Bộ LĐ-TBXH loay hoay, lao động tuyệt vọng

Bộ LĐ-TBXH loay hoay, lao động tuyệt vọng
TP - Từ ngày 29/8/2012, Hàn Quốc chính thức dừng Chương trình cấp phép mới (EPS) vô thời hạn đối với người lao động (NLĐ) Việt Nam. Tháng 12 tới, nếu không được khai thông, hơn một vạn chứng chỉ tiếng Hàn sẽ vô hiệu.

> Làng xuất khẩu lao động 'cha truyền con nối'
> Góc khuất trên đảo xuất ngoại

Trong khi lao động (LĐ) đang lâm vào tình trạng tuyệt vọng, lãnh đạo Bộ LĐ-TBXH loay hoay chưa tìm ra giải pháp và chưa có ai đứng ra chịu trách nhiệm.

Tuyệt vọng

Anh N.T và nhiều LĐ khác tại huyện Xuân Trường, Nam Định phải đi phụ hồ để kiếm tiền trả nợ khoản tiền vay để đi học và thi tiếng Hàn từ tháng 12/2012. May mắn, anh N.T thi đỗ nhưng mọi hy vọng đều tắt ngấm khi biết tin Hàn Quốc dừng không tiếp nhận LĐ Việt Nam.

“Thi đỗ, có chứng chỉ, những tưởng sẽ sớm được sang Hàn Quốc. Ai ngờ, đợi chờ suốt gần hai năm mà vẫn biệt vô âm tín. Khoản tiền 20 triệu đồng để ăn học, đi lại thi cử vay của người thân coi như mất sạch”, anh N.T nói.

Cùng cảnh ngộ, anh H.V.P (Kỳ Tân, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cũng cho biết, đã lỡ nhiều cơ hội việc làm tại Khu kinh tế Vũng Áng vì phải ở nhà để đợi được đi Hàn Quốc. “Tháng 12/2011 thi đỗ tiếng Hàn, nhưng đợi mãi vẫn không được đi”, anh P lo lắng.

Ông Lê Hồng Dương, Phòng Việc làm An toàn Lao động (Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa ) cho biết, toàn tỉnh có khoảng 3.000 LĐ đã có chứng chỉ tiếng Hàn, nhưng 2 năm trôi qua vẫn chưa được xuất cảnh. Ngoài ra, có khoảng 10.000 LĐ đã học xong tiếng Hàn không có cơ hội để thi.

Theo ông Dương, tính trung bình, ít nhất một LĐ cũng phải mất khoảng 6 triệu đồng cho một khoá học tiếng Hàn. Chỉ riêng tại Thanh Hoá, nếu lấy 6 triệu đồng nhân với khoảng 10 nghìn LĐ đã học xong tiếng Hàn và 3 nghìn LĐ đã có chứng chỉ tiếng Hàn, thiệt hại đã lên tới 78 tỷ đồng.

Người lao động tại kỳ thi tiếng Hàn. Ảnh: Phong Cầm
Người lao động tại kỳ thi tiếng Hàn. Ảnh: Phong Cầm.

Đuối lý 

Để kiếm tìm giải pháp khai thông thị trường Hàn Quốc, hôm qua (16/7), Bộ LĐ-TB&XH công bố báo cáo nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng việc NLĐ Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc.

Ông Nguyễn Thanh Hoà-Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH và ông Nguyễn Ngọc Quỳnh-Cục trưởng Quản lý lao động Ngoài nước chủ trì. Sau khi lắng nghe các kết quả của bản báo cáo, bà Kim Bukyung, đại diện đến từ Cục Lao động nước ngoài (Bộ Việc làm Hàn Quốc) đã “phản pháo”, cho rằng các thông tin đưa ra thiếu độ tin cậy, chính xác.

Theo bà Kim Bukyung, Việt Nam là nước có tỷ lệ LĐ bỏ trốn cao nhất trong số 15 nước được phép đưa LĐ vào Hàn Quốc. Trong khi tỷ lệ LĐ bỏ trốn các nước ở mức 18% thì Việt Nam lên tới 50,9%.

“Con số này cho thấy, tình trạng LĐ Việt Nam bỏ trốn đang rất nghiêm trọng. Trong khi đó, cơ quan quản lý Việt Nam vẫn chưa cho biết lý do vì sao”, bà Kim Bukyung nói.

Bà Kim Bukyung cho biết thêm, LĐ 15 nước (trong đó có Việt Nam) tham gia chương trình EPS đều bình đẳng. Tại sao Hàn Quốc có hơn 76.300 DN, nhưng báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH lại chỉ lấy mẫu tại 10 DN, rồi đưa ra kết luận tỷ lệ LĐ Việt Nam bỏ trốn cao do DN Hàn Quốc thích LĐ Việt Nam.

“Khẳng định như vậy là hoàn toàn không chính xác. Vì theo khảo sát của chúng tôi tại 754 DN Hàn Quốc, họ khẳng định ưa chuộng LĐ Indonesia và Philippines hơn LĐ Việt Nam”, bà Kim Bukyung khẳng định.

Theo đại diện đến từ Hàn Quốc, khi tổ chức kiểm tra tiếng Hàn tại Việt Nam, xuất hiện nhiều cá nhân, tổ chức làm trung gian, cò mồi thu tiền bất hợp pháp của LĐ. Vì thế, NLĐ phải bỏ ra một khoản tiền cao so với quy định nên phải bỏ trốn ra ngoài để tiếp tục làm việc, kiếm tiền bù vào chi phí trước khi đi.

Đổ thừa cho văn hoá?

Về trách nhiệm để xảy ra tình trạng LĐ bỏ trốn, khiến Hàn Quốc dừng tiếp nhận như hiện nay, bà Nguyễn Thị Lan Hương-Viện trưởng Khoa học lao động và xã hội cho biết, công tác quản lý LĐ của Việt Nam ở Hàn Quốc còn bất cập nên chưa kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh của NLĐ.

Ban QLLĐ Việt Nam tại Hàn Quốc luôn trong tình trạng quá tải, khó giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh. Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng Việt Nam và Hàn Quốc chưa đặt ra cụ thể ngay từ đầu nên còn bất cập (trong quản lý LĐ chuyển việc).

Theo bà Hương, thực tế, tỷ lệ LĐ chuyển chủ rất cao, song các cơ quan chức năng Việt Nam không có thông tin. “Hiện, Việt Nam cũng chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu quản lý, chưa có hệ thống mã số để quản lý LĐ nhằm theo dõi quá trình làm việc, chuyển việc ở nước ngoài”, bà Hương nói.

Ông Nguyễn Thanh Hoà-Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH thừa nhận, vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân chính khiến tỷ lệ LĐ Việt Nam bỏ trốn cao. “Có thể do chủ quan và thuộc về văn hoá, nhận thức, thói quen của NLĐ. Ở đây liệu có phải vì yếu tố văn hoá giữa 2 nước tương đồng nên LĐ Việt Nam bỏ trốn cao chăng”, ông Hoà nói.

Để trấn an, ông Hoà cho biết, tới đây, chắc chắn sẽ có các chế tài để ràng buộc NLĐ trước khi sang Hàn Quốc, nhằm hạn chế tỷ lệ bỏ trốn. Về câu hỏi, ai sẽ chịu trách nhiệm khi để Hàn Quốc dừng tiếp nhận LĐ Việt Nam vô thời hạn, thiệt hại mà NLĐ phải gánh chịu trong suốt thời gian qua và đặc biệt khi chứng chỉ tiếng Hàn vô hiệu, các lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH đều né tránh trả lời.

Điều đáng buồn, khi đại diện phía Hàn Quốc tranh luận lại, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH ngồi lặng im và không phản hồi. Nhiều người lo ngại rằng, với thái độ cứng rắn của bà Kim Bukyung, việc nối lại Chương trình EPS với Việt Nam xem ra vẫn còn rất xa.

Việt Nam hiện có khoảng 75.000 LĐ đang làm việc tại Hàn Quốc. Trong đó, có 36.000 LĐ sắp hết hạn về nước. Hiện, có 17.000 LĐ Việt Nam đang cư trú, làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Tỷ lệ LĐ bỏ trốn của Việt Nam cao gần gấp 3 lần so với các nước.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.