Bế tắc xử lý tài sản vắng chủ

Sau khi giải ngân hơn 3.000 tỷ, hiện Agribank còn phải chi tiền thuê bảo vệ để giữ tài sản thế chấp, trong khi chủ DN nước ngoài bỏ trốn Ảnh: Thu Hằng
Sau khi giải ngân hơn 3.000 tỷ, hiện Agribank còn phải chi tiền thuê bảo vệ để giữ tài sản thế chấp, trong khi chủ DN nước ngoài bỏ trốn Ảnh: Thu Hằng
TP - Chủ doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam vay nợ làm ăn, sau đó “bỏ của chạy lấy người” không còn là chuyện hiếm. Trong những trường hợp này, các ngân hàng nội và người lao động đều lĩnh hậu quả nặng nề. Tuy nhiên, để xử lý những con nợ này không đơn giản.

> Giám đốc mượn danh nhân đạo vay hàng tỷ đồng
> Nhà quản lý, chuyên gia dự báo BĐS 2013

Gia tăng “bỏ của chạy người”

Từ cuối năm ngoái, tại các tỉnh, thành phía Nam như: TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, tình trạng chủ DN nước ngoài đột ngột bỏ về nước, để lại đống nhà xưởng, nợ nần (nợ ngân hàng, lương và BHXH của người lao động) khá nhiều.

Theo báo cáo của Sở KH&ĐT Bình Dương, chỉ từ 2009 đến nay, đã có 16 chủ DN nước ngoài đang hoạt động trên địa bàn thì bất ngờ bỏ trốn, không thể liên lạc được.

Còn theo thống kê của Hải quan TP HCM, trên địa bàn có hàng chục DN nước ngoài nợ thuế xuất nhập khẩu nhưng không liên lạc được với chủ DN để xử lý...

Đáng lưu ý, nhiều DN nước ngoài vào Việt Nam làm ăn, vay vốn hàng trăm tỷ đồng, thành nợ xấu rất khó thu hồi. Cách đây hơn một năm, Tiền Phong có loạt bài phản ánh tình trạng các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam lập dự án, tiến hành vay vốn các tổ chức tín dụng trong nước, sau đó bỏ trốn hoặc mất khả năng trả nợ.

Nhiều dự án, đến nay vẫn chưa giải quyết được hậu quả. Như Tập đoàn Kenmark (Đài Loan), khi đầu tư dự án xây dựng KCN Việt Hoà (TP. Hải Dương, tỉnh Hải Dương), nhà đầu tư này đã vay BIDV chi nhánh Thành Đô khoảng 50 triệu USD. Đến nay, chủ nợ vẫn không thể thu được nợ. Trong khi hạ tầng cả KCN hoành tráng vẫn để hoang.

Trao đổi với PV Tiền Phong hôm qua, một lãnh đạo BIDV chi nhánh Thành Đô cho biết, có một vài nhà đầu tư đặt vấn đề mua lại KCN để ngân hàng thu nợ, nhưng nay vẫn chưa chốt ha được.

Ông Mai Đức Chọn - Trưởng ban quản lý các KCN tỉnh Hải Dương cho biết, trách nhiệm thu hồi vốn đối với dự án Kenmark là của phía ngân hàng.

“Tôi được biết, đại diện Kenmark cứ hai tháng sang Việt Nam một lần để phối hợp ngân hàng BIDV giải quyết khoản nợ” - ông Chọn cho biết.

Với khoản nợ trên 3.000 tỷ đồng mà Agribank cho Cty liên doanh Lifepro Việt Nam vay để làm nhà máy Luxfashion tại KCN Gián Khẩu, Ninh Bình, thực sự làm đau đầu lãnh đạo nhà băng này (xem Tiền Phong ngày 25 và 26-2).

Bởi ngay sau khi giải ngân xong, lãnh đạo của Lifepro Việt Nam đã “cao chạy, xa bay”. Khoản nợ khổng lồ trên vừa ra khỏi ngân hàng nay đã thành nợ xấu.

Ông Nguyễn Chiến Tình, Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Ninh Bình cho biết: “Đến thời điểm này, toàn bộ tài sản của Cty liên doanh Lifepro Việt Nam đang do các bên bị thiệt hại (ngân hàng Agribank- PV) quản lý, phải chờ phán quyết của tòa án.

Tới lúc đó, sẽ tiến hành đánh giá lại tài sản, gồm cả phía ngân hàng, đơn vị thi công nhà máy tham gia vào việc đánh giá tài sản. Vừa qua, có một số đối tác đến tìm hiểu, mua tài sản nhưng chưa xử lý được”.

Hiện, các nhà xưởng, máy móc thiết bị, nguyên vật liệu… đã được niêm phong và do công ty bảo vệ, cán bộ ngân hàng trông coi. Từ khi nhà máy đóng cửa, khoảng 658 lao động đã phải nghỉ việc, bị nợ lương.

Chi nhánh điện lực huyện Gia Viễn đã cắt điện nhà máy, nên Agribank còn phải mua máy phát điện để hỗ trợ chiếu sáng vào ban đêm để trông giữ tài sản.

Ngoài ngân hàng và người lao động, nạn nhân của vụ bỏ trốn này, còn có Cty CP đầu tư xây dựng và phát triển nông thôn 658 (nhà thầu xây dựng nhà máy Luxfashion) bị nợ 40 tỷ đồng. Hiện nhà thầu này đã có đơn khởi kiện con nợ ra tòa, nhưng mọi việc bế tắc.

Xử lý thế nào?

Về xử lý trách nhiệm của nhà đầu tư nước ngoài liên quan dự án Luxfashion, ông Nguyễn Chiến Tình cho hay, sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy theo mức độ để xử lý về hành vi “lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”.

Nhưng phải truy nã, bắt được nhà đầu tư bỏ trốn thì mới xử được. Do dự án Luxfashion đang bị điều tra, có tranh chấp pháp lý nên Sở KH&ĐT tỉnh Ninh Bình chưa thể giới thiệu cho các nhà đầu tư khác, để khôi phục dự án, sớm đi vào sản xuất.

“Hiện nay, chưa thể đánh giá được giá trị tài sản của doanh nghiệp này. Vì toàn bộ giá trị tài sản là trên giấy tờ, họ khai đã đầu tư như thế nhưng thực sự là bao nhiêu thì chưa kiểm tra được”- Ông Tình nói.

PV Tiền Phong đã liên hệ với ông Trịnh Ngọc Khánh, Phó tổng giám đốc phụ trách điều hành Agribank, nhưng vị này từ chối làm việc với lý do “cơ quan điều tra đang làm, giờ phát biểu thì không tiện lắm”.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT) cho rằng, hiện tượng doanh nghiệp FDI bỏ trốn cho thấy những lỗ hổng về cơ sở pháp lý cũng như cơ chế quản lý hoạt động của loại hình doanh nghiệp này hiện nay.

Trong khi đó, sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan như KH-ĐT, Tài chính, Thuế, Hải quan, Ngân hàng... trong việc quản lý các doanh nghiệp FDI sau cấp phép còn chưa thật chặt chẽ nên chậm phát hiện những doanh nghiệp có dấu hiệu bỏ trốn.

Để ngăn chặn, hạn chế tình trạng doanh nghiệp FDI bỏ trốn, theo ông Thắng, quan trọng nhất là nâng cao hiệu quả công tác giám sát hoạt động đầu tư, đặc biệt kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp FDI trong suốt quá trình hoạt động, tăng cường sử dụng các công cụ giám sát như báo cáo tài chính đã được kiểm toán, cơ chế giám định, định giá cũng như tăng cường cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan liên quan.

Trong một lần trả lời PV Tiền Phong, Bộ trưởng KH-ĐT Bùi Quang Vinh cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài khi vay vốn đều phải thế chấp tài sản, chứ không thể tự dưng vay được tiền từ ngân hàng.

Do đó, các tài sản thế chấp sẽ xử lý theo pháp luật về thế chấp tài sản. Trong trường hợp các tài sản không xử lý được, Bộ KH-ĐT sẽ phải xem xét lại các hợp tác, các quy định của luật pháp quốc tế để tiến hành xử lý.

Khó khăn lớn nhất là ngay bản thân các cơ quan chức năng nơi có doanh nghiệp FDI bỏ trốn cũng không phát hiện được thời gian họ về nước; thậm chí, lãnh đạo KCN nơi có doanh nghiệp FDI hoạt động cũng không nắm được. Do đó, rất khó tìm được địa chỉ của các doanh nghiệp FDI sau khi họ bỏ trốn.

“Thực tế, với trường hợp rõ địa chỉ thì có thể xử lý được, nhưng nhiều trường hợp không biết địa chỉ nên các khoản nợ hiện đang bị treo” - Bộ trưởng Vinh nói.

Xử lý tài sản vắng chủ thế nào?

Về xử lý khối tài sản sau khi doanh nghiệp FDI bỏ trốn, một chuyên gia về đầu tư nước ngoài cho PV Tiền Phong biết, văn bản hướng dẫn về việc này rất ít. Mới đây, Bộ KH-ĐT có văn bản số 7566, hướng dẫn việc thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của những dự án nhà đầu tư nước ngoài bỏ trốn nhưng nội dung vẫn chung chung.

Theo nội dung văn bản này, đối với các dự án FDI vắng chủ, đã được xử lý về tài sản và vị trí đất thuê thông qua các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của tòa án và cơ quan thi hành án đã tổ chức bán đấu giá tài sản thì UBND tỉnh, Ban quản lý các KCN căn cứ quy định của Luật Ðầu tư, để ra quyết định chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư. Sau khi chấm dứt hoạt động của các dự án đầu tư, cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư xem xét cấp giấy chứng nhận đầu tư cho nhà đầu tư mới theo thủ tục chung.

Nhóm PV

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG