10 giải pháp xử lý nợ xấu

10 giải pháp xử lý nợ xấu
TPO - Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng và Đề án thành lập Công ty Quản lý Tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam.

> Chẳng ai biết nợ xấu thực sự bao nhiêu?

> Đồng loạt hiến kế 'giải cứu' kinh tế

Đề án xử lý nợ xấu nêu rõ, mục tiêu xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng nhằm tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng mở rộng tín dụng với lãi suất hợp lý, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô; cải thiện thanh khoản và nâng cao sự an toàn, lành mạnh, hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng, thị trường tiền tệ. Phấn đấu đến cuối năm 2015 xử lý được cơ bản số nợ xấu hiện nay.

Đề án sẽ tập trung xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng Việt Nam, bao gồm nợ xấu cấp tín dụng, nợ xấu mua trái phiếu doanh nghiệp và nợ xấu ủy thác cấp tín dụng, mua trái phiếu doanh nghiệp. Tập trung xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng có tỷ lệ nợ xấu trên 3% tổng dư nợ và nợ xấu có tài sản bảo đảm, trong đó ưu tiên xử lý nợ xấu có tài sản bảo đảm là bất động sản.

10 giải pháp xử lý nợ xấu

Để xử lý nợ xấu và phòng ngừa, hạn chế nợ xấu gia tăng trong tương lai, các tổ chức tín dụng chủ động triển khai 10 giải pháp: 1- Đánh giá lại chất lượng và khả năng thu hồi của các khoản nợ để có biện pháp xử lý thích hợp; 2- Tăng cường trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu; 3- Tiếp tục cơ cấu lại nợ; 4- Tiếp tục hỗ trợ vốn để khách hàng khắc phục khó khăn và phục hồi; 5- Bổ sung, hoàn thiện hồ sơ pháp lý tài sản bảo đảm; 6- Thu nợ và xử lý tài sản bảo đảm; 7- Hoán đổi nợ thành vốn; 8- Bán nợ xấu cho Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) thuộc Bộ Tài chính; 9- Kiểm soát chặt chẽ và giảm chi phí hoạt động; 10- Hạn chế nợ xấu phát sinh trong tương lai.

Đối với khách hàng vay phải tự củng cố, chấn chỉnh hoạt động, nâng cao năng lực tài chính, quản trị, tăng cường ứng dụng công nghệ và khả năng cạnh tranh; chủ động, tích cực phối hợp với tổ chức tín dụng xây dựng và triển khai các phương án cơ cấu lại nợ, tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh; chủ động phát triển thị trường tiêu thụ hàng hóa, đẩy mạnh xuất khẩu; tham gia tích cực vào các chương trình, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp do Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương triển khai...

Chỉ mua nợ xấu đủ điều kiện

Theo Đề án thành lập Công ty Quản lý Tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam cũng vừa được Thủ tướng phê duyệt thì Công ty Quản lý Tài sản được thành lập với tư cách công cụ đặc biệt của Nhà nước nhằm góp phần xử lý nhanh nợ xấu, lành mạnh hóa tài chính, giảm thiểu rủi ro cho các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hợp lý cho nền kinh tế. Đây là doanh nghiệp đặc thù do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ (500 tỷ đồng).

Công ty Quản lý Tài sản mua nợ xấu của tổ chức tín dụng theo giá trị ghi sổ số dư nợ gốc khách hàng vay chưa trả đã được khấu trừ số tiền dự phòng cụ thể đã trích lập chưa sử dụng cho khoản nợ xấu đó và trả cho tổ chức tín dụng bán nợ bằng trái phiếu đặc biệt.

Khi có nhu cầu về vốn, tổ chức tín dụng có thể sử dụng trái phiếu đặc biệt để vay tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước quyết định mức cho vay tái cấp vốn cụ thể so với mệnh giá trái phiếu đặc biệt và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định mức lãi suất cho vay tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu đặc biệt trong từng thời kỳ.

Ngoài ra, căn cứ năng lực tài chính, hiệu quả kinh tế và điều kiện thị trường, Công ty Quản lý Tài sản mua nợ xấu của tổ chức tín dụng theo giá trị thị trường bằng nguồn vốn không phải trái phiếu đặc biệt trên cơ sở thỏa thuận và giá trị khoản nợ xấu được đánh giá lại đối với các khoản nợ xấu đáp ứng các điều kiện như: Được đánh giá có khả năng thu hồi đầy đủ số tiền mua nợ xấu; tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu có khả năng phát mại; khách hàng vay có triển vọng phục hồi khả năng trả nợ...

5 điều kiện mua nợ xấu:

1- Các khoản nợ xấu (bằng VND hoặc ngoại tệ) của tổ chức tín dụng Việt Nam, bao gồm nợ xấu trong hoạt động cấp tín dụng, mua trái phiếu doanh nghiệp, ủy thác mua trái phiếu doanh nghiệp, ủy thác cấp tín dụng và hoạt động khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

2- Các khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm, trước hết tập trung xử lý các khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm là bất động sản, bao gồm cả tài sản bảo đảm hình thành trong tương lai là bất động sản.

3- Khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm phải hợp pháp và có hồ sơ, giấy tờ hợp lệ.

4- Khách hàng vay còn tồn tại.

5- Số dư của khoản nợ xấu hoặc dư nợ xấu của khách hàng vay không thấp hơn mức quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Thủ tướng Chính phủ quyết định việc Công ty Quản lý Tài sản mua các khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng không đáp ứng đầy đủ các điều kiện nêu trên.

Theo Viết
MỚI - NÓNG