Mua tạm trữ lúa gạo: Nông dân có thực lãi 30%?

Mua tạm trữ lúa gạo: Nông dân có thực lãi 30%?
TP - Chuyện thu mua tạm trữ lúa gạo, giúp nông dân có lãi 30%, vẫn là con số mù mờ trong các báo cáo. Trong khi, hiện Bộ NN&PTNT vẫn loay hoay với Quy chế tạm trữ, với hy vọng đem lại “niềm vui chung” cho cả nông dân, lẫn doanh nghiệp.

> Giá lúa tăng, nông dân vẫn thiệt
> Công khai kết quả mua tạm trữ thóc, gạo

Chênh lệch vào túi ai?

Tại buổi họp báo về chính sách mua tạm trữ lúa gạo, Bộ NN&PTNT cho biết, vụ Đông Xuân 2012-2013, theo chỉ đạo của Thủ tướng, mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Bộ Tài chính đưa ra mức giá thành bình quân là 3.616 đồng/kg, và để nông dân có lãi 30%, giá định hướng thu mua phải 4.700 đồng/kg trở lên.

Đợt mua tạm trữ vừa rồi, Bộ NN&PTNT đánh giá là kịp thời, thúc đẩy giá lúa tăng. Trong quá trình tạm trữ, giá lúa khô thường (lúa IR50404) tại kho dao động 5.200-5.400 đồng/kg, quy ra lúa khô tại ruộng là 5.100-5.300 đồng/kg, cao hơn thời điểm trước tạm trữ 100-200 đồng/kg.

Bộ Tài chính đánh giá, với giá thành sản xuất bình quân là 3.616 đồng/kg, mức chênh lệch giữa giá thu mua và giá thành từ 38-46%. Phần chênh lệch này không phải hoàn toàn nông dân trồng lúa được hưởng và không phải giống nhau ở các địa phương.

Lý giải về phần chênh lệch trên vào túi ai?, ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho rằng, trong đó có một phần thương lái.

Theo ông Phong, khi Bộ Tài chính xác định giá thành lúa định hướng 4.700 đồng/kg, VFA đã tính toán dự phòng, yêu cầu các DN mua lúa tạm trữ không được dưới 5.000 đồng/kg, vì nếu mua dưới mức này, nông dân khó có lãi 30%, do có khâu trung gian.

Còn ông Phạm Đồng Quảng, Phó Cục trưởng Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện chưa có một điều tra chi tiết nào về phần chênh lệch đó, nông dân được hưởng bao nhiêu trong khi hiện DN xuất khẩu gạo đang chủ yếu mua qua thương lái.

Ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Cục trưởng Chế biến, Thương mại Nông lâm sản và Nghề muối cho biết, tại thời điểm này, do giá lúa giảm, nên cứ mỗi tấn gạo tạm trữ, DN đang phải chịu lỗ 35 USD/tấn, trong khi đó 1 tấn lúa, nông dân bán chịu thiệt trong thời điểm này chỉ 5,4 - 6,8 USD/tấn. Đây là thực tế, chứ không phải hoàn toàn DN được hưởng lợi chỗ này.

Nông dân luôn thiệt

Ngày 10/5, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn phối hợp với tổ chức Oxfarm tổ chức hội thảo “ai hưởng lợi khi giá gạo tăng?”. Các tham luận đánh giá, giá gạo giảm hoặc tăng thì nông dân đều thiệt.

Ông Nguyễn Đình Bích, chuyên gia ngành lúa gạo, giải thích, quan sát lượng gạo xuất khẩu theo thời gian thấy một nghịch lý, cứ giá gạo trên thị trường giảm thì Việt Nam ùn ùn xuất, còn khi giá tăng thì Việt Nam lại giữ gạo trong kho.

Tồn tại nghịch lý ấy, theo ông Nguyễn Công Thắng ở Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, do các chính sách “mới tập trung đảm bảo an ninh lương thực, ổn định thị trường”, chưa coi trọng hiệu quả xuất khẩu gạo, chưa coi trọng lợi nhuận của nông dân... Thu nhập của người trồng lúa rất thấp, ở ĐBSCL chỉ đạt 535.000 đồng/người/tháng.

Ngay như việc tạm trữ lúa gạo vừa qua, Chính phủ dành nhiều nghìn tỷ đồng không tính lãi, nhưng lợi ích chưa đến được với nông dân. Hỗ trợ của Chính phủ hầu hết rơi vào doanh nghiệp và thương lái. Chưa kể rơi rớt cơ chế “xin-cho” triệt tiêu thêm chính sách hỗ trợ của Chính phủ.

“Hiệp hội Lương thực Việt Nam phân bổ chỉ tiêu mua tạm trữ cho các doanh nghiệp lương thực địa phương còn cảm tính”. Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL Lê Văn Bảnh nói.

Ông Lê Văn Bảnh cho rằng, chính sách nông nghiệp để đến được với nông dân thì phải “tạo điều kiện để doanh nghiệp và nông dân cùng lo, cùng hưởng thành quả sản xuất kinh doanh”. Theo ông Bảnh, cánh đồng mẫu lớn hiện nay là một cơ sở cho thực thi các chính sách như thế.

Phía Trung Quốc phá hợp đồng

Ngày 14/5, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho biết đến thời điểm này, doanh nghiệp phía Trung Quốc đã ký hợp đồng, nhập của phía Việt Nam 1,6 triệu tấn gạo, và hiện họ còn hơn 710.000 tấn chưa nhận hàng, đây là một khối lượng rất lớn. Tuy nhiên, trong 4 tháng đầu năm 2013, số lượng hợp đồng bị hủy với các đối tác Trung Quốc lớn nhất, chiếm 64% trong tổng số hợp đồng bị hủy.

Theo lãnh đạo VFA, Trung Quốc là thị trường tiềm năng, nhưng rất rủi ro, họ là nhà nhập khẩu lớn, nhưng có rất nhiều động thái làm DN chúng ta khổ cực. “Họ ép chúng ta đến tận cùng, ép hợp đồng sau, và hủy hợp đồng trước” - một lãnh đạo VFA nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.