Giữ hộ vàng miếng: E ngại ngân hàng tìm cửa lách?

Giữ hộ vàng miếng: E ngại ngân hàng tìm cửa lách?
TP - Sau những “ì xèo” về việc các ngân hàng sử dụng vàng giữ hộ khách hàng vào nhiều mục đích khác, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã vừa ban hành Dự thảo thông tư hướng dẫn hoạt động cung ứng dịch vụ bảo quản vàng miếng của NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Với hai phương án “ đóng” lại “mở” không biết câu chuyện giữ hộ vàng của các NH sẽ ra sao?

> Siết quy định giữ hộ vàng miếng
> Gửi vàng phải ghi lại sê ri?

Gửi vàng có chọn lấy đúng sê ri

Trước khi Dự thảo Thông tư này ban hành, có nhiều đồn đoán sẽ chỉ có một lựa chọn đối với các NHTM đó là tất cả các hợp đồng giữ hộ, bảo quản vàng miếng đều phải ghi rõ số seri và trả lại chính vàng miếng đó.

Nhưng tại Dự thảo mà NHNN vừa công bố thì các NHTM lại có hai sự lựa chọn. Đó là ngân hàng sẽ trả lại chính số vàng miếng khách hàng đã gửi bảo quản. Hoặc ngân hàng có thể trả lại vàng miếng cùng loại, cùng nhãn hiệu, cùng chất lượng, khối lượng với vàng miếng khách hàng đã gửi bảo quản tùy theo yêu cầu.

Tại sao NHNN lại phải đưa ra hai hình thức thay vì chỉ một hình thức như dự kiến, một chuyên gia làm việc trong lĩnh vực ngoại hối lâu năm nhận định: với những loại vàng miếng dưới 5 chỉ không có số seri trong khi đấy số vàng này trong dân là không nhỏ. Do vậy, việc áp dụng một giải pháp cứng nhắc không phù hợp thực tế.

Nguyên Thống đốc NHNN TS Cao Sỹ Kiêm nhận định rằng: Hai hình thức giữ hộ vàng NHNN đưa ra là hợp lý và mang lại nhiều lựa chọn cho khách hàng. Nhiều người cho rằng việc đưa ra hình thức như vậy liệu có tạo khe hở cho các NH lách.

Song, vị chuyên gia trên lại cho rằng khó có thể xảy ra, bởi Dự thảo đưa ra những quy định khá chặt. Đó là các ngân hàng không được sử dụng vàng miếng nhận bảo quản của khách hàng dưới bất kỳ hình thức nào kể cả chuyển đổi thành tiền, bán, cho vay, chuyển đổi, cầm cố, thế chấp, ký quỹ bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ tiền vay.

Và nếu có được sử dụng thì các ngân hàng chỉ được sử dụng vàng miếng nhận bảo quản của khách hàng để trả vàng miếng đã nhận bảo quản cho khách hàng khác trong trường hợp có thỏa thuận hình thức chi trả trong hợp đồng.

“Đối với những khách hàng dù miếng vàng gửi không có số seri nhưng nếu vẫn muốn nhận chính miếng thì ngân hàng phải niêm phong miếng vàng đó. Và phí của miếng vàng nhận chính miếng sẽ cao hơn. Bởi chi phí bảo quản cao hơn do hệ thống kho quỹ phải sắp xếp “đặc biệt” để đảm bảo cả triệu miếng vàng được đảm bảo trả về đúng chủ nhân của nó”, một nguồn tin riêng cho biết.

Ai kiểm định chất lượng vàng giữ hộ?

Một số chuyên gia cho rằng, Dự thảo thông tư này còn nhiều thông tin quy định về điều kiện để được tham gia bảo quản vàng miếng, cũng như trách nhiệm của ngân hàng khi triển khai dịch vụ này chưa rõ. Nên hiện tại các NH được NHNN cấp phép vẫn đang “ém quân” chờ hướng dẫn mới cụ thể rõ ràng hơn mới “tung chiêu”.

Giữ hộ vàng miếng: E ngại ngân hàng tìm cửa lách? ảnh 1

Theo TS Cấn Văn Lực, nhiều khả năng chọn phương án 1 (trả lại chính số vàng miếng khách hàng đã gửi – pv). Khách hàng khó có thể kiểm định chất lượng vàng cùng loại, cùng nhãn hiệu ngân hàng trả lại cho mình. Liệu có ngân hàng làm thêm thao tác kiểm định chất lượng vàng khi trả lại vàng cho khách hàng? Một chuyên gia đặt vấn đề.

Tất nhiên không thể đòi hỏi bắt buộc các ngân hàng phải làm việc này. Vì đây là quyền lựa chọn của khách hàng. Nhưng đây cũng là vấn đề những “người trong cuộc” lưu tâm. “Cũng như hình thức đầu tư, tùy khách hàng thuộc mô típ mạo hiểm hay an toàn. Nếu mạo hiểm thì họ có thể chọn phương án hai”, ông Lực nói thêm.

Mặc dù cho rằng, các hình thức mà NHNN đưa ra kiểm soát việc “lách luật” của các ngân hàng khá chặt chẽ, nhưng theo một chuyên gia ngân hàng cho rằng, việc sử dụng vàng của người này chuyển trả người khác khá phức tạp vừa đảm bảo chất lượng vàng, đồng thời phải sự tuân thủ của các NH. Do đó đòi hỏi công tác thanh tra giám sát phải tăng cường, sát sao mới hạn chế tối đa những sai sót xảy ra trong nghiệp vụ này.

Trao đổi với Tiền phong về vấn đề này, một đại diện NHNN thừa nhận sau bài toán tất toán vàng, NHNN đang cố gắng bắt tay vào việc xử lý kiểm soát việc giữ hộ vàng và làm sao để các ngân hàng không lách luật.

“Phương án nào cũng có ưu điểm và hạn chế riêng. Ví như nếu quy định bắt buộc các TCTD phải trả vàng đúng sê ri người gửi, tức là không có chuyện được đem vàng đó ra sử dụng thì tất yếu, các NH sẽ tính phí giữ hộ vàng rất cao, khi đó người dân chắc chắn sẽ không chấp nhận và sẽ đem vàng về nhà cất. Còn đồng ý cho trả vàng khác miễn là đúng chất luợng, nhãn hiệu tức là các NH đã có thể “mượn” vàng gửi để mua bán trước đó ( điều tiết cung- cầu thị trường) lại e ngại kiểm soát trạng thái vàng của các NH. Để hạn chế rủi ro từ hình thức này, NHNN sẽ phải kiểm soát trạng thái của các TCTD mỗi ngày. Nói chung, việc đưa ra hai phương án như trên cũng nhằm đảm bảo quyền lợi cho cả người dân và DN. NHNN sẽ lắng nghe và tiếp thu các ý kiến” – Vị đại diện này khẳng định.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG