8 triệu lao động di cư từ làng ra phố

8 triệu lao động di cư từ làng ra phố
TP - Có khoảng 8 triệu lao động di cư từ nông thôn ra thành thị đang phải đối mặt với khó khăn tiếp cận dịch vụ công, tệ nạn xã hội, điều kiện sống và làm việc thấp kém.

> Việt Nam có 13 triệu lao động thuộc nhóm yếu thế
> Chống bóc lột và ngược đãi lao động di cư

Nhiều lao động di cư đang làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm đến tính mạng. Ảnh: Phong Cầm
Nhiều lao động di cư đang làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm đến tính mạng. Ảnh: Phong Cầm.

Số liệu trên được Bộ LĐ-TB&XH công bố ngày 26/8. Ông Lê Quang Trung, Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, cuộc điều tra được tiến hành trên phạm vi 15 tỉnh, thành phố có nhiều lao động di cư đến làm việc.

Nguyên nhân chính khiến lao động di cư là ở địa phương không có việc làm hoặc việc làm cho thu nhập thấp. Lao động di cư dưới 30 tuổi chiếm tới 69,9%, độ tuổi trung bình 25 (trình độ của lao động di cư chủ yếu tốt nghiệp THPT).

Theo ông Phạm Vũ Dũng Hà, người tham gia quá trình điều tra, có tới 18,6% lao động di cư phải đối mặt với những khó khăn khi không hoặc chưa đăng ký thường trú. Khó khăn thường gặp nhất là xin việc làm, tìm trường học cho con, khám chữa bệnh bằng BHYT; khó vay vốn, đăng ký kinh doanh, tiếp cận chính sách hỗ trợ địa phương.

Ông Hà cũng cho biết, trả lời về công việc đang làm, có tới 30,5% lao động di cư cho rằng họ phải đối mặt với ô nhiễm tiếng ồn, bụi bẩn; 14,1% làm việc độc hại; 10,4% công việc có tính chất nguy hiểm. Một thực tế nhức nhối, hầu hết lao động di cư phải trả giá điện, tiền nước sinh hoạt theo giá chủ nhà yêu cầu và thường cao gấp 2-3 lần giá quy định.

Theo ông Đào Đình Long, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tư vấn Phát triển cho biết, từ số liệu điều tra cho thấy, 61% lao động không có chuyên môn kỹ thuật. Điều này chứng tỏ, Bộ LĐ-TB&XH còn quá nhiều việc phải làm trong việc nâng cao tay nghề cho người lao động. Tới 90% người được hỏi cho biết đang thuê nhà.

“Điều lo lắng nhất của lao động di cư hiện nay là việc tiếp cận giáo dục công của con em đang rất khó khăn. Nếu không có lao động di cư, khó có thể đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế như những năm qua”, ông Long nói.

Chính sách nào cho lao động di cư?

Bà Nguyễn Thị Dân, Trưởng phòng Tiền lương - Lao động-Việc làm (Sở LĐ-TB&XH TPHCM) cho biết, TPHCM hiện đang là nơi thu hút đông đảo lao động di cư từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung và miền Tây.

Nhà nước cần phải có một chính sách cụ thể cho lao động di cư, xem đối tượng lao động này cần gì (chỗ ở, việc làm, sinh hoạt...) để giúp đỡ họ. Mục đích để lao động di cư không bị cò lao động lừa gạt, rơi vào cảnh tiền mất, tật mang. “Nếu không có tổ chức mà để lao động di cư tự do như hiện nay, họ rất dễ rơi vào các tệ nạn xã hội”, bà Dân nói.

 Để hỗ trợ lao động di cư, Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng dự thảo Quyết định về chính sách hỗ trợ người lao động di cư từ nông thôn đến thành thị, khu công nghiệp trình Thủ tướng phê duyệt tới đây.

Phó Cục trưởng Cục Việc làm Lê Quang Trung

Theo bà Dân, phải có giải pháp từ địa phương nơi lao động di cư ra đi, để xem họ muốn đi đâu, làm gì, đi bằng cách nào. “TPHCM không phân biệt đối xử với lao động di cư đến từ Nghệ An và Hà Tĩnh. Sở dĩ lao động di cư khó tiếp cận các dịch vụ công không phải vì phân biệt đối xử mà cơ sở hạ tầng thành phố đã quá tải; không đáp ứng được nhu cầu nên chỉ ưu tiên cho lao động địa phương”, bà Dân nói.

Còn bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Bình Dương thông tin, tỉnh này cũng không phân biệt đối xử với lao động di cư. Tuy nhiên, vì không có khả năng đầu tư để đáp ứng nhu cầu nên lao động di cư thường chịu thiệt khi tiếp cận các dịch vụ công, từ khám bệnh, học tập, ăn ở...

“Việc phân bổ nguồn lực, trung ương tính theo dân số. Tại Bình Dương có 1,8 triệu dân, nhưng ngân sách chỉ phục vụ cho 1,4 triệu dân; trong khi lao động làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thêm khoảng 1 triệu người”, bà Oanh nói.

Theo bà Oanh, năm 2013, Bình Dương tăng khoảng 24.000 học sinh. Để đáp ứng nhu cầu này, tỉnh phải có 2.000 tỷ đồng để xây dựng trường. “Dù muốn đáp ứng nhu cầu học hành cho con em lao động di cư cũng khó vì số tiền phân bổ có hạn, huống hồ một dự án trường học từ khi khởi công đến hoàn tất cũng phải mất 3-4 năm”, bà Dân nói.

Ông Lê Quang Trung, Phó Cục trưởng Cục Việc làm cho rằng, có một xu hướng tốt là hiện nay có nhiều địa phương “bắt tay” với khoảng 30 tỉnh khác để cung ứng lao động cho các doanh nghiệp có nhu cầu.

“Về lâu dài, để thu hút lao động di cư, các tỉnh, thành phố lớn phải có chính sách đầu tư nhà ở, cung cấp thông tin về thị trường lao động; có chính sách cụ thể cho lao động di cư”, ông Trung nói.

Theo ông Trung, việc quy hoạch phải đi trước một bước, có sự tham gia từ đầu của ngành LĐ-TB&XH để các địa phương chủ động về nguồn nhân lực. “Nhiều dự án hiện nay bị nghẽn do địa phương không đáp ứng được nguồn nhân lực của doanh nghiệp”, ông Trung khẳng định.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG