TGĐ Standard Chartered 'Gia Cát Dự' kinh tế VN 2013

TGĐ Standard Chartered 'Gia Cát Dự' kinh tế VN 2013
Ông Louis Taylor, phó Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Standard Chartered việt Nam, lạc quan về triển vọng kinh tế việt Nam năm 2013.

TGĐ Standard Chartered 'Gia Cát Dự' kinh tế VN 2013

Ông Louis Taylor, phó Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Standard Chartered việt Nam, lạc quan về triển vọng kinh tế việt Nam năm 2013.

TGĐ Standard Chartered 'Gia Cát Dự' kinh tế VN 2013 ảnh 1
 

Ông nhận định thế nào về chính sách điều hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong năm 2012?

Nhờ các chính sách của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, hầu hết các chỉ số kinh tế vĩ mô đều được cải thiện trong những tháng gần đây và sẽ tiếp tục góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Lạm phát được giữ ở mức một con số, đồng nội tệ được duy trì ổn định, thặng dư thương mại và tình hình thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cho thấy tính cạnh tranh của nền kinh tế vẫn được duy trì. Vào cuối năm ngoái, lãi suất trần đã giảm hợp lý thêm 1 điểm phần trăm. Trong thời điểm khó khăn, niềm tin vào hệ thống ngân hàng vẫn được duy trì, phần lớn là nhờ sự quản lý thanh khoản tốt của Ngân hàng Nhà nước. Ngoài ra, việc thực hiện đề án xử lý nợ xấu cũng đã bắt đầu được triển khai, dù còn đang ở giai đoạn đầu của quá trình thực hiện.

Theo nhìn nhận của Standard Chartered Việt Nam, hiện hệ thống ngân hàng Việt Nam cần lưu ý những vấn đề gì?

Hiện có hai vấn đề đáng chú ý trong ngành ngân hàng Việt Nam. Thứ nhất là tăng trưởng tín dụng nhanh hơn rất nhiều so với tăng trưởng huy động. Việc tăng trưởng tín dụng chậm lại gần đây có thể là tín hiệu đầu tiên của việc các doanh nghiệp đang giảm đòn bẩy nợ. Việc này nếu được duy trì có thể giúp cải thiện sức khỏe của ngành tài chính.

Vấn đề tiếp theo là tỉ lệ nợ xấu cao. Ngân hàng Nhà nước đánh giá tỉ lệ nợ xấu đang ở mức 8 - 10%, trong khi thị trường đánh giá tỉ lệ này ở mức cao hơn (15% - 20%). Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đều gửi đi những tín hiệu rằng, họ sẽ giải quyết vấn đề này. Vào tháng 3/2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch tái cấu trúc ngân hàng đến năm 2015. Ngân hàng Nhà nước đã hứa đảm bảo cắt tỉ lệ nợ xấu xuống 3% trước cuối năm 2015. Các tín hiệu này là rất tích cực, tuy nhiên vẫn chưa có thông tin chi tiết về kế hoạch thực hiện.

Nhiều chuyên gia kinh tế trong nước cho rằng, quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam và tiến trình giải quyết nợ xấu của các ngân hàng hiện nay là quá chậm. Quan điểm của ông như thế nào?

Tôi cho rằng giờ là thời điểm để hành động. Có thể có nhiều thách thức trong quá trình này, chẳng hạn như việc ghi nhận các khoản lỗ và phân bổ chúng cho các cổ đông của ngân hàng. Việc này là khó khăn, cả về mặt kinh tế và chính trị. Nhưng nếu quá trình này không được thực hiện, chúng tôi tin rằng không có giải pháp đáng tin cậy nào đối với vấn đề nợ xấu của Việt Nam khả dĩ có thể đưa nền kinh tế về mức tăng trưởng hàng năm trên 6% một cách bền vững trong một khoảng thời gian chấp nhận được.

Ông nhìn nhận thế nào về việc cải cách doanh nghiệp nhà nước như là một cách để giải quyết nợ xấu?

Các doanh nghiệp nhà nước hiện chiếm tới 35% nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên các doanh nghiệp này lại kém hiệu quả hơn trong việc sử dụng nguồn vốn và nhân lực đầu vào và phải chịu áp lực tái cấu trúc. Chính phủ dự định sẽ thành lập một đơn vị quản lý các doanh nghiệp nhà nước với mục tiêu giảm số lượng các doanh nghiệp nhà nước lớn trực thuộc sự quản lý của Thủ tướng Chính phủ xuống dưới 10 thay cho con số 21 như hiện nay. Công tác chuẩn bị được dự kiến sẽ bắt đầu từ năm 2013, và nếu việc này được triển khai đúng kế hoạch đã đề ra thì sẽ giúp tăng mức độ tín nhiệm của Chính phủ trên thị trường. Ngược lại, nếu việc này thất bại sẽ kéo theo quá trình tái cấu trúc trở nên khó khăn hơn và xếp hạng tín nhiệm có thể sẽ tiếp tục bị hạ bậc, sau khi Moody thực hiện hạ bậc tín nhiệm trong tháng 9/2012.

Nhiều người lo ngại, với chính sách tiền tệ và tài khóa có nhiều biểu hiện bắt đầu được nới lỏng như hiện nay, nền kinh tế Việt Nam sẽ lại đối diện với nguy cơ bất ổn trong thời gian tới. Liệu đó có phải là những lo ngại thái quá?

Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra những chính sách tiền tệ phù hợp với hoàn cảnh. Mặc dù mức cắt giảm lãi suất 6% năm ngoái có vẻ như cao, nhưng việc lạm phát duy trì ở mức thấp và đồng tiền ổn định cho thấy Ngân hàng Nhà nước đã đúng trong việc giảm mạnh lãi suất. Nếu chính sách tiền tệ được nới lỏng quá sớm và/hoặc quá nhanh, nguy cơ lạm phát tăng trở lại sẽ cao. Nhưng năm ngoái Việt Nam đã cho thấy, lãi suất cơ bản và lạm phát hoàn toàn có thể đồng thời giảm. Tôi tin rằng, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ một cách phù hợp với môi trường kinh tế.

Xin ông cho biết dự báo của ông về xu hướng lãi suất và tỷ giá trong năm 2013?

Theo như báo cáo gần đây nhất của Standard Chartered, chúng tôi dự báo tỷ giá sẽ duy trì ổn định quanh mức 1 uSD/21.000 VND trong năm 2013. Lãi suất cơ bản có lẽ sẽ không thay đổi nhiều và chúng tôi thấy triển vọng kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh hơn trong năm tới, có thể 5,5% so với mức 5% trong năm 2012. Chúng tôi kỳ vọng, Ngân hàng Nhà nước sẽ giữ lãi suất ổn định trong suốt năm 2013 và thận trọng với rủi ro lạm phát sẽ tăng trở lại.

Với tư cách là Phó chủ tịch của Eurocham tại Việt Nam, xin ông cho biết, liệu những khó khăn về môi trường đầu tư trong năm qua có khiến các nhà đầu tư nước ngoài cảm thấy nản lòng? Ông đánh giá như thế nào về sức thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam hiện nay?

Tôi nghĩ rằng, bất kỳ thị trường đang phát triển nào cũng có thăng, có trầm. Nhưng điều quan trọng là xu hướng lên hay xuống. Dựa trên các thước đo khác nhau, kinh tế Việt Nam duy trì xu hướng đi lên. Đây là sự tiến bộ của nền kinh tế. Tuy nhiên, kể cả khi hoạt động quản lý kinh tế hàng ngày được cải thiện, vẫn cần thực hiện tái cấu trúc một cách cơ bản. Chính phủ cũng đã nhận ra điều này. Nhưng giờ là thời điểm để hành động (tái cấu trúc các ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước và đầu tư công).

Với các nhà đầu tư nước ngoài đang quan tâm tới Việt Nam, mặc dù còn tồn tại một số vấn đề, nhưng họ nên nhìn vào tiềm năng dài hạn của đất nước và khả năng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong việc kiềm chế lạm phát và duy trì tỷ giá ổn định trong thời gian gần đây.

Đồng thời, việc cho phép tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng thương mại Việt Nam cũng có thể giúp Chính phủ đạt được kế hoạch tái cấu trúc nhanh chóng và hiệu quả.

Xin cảm ơn ông!

Theo Doanh Nhân

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG