Hàng loạt doanh nghiệp niêm yết lỗ khủng

Hàng loạt doanh nghiệp niêm yết lỗ khủng
TP - Liên tiếp hàng loạt doanh nghiệp tại cả 2 sàn giao dịch chứng khoán bị cảnh báo, ngừng giao dịch, buộc phải hủy niêm yết, rời sàn trong thời gian gần đây vì gặp quá nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp lớn lỗ tới cả nghìn tỷ đồng.

> Không ít doanh nghiệp niêm yết lỗ
> Doanh nghiệp bất động sản mong ngân hàng siết nợ

Lỗ hơn nghìn tỷ đồng

Kết quả báo cáo tài chính của hàng loạt doanh nghiệp niêm yết cho thấy doanh nghiệp kinh doanh khó khăn trong suốt cả năm 2012. Nhìn qua các bản báo cáo có thể doanh nghiệp lỗ tiền tỷ, chục tỷ đồng không phải hiếm. Không ít trường hợp bị lỗ tới cả trăm tỷ đồng, có doanh nghiệp bị lỗ tới hơn nghìn tỷ đồng trong năm 2012.

“Sự phát triển nóng theo kiểu người người lên sàn những năm trước trong khi sức đề kháng của doanh nghiệp còn yếu và ít có chuẩn bị cho việc hội nhập, cộng thêm khủng hoảng đang là những vấn đề mấu chốt nhất cần giải quyết với thị trường chứng khoán hiện nay”.

Tình trạng doanh nghiệp chây ỳ, chậm nộp báo cáo tài chính diễn ra thường xuyên. Điển hình như Công ty CP Thép Nam Kim mới đây cũng bị Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM cảnh cáo vì thường xuyên vi phạm quy định về công bố thông tin định kỳ và bất thường; Cty CP Công nghệ Viễn thông Sài Gòn cũng vi phạm quy định về công bố thông tin...

Khoảng hơn chục ngày trở lại đây, chỉ riêng trên Sàn Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) có 21 doanh nghiệp rơi vào diện cảnh báo kiểm soát, ngừng giao dịch, hủy niêm yết cổ phiếu.

Trong khi trên sàn Giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE), có tới 19 trường hợp rơi vào một trong 4 hình thức xử lý trên. Hàng loạt doanh nghiệp niêm yết bị thua lỗ hai đến ba năm liên tiếp, mức lỗ vượt quá vốn điều lệ thực góp dẫn đến doanh nghiệp đủ mọi lĩnh vực bị hủy niêm yết, tạm ngừng giao dịch.

Tình trạng doanh nghiệp thua lỗ đến mức bị xếp vào diện theo dõi đặc biệt cũng không phải hiếm gặp. Như tại sàn TPHCM, từ ngày 1/4 đến nay có tới 16 trường hợp doanh nghiệp như thế. Hầu hết các doanh nghiệp này lợi nhuận sau thuế là số âm.

Trong đó, có cả những doanh nghiệp tên tuổi lừng lẫy trên sàn như Tổng Cty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - Cty Cổ phần (mã KBC).

Cổ phiếu của doanh nghiệp này bị đưa vào diện cảnh báo do lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ năm 2012 âm 435,64 tỷ đồng. Góp mặt trong số này có cả Cty Cổ phần LICOGI 16 (mã LCG), Cty CP Đầu tư Bất động Sản Việt Nam (mã VNI)…

Nhiều đơn vị bị xếp hạng “theo dõi đặc biệt” do lợi nhuận sau thuế của Cty và lợi nhuận chưa phân phối bị âm lên tới cả trăm tỷ đồng.

Trong đó phải kể đến như Công ty Cổ phần Đầu tư Alphanam (mã ALP) với mức lỗ của cổ đông Cty mẹ là 144,86 tỷ đồng và mức lỗ sau thuế chưa phân phối là 35,84 tỷ đồng trong năm 2012. CTCP Xây lắp Dầu khí Miền Trung (mã PXM) cũng có mức lỗ sau thuế 109,65 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 107,22 tỷ.

Chìm trong lỗ

Kinh doanh khó khăn dẫn đến lỗ khủng cũng xảy ra với cả các doanh nghiệp được coi là hàng khủng trên sàn Hà Nội. Mới đây nhất, ngày 4/4, cổ phiếu Tổng Cty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVX) cũng bị đưa vào diện kiểm soát do năm 2012 bị lỗ gần 1.400 tỷ đồng. Điều đáng nói là năm 2011 công ty này vẫn báo cáo lãi, nhưng sang năm 2012, PVX bị trượt dài và nâng mức lỗ lên con số khủng.

Trao đổi với PV, ông Phùng Đình Thực - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) cũng xác nhận tình trạng lỗ của PVX.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất có kiểm toán năm 2012 (2 năm gần nhất): Năm 2011, sau khi điều chỉnh hồi tố PVX lỗ hơn 19,1 tỷ đồng và năm 2012 lỗ trên 1.338 tỷ đồng.

Hiện PVN đã thành lập một bộ phận để nghiên cứu giải pháp hỗ trợ PVX vượt qua khó khăn. Trước mắt PVN sẽ hỗ trợ PVX bằng cách giao đơn vị đảm nhận toàn bộ các dịch vụ xây lắp trên bờ của tập đoàn.

Cùng bị ngừng giao dịch với lý do trên, trường hợp của Cty CP Đầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (SJS) bị lỗ 2 năm liên tiếp 302,7 tỷ đồng năm 2012 và 82,5 tỷ đồng năm 2011.

Sau khi cổ phiếu bị ngừng giao dịch, SJS cho biết, thị trường chứng khoán sụt giảm khiến phần lớn các khoản đầu tư tài chính vào các công ty con và công ty liên kết trong danh mục của SJS đều bị giảm giá.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG