Eximbank và giấc mơ “người khổng lồ”

Eximbank và giấc mơ “người khổng lồ”
TP - Đại hội cổ đông Ngân hàng Eximbank mới đây đã thông qua chủ trương cho phép ngân hàng này sáp nhập với một ngân hàng khác. Đây không phải là vấn đề bất ngờ vì cuối năm ngoái Eximbank đã tiết lộ ý định này.

> Những cuộc 'hôn phối' trên thương trường khủng nhất Việt Nam
> Eximbank xin chủ trương sáp nhập ngân hàng khác

Lên kế hoạch sáp nhập

Giữa năm 2011 giới tài chính xôn xao về việc ngân hàng Sacombank (STB) bị thâu tóm. Gần một năm sau, tin đồn đã chính thức biến thành thật khi hầu hết thành viên HĐQT của ngân hàng bị thay thế trong kỳ họp ĐHCĐ.

Phần lớn thành viên HĐQT mới đều đến từ SouthernBank và Eximbank. Đến kỳ ĐHCĐ tháng 4/2013, tất cả ban lãnh đạo cũ của Sacombank chính thức ra đi. Hiện tại, ông Phạm Hữu Phú đang giữ vị trí Chủ tịch HĐQT Sacombank cũng là đại diện cho cổ đông lớn của Eximbank với tỷ lệ sở hữu 9,57%.

Tại Đại hội Eximbank (26/4), các cổ đông đã đồng ý chủ trương Eximbank sẽ sáp nhập với một ngân hàng khác. Dù lãnh đạo của Eximbank không nói rõ đấy là ngân hàng nào nhưng cái tên được nhắc khéo nhất lại là Sacombank.

Chính ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT Eximbank chứ không ai khác đã nói xa gần, theo quy định, các tổ chức tín dụng chỉ phát triển tối đa 5 chi nhánh một năm. Hiện Eximbank có 207 điểm giao dịch, Sacombank có 418 điểm cộng thêm 2 chi nhánh bên Lào và Campuchia, hơn gấp đôi Eximbank.

Chính sách huy động vốn của Sacombank cũng tốt hơn hẳn. Nếu cứ phát triển theo tình hình trên, Eximbank phải mất 40 năm mới theo kịp Sacombank. Cũng trong kỳ đại hội này, ông Phạm Hữu Phú – CT HĐQT Sacombank cũng đến để giải trình kết quả về khoản đầu tư của Eximbank vào Sacombank.

Tham vọng trở thành người khổng lồ

Khác với doanh nghiệp bình thường, mục tiêu chính của các ông chủ ngân hàng trong nhiều trường hợp không phải là lợi nhuận mà chính là quy mô và mức độ ảnh hưởng. Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015 đã được Chính phủ phê duyệt, đến cuối năm 2015, cả nước sẽ có ít nhất 1- 2 ngân hàng mang tầm khu vực.

Tức lúc đó ngân hàng phải có tổng tài sản vào khoảng 50 tỷ USD, vốn chủ sở hữu vào khoảng 3-5 tỷ USD. Hiện nay, quy mô lớn nhất của ngân hàng Việt Nam mới chỉ đáp ứng được nửa tiêu chí này.

Theo một chuyên gia tài chính, xét trong bối cảnh tình hình kinh tế và hệ thống tài chính hiện nay thì để các ngân hàng tăng trưởng một cách “tự nhiên” là điều bất khả thi.

Do vậy, con đường duy nhất để nâng quy mô ngân hàng đó là phải hợp nhất một số ngân hàng lại với nhau để tăng quy mô. Việc Eximbank đưa ra chủ trương sáp nhập ngân hàng khác cũng là hướng tới điều đó.

Trong ĐHCĐ của Sacombank mới đây, ngân hàng này dự tính tăng vốn điều lệ lên 18.513 tỷ đồng. Như vậy, nếu Sacombank hợp nhất với Eximbank thì trở thành một ngân hàng có vốn điều lệ trên 30.000 tỷ đồng, tài sản khoảng 500.000 tỷ đồng.

Giả sử nếu ngân hàng mới này sáp nhập thêm một ngân hàng khác có quy mô tương đương Ngân hàng Á Châu (ACB) thì rất có thể ngân hàng mới này sẽ đạt tầm cỡ ngân hàng khu vực vào năm 2015.

Việc hướng đến một ngân hàng tầm cỡ khu vực là tham vọng của các ông chủ ngân hàng. Trên thực tế, đang nổi lên hiện tượng người của ngân hàng này tham gia vào HĐQT của ngân hàng khác. Tuy nhiên, điều băn khoăn nhất là việc kết hợp giữa các ngân hàng lớn nếu có sẽ tạo ra một ngân hàng thực sự mạnh hay chỉ là đơn giản là vụt biến thành gã không lồ to xác, phục vụ lợi ích của những cổ đông lớn mà thôi ?!.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.