Dùng nguồn tiền nào để xử lý nợ xấu?

Dùng nguồn tiền nào để xử lý nợ xấu?
Theo TS Nghĩa, xử lý nợ xấu là trọng tâm tái cấu trúc ngân hàng nhưng làm thế nào để nó không quay trở lại mới là quan trọng

> Từ 9/7, Cty mua bán nợ xấu chính thức hoạt động
> Báo cáo láo, DN sẽ bị giám sát đặc biệt

Điều quan trọng nhất là xử lý nợ xấu bằng nguồn tiền nào. Ảnh: Ngọc Thắng/Thanh niên
Điều quan trọng nhất là xử lý nợ xấu bằng nguồn tiền nào. Ảnh: Ngọc Thắng/Thanh niên.

Theo tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, Việt Nam sử dụng hỗn hợp hai nguồn tiền từ Ngân sách và Ngân hàng Nhà nước cùng Công ty xử lý nợ đặc thù nhằm đạt hai mục tiêu là xử lý nợ nhưng vẫn tạo ra cơ hội cho doanh nghiệp (DN) tiếp cận vốn ngân hàng để phát triển.

Bắt bệnh nợ xấu

Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh (BDI), thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tiền tệ của Chính phủ, cho rằng trong giai đoạn 2007- 2010, các doanh nghiệp và người dân đổ xô đi vay tiền để hòng kiếm lời từ bong bóng bất động sản và chứng khoán, khiến cầu tín dụng bùng nổ, kéo theo cầu tiêu dùng và cầu đầu tư tăng mạnh trong khi tích lũy của nền kinh tế lại rất thấp.

Trong thời gian này, các ngân hàng thương mại cũng chịu thêm yêu cầu bắt buộc phải tăng vốn điều lệ. Vì vậy, nhiều ngân hàng nhỏ từ vài trăm tỷ đã buộc phải tăng vốn lên hàng ngàn tỷ khiến cho nhu cầu mở rộng quy mô, tăng huy động và cho vay tương xứng với vốn điều lệ bùng phát. Trong khi đó, khả năng quản lý và giám sát lại rất hạn chế.

Trên thực tế nợ xấu bất động sản hoặc có liên quan đến bất động sản là rất lớn. Rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc các lĩnh vực phi bất động sản và phi chứng khoán cũng có nợ xấu lớn do kinh doanh thêm bất động sản làm suy kiệt dòng tiền và nguồn vốn kinh doanh chính dẫn đến khó khăn hoặc phá sản.

Tuy nhiên, theo tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, “nợ xấu cũng phát sinh trực tiếp từ tổng cầu suy giảm mạnh khiến hàng tồn kho tăng cao, thị trường tiêu thụ thu hẹp. Sức cạnh tranh của hầu hết các doanh nghiệp vốn đã yếu lại càng yếu thêm và cuối cùng là mất lòng tin vào thị trường”.

Điều này cho thấy, khi nào tổng cầu chưa tăng trở lại, thị trường bất động sản chưa phục hồi thì số lượng doanh nghiệp rơi vào tình trạng suy kiệt lan nhanh từ khu vực nhỏ và vừa sang doanh nghiệp lớn và do đó nợ xấu tiếp tục gia tăng nếu không có biện pháp xử lý nhanh và dứt điểm, ông Lê Xuân Nghĩa cảnh báo.

Mặt khác cũng phải khẳng định rằng rủi ro chính sách đối với toàn bộ nền kinh tế nói chung và hệ thống ngân hàng với nợ xấu nói riêng là rất lớn. Ví dụ năm 2009 với lãi suất được nhà nước hỗ trợ chỉ còn 6,5%, nhiều doanh nghiệp tranh thủ đầu tư chiều sâu hoặc mở rộng sản xuất nhưng khi đầu tư đang dở dang thì lãi suất lại tăng lên 20% khiến cho hàng doạt dự án này và doanh nghiệp sở hữu nó gặp khó khăn lớn.

Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa cảnh báo thêm: “Ở Việt Nam, ngoài nợ xấu phát sinh và những biến động của thị trường thì còn có những rủi ro khác, như rủi ro chính sách, do quản lý và giám sát. Ba điều này, nếu không được khắc phục thì nợ xấu sẽ tiếp tục tăng trong tương lai”.

Phác đồ Đông – Tây kết hợp

Hiện nay, có nhiều số liệu khác nhau về nợ xấu. Số liệu các ngân hàng thương mại vào ngày 31/12/2012 thì khoảng 4,6%, nhưng khảo sát của Ngân hàng Nhà nước thì nợ xấu tính đến thời điểm đó vào khoảng 6,6% trên tổng dư nợ vào khoảng 2,4 triệu tỷ đồng.

Đó là con số khá lớn, trong đó một nửa là nợ nhóm 4 và nhóm 5. Cho đến nay, các ngân hàng thương mại cũng như NHNN cũng đưa ra chính sách tập trung xử lý chủ yếu cho nợ nhóm 3, tức là tái cơ cấu lại nợ theo hướng giãn kỳ hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm 2 chứ không đưa xuống nhóm 3.

Đồng thời, NHNN cũng cho phép NHTM sử dụng quỹ dự phòng rủi ro để giải quyết dứt điểm nợ nhóm 5. Tức là, chuyển nợ nhóm 5 ra ngoài bảng, xóa nợ nhóm 5 trên bảng cân đối tài sản của NH, có thể là cả nhóm 4. Vì thế, nếu tính trọng tâm công tác xử lý ở Việt Nam thì các NHNN và NHTM sẽ tập trung chủ yếu vào nợ nhóm 4, nhóm 5.

Nếu phân nợ theo khu vực cần xử lý thì 1/3 tổng số nợ xấu là nợ xây dựng cơ bản từ ngân sách và nợ từ ngân sách NN. Gộp 2 khoản này thì trách nhiệm xử lý thuộc về ngân sách, do Bộ tài chính xử lý, chiếm khoảng 1/3. 1/3 nữa do công ty VAMC của NHNN xử lý, 1/3 nữa do các NHTM tự xử lý. Như vậy, Việt Nam sẽ áp dụng mô hình phổ biến của thế giới là xử lý nợ xấu bằng nguồn tiền hỗn hợp, bao gồm tiền ngân sách và tiền của NHNN.

Tuy nhiên, tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa cho rằng: “Điều quan trọng nhất là xử lý nó bằng nguồn tiền nào”. Ông Nghĩa giải thích, nếu xử lý hoàn toàn bằng nguồn của NHNN thì tiến độ xử lý sẽ chậm vì nếu NHNN bơm tiền để xử lý nợ xấu, nhưng vẫn phải dè chừng với lạm phát tăng trở lại. Và vì xử lý chậm nên tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn xử lý nợ thấp. Các chuyên gia quốc tế đánh giá, nếu Việt Nam làm theo cách này thì tăng trưởng chỉ khoảng 6%/năm.

Còn nếu sử dụng hoàn toàn bằng ngân sách như tiền vay nợ trong nước, vay nợ nước ngoài, tiền bán doanh nghiệp nhà nước để xử lý nợ xấu thì tốc độ nhanh hơn, chỉ khoảng 2-3 năm. Thị trường bất động sản cũng như đóng băng tín dụng sẽ được phục hồi nhanh. Tăng trưởng sẽ vào khoảng 7,5-8%/năm, tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa nhận định.

Tuy nhiên, ông Lê Xuân Nghĩa cho biết: “Việt Nam đang áp dụng mô hình hỗn hợp. Biện pháp này có thể kỳ vọng, xử lý nợ xấu vào mức trung bình, kéo dài từ 4-5 năm”. Trong thời gian đó, đóng băng tín dụng và bất động sản sẽ tan dần nhưng vẫn chậm so với việc xử lý hoàn toàn bằng ngân sách. Tăng trưởng kinh tế cũng sẽ chỉ vào khoảng 5,5 -6% trong giai đoạn xử lý nợ xấu.

Trên thế giới chỉ mới có Hàn Quốc (năm 1997) là nước duy nhất áp dụng mô hình thứ 2 (nguồn tiền từ Ngân sách) và đã rất thành công, hầu hết các nước đều áp dụng mô hình thứ 3 (hỗn hợp) và kết quả khá tốt, đặc biệt là Mỹ trong cuộc khủng hoảng tài chính lần này. Việc lựa chọn mô hình hỗn hợp cũng do những áp lực chính trị từ phía các quốc hội là cơ quan kiểm soát chi tiêu ngân sách vốn liên quan mật thiết chính sách thuế và vay nợ của chính phủ.

Vaccine 2 trong 1 VAMC

Theo ông Lê Xuân Nghĩa, khó khăn lớn nhất trong quá trình xử lý nợ là làm thế nào mà vừa xử lý nợ nhưng phải đưa được các DN có khả năng tồn tại và phát triển về với NH. Nó không làm mất đà tăng trưởng mà làm kinh tế có thể phục hồi nhanh hơn, cả bất động sản cũng như tài sản.

Đây là vấn đề mà NHNN và Chính phủ đã cân nhắc và thành lập Công ty xử lý nợ (VAMC). Công ty này có một chức năng rất quan trọng là quyền đầu tư tài chính vào các DN, “có quyền biến nợ xấu thành vốn góp vào các DN và có thể đứng ra bảo lãnh cho các DN vay vốn NH”, ông Nghĩa nói. Các DN khi chuyển toàn bộ tài sản và thế chấp sang VAMC thì họ trắng tay, nếu không có VAMC bảo lãnh thì họ không thể tiếp cận vốn ngân hàng trong trường hợp có những dự án đầu tư có hiệu quả hoặc sản xuất kinh doanh đang rất bình thường.

Ở Việt Nam hiện nay có nhiều DN hiện đang hoạt động và hoạt động rất tốt, nhất là liên quan đến xuất khẩu như dệt, da, bao bì…Thậm chí có những DN ký hợp đồng xuất khẩu đến 2014, thế nhưng họ vẫn có nợ xấu nảy sinh từ việc kinh doanh thêm bất động sản. Chính nợ xấu này giết dần sản xuất chính, toàn bộ lợi nhuận không đủ trả lãi ngân hàng cho nợ xấu. Những DN như vậy rất cần bảo lãnh của VAMC. VAMC có thể đầu tư toàn bộ nợ xấu lại.

Ông Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh: “Đấy là điều rất đặc biệt trong mô hình xử lý nợ xấu của Việt Nambằng công ty VAMC. Chúng ta phải quan tâm đến chuyện xử lý nợ xấu nhưng phải tạo ra cơ hội cho DN tiếp cận vốn NH, nhất là những DN có khả năng tồn tại”.

Ngừa bệnh tái phát

Ông Nghĩa cho biết, sau khi xử lý xong nợ xấu, lành mạnh hóa tài chính thì bước quan trọng nhất tiếp theo là phải hiện đại hóa hoạt động của hệ thống ngân hàng theo chuẩn quốc tế.

Ông nói: “Nếu ngân hàng Việt Nam không được theo các chuẩn thì chắc chắn, 5 năm sau, nợ xấu lại trở lại, lại phải tái cấu trúc và nền kinh tế sẽ lại lao đao”. Xử lý nợ xấu là trọng tâm chương trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng nhưng phải làm thế nào để nó không quay trở lại trong tương lai mới là quan trọng, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Theo Đặng Khanh
VOV online

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG