Phòng chống tham nhũng: Quản các đoàn thanh tra, kiểm toán

Phòng chống tham nhũng: Quản các đoàn thanh tra, kiểm toán
TP - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu như vậy tại phiên giải trình “Phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng thuộc trách nhiệm của cơ quan hành chính nhà nước”, do Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức ngày 18/7.

> Quy mô các vụ tham nhũng ngày càng lớn
> Sớm xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng

Thanh tra Chính phủ cũng có 11 vụ liên quan tham nhũng

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết: Công tác phòng chống tham nhũng có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên, vẫn phức tạp, nghiêm trọng, ngày càng tinh vi, diễn ra ở nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước. Đặc biệt, một số lĩnh vực nhạy cảm dễ xảy ra tham nhũng là tín dụng ngân hàng, quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản, đầu tư xây dựng cơ bản, lĩnh vực quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp. Ngay trong nội bộ Thanh tra Chính phủ từ 2009 đến nay đã xử lý 11 trường hợp vi phạm có liên quan hành vi tham nhũng.

Năm 2009, ngành thanh tra phát hiện 150 vụ, 431 người có hành vi tham nhũng, năm 2012 phát hiện 89 vụ, 107 người có hành vi tham nhũng với số tài sản hơn 104 tỷ đồng, kiến nghị xử lý 2 tập thể, 56 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 24 vụ, 42 người, xử lý trách nhiệm 20 người đứng đầu... “Số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện xử lý chưa phản ánh đúng tình hình tham nhũng đang diễn ra trong thực tế.

Các vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện chủ yếu ở cấp cơ sở và thường là đối tượng trực tiếp thực hiện; số vụ việc tham nhũng phát hiện và xử lý thông qua công tác thanh tra, kiểm tra còn ít. Quy mô các vụ tham nhũng ngày càng lớn, thể hiện ở số đối tượng liên quan, lượng tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát, xu hướng liên kết, hình thành tổ chức phạm trong các khu vực, lĩnh vực kinh tế ngày càng tăng, với thủ đoạn tinh vi” – Tổng Thanh tra cho biết.

Không thấy đề cập vụ việc nổi cộm

Tại phiên giải trình, ĐB đề nghị cơ quan chức năng làm rõ vì sao tham nhũng rất nghiêm trọng nhưng phát hiện ít, nhiều vụ có xu hướng “hành chính hóa”. ĐB Đỗ Văn Đương (TPHCM) nêu vụ việc tại Trung tâm nước sạch vệ sinh môi trường tỉnh Hưng Yên nghiệm thu khống tới 3 tỷ đồng nhưng thông khởi tố vụ án với lý do đã khắc phục hậu quả; vụ Cty Vinaconex Xuân Mai gây thất thoát hàng chục tỷ đồng, hồ sơ “chuyển đi chuyển lại”, dù dấu hiệu đã rõ. “Qua thống kê có đến 2/3 số vụ việc liên quan tham nhũng là xử lý hành chính. Vậy cách xử lý đó có chính xác không và ai sẽ là người giám sát trong việc này?” – ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (TPHCM) băn khoăn.

“Theo Báo cáo từ 2009-2012, Thanh tra đã chuyển cơ quan điều tra một số vụ việc nhưng chỉ là những vụ nhỏ lẻ, tuyệt nhiên không thấy nêu những vụ việc lớn trong thời gian đó mà Quốc hội yêu cầu phải làm rõ. Nếu không làm rõ những vụ việc như vậy, e rằng chúng ta sẽ bị mất lòng tin với dân rất lớn” – ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) chất vấn.

Tổng Thanh tra Chính phủ thừa nhận, thực tế, số liệu tổng kết hằng năm cũng cho thấy kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng qua thanh tra còn hạn chế. “Đối tượng tham nhũng thường là những người có chức vụ, quyền hạn, trình độ, có khả năng che giấu hành vi vi phạm. Nhiều trường hợp để chứng minh động cơ vụ lợi trong việc cố ý làm trái, thiếu trách nhiệm rất khó khăn” - Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh nói.

Kiểm toán tiêu cực - có nghe dư luận

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, từ 2009-2013 với hơn 700 đầu mối kiểm toán nhưng không có kiến nghị nào với Bộ Tài chính vụ việc có dấu hiệu tham nhũng. “Tuy nhiên, dư luận phản ánh, nhiều vụ việc cán bộ kiểm toán có dấu hiệu tiêu cực. Năm 2010 tại Quảng Ngãi phát hiện 4 kiểm toán viên nhận tiền bồi dưỡng 181 triệu đồng, chưa kể số tiền gợi ý hối lộ...” – ĐB Nga nói.

Chia sẻ về dư luận có tình trạng cán bộ tiêu cực, Tổng Kiểm toán Nguyễn Hữu Vạn ho biết: Ngành đã nghiêm khắc kiểm điểm theo tinh thần NQTƯ4 và xử lý 21 cán bộ, trong đó cho thôi việc 4 cán bộ liên quan. “Chúng tôi có nghe dư luận, nhưng để có bằng chứng cụ thể thì rất khó” - Ông Vạn phát biểu.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, thời gian qua mặc dù đạt một số kết quả nhưng công tác phát hiện, xử lý tham nhũng còn hạn chế, có nhiều vụ việc để kéo dài. Để khắc phục tình trạng này, cần chính quyết tâm, chuyển biến của những người trong cuộc, những người đang làm công tác này.

“Chủ trương một thì biện pháp phải mười”, phải quyết tâm, đề cao trách nhiệm cá nhân, tăng cường minh bạch trong hoạt động công vụ. “Đặc biệt cần có quy chế quản lý các đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán khi về cơ sở làm việc. Cần phải xử lý nghiêm những cán bộ làm việc không trong sáng, công tâm, khách quan; kiên quyết đưa ra khỏi nền công vụ những cán bộ không đủ phẩm chất, năng lực; không để xảy ra tình trạng “nén bạc đâm toạc tờ giấy” – Phó Thủ tướng nói.

Tại phiên giải trình, ĐBQH cũng cho rằng các cơ quan chức năng chưa làm hết trách nhiệm, để nhiều vụ việc sai phạm lớn nhưng chỉ xử lý hành chính mà không chuyển cơ quan điều tra. Kết quả báo cáo của Bộ Nội vụ, Bộ TN&MT không thấy nêu vi phạm cụ thể trong lĩnh vực cán bộ, tài nguyên, đất đai... Trong khi đây là những lĩnh vực rất nóng, cũng khiến ĐB băn khoăn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG