một cách có cơ sở khoa học.

Có một vở kịch của Lưu Quang Vũ lấy tựa đề là “Tin ở hoa hồng”. Sau nhiều bầm dập, Lưu Quang Vũ vẫn tin, còn ông, ông có tin ở các khái niệm như sự cao thượng, hay lòng tốt trong bối cảnh hiện nay?

Có chứ! Một giáo sư trẻ tuổi đã từng “vặn” tôi rằng, “anh đề cao tính lương thiện nhưng trong cuộc sống, người lương thiện là người chết sớm nhất”. Tôi đã trả lời: “Lương thiện là tiên đề để hình thành con người và xã hội loài người, người ta không mặc cả với sự lương thiện. Sự lương thiện có thể làm mình chết, nhưng thà chết chứ không thể đánh mất sự lương thiện. Cái đó mà không khẳng định thì tức là đi đến trạng thái “to be or not to be” - Tồn tại hay không tồn tại rồi”.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Theo Doanh Nhân

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG