Tiết kiệm lớn từ… chuyện nhỏ

Tiết kiệm lớn từ… chuyện nhỏ
TP - “Chúng tôi thực hành tiết kiệm điện bằng những việc làm cụ thể và nhỏ nhất”- Ông Nguyễn Lài - Giám đốc Cty CP In và bao bì Bình Thuận chia sẻ về việc tiết kiệm tại đơn vị do mình đứng đầu. Nhiều doanh nghiệp (DN) khác cũng bắt đầu tiết kiệm điện từ việc làm nhỏ nhất.

> Đột phá tiết kiệm điện của ông chủ trang trại thanh long
> Nơi công chức không xài “điện chùa”

Hình thành thói quen tốt

Vào thăm xưởng sản xuất của Công ty CP In và bao bì Bình Thuận, chúng tôi thấy một máy in đang ngưng hoạt động và trên đó treo tấm bảng chữ đỏ: “Máy đang chờ việc”. Hiểu được thắc mắc của khách, ông Lài cười và giải thích: “Trước đây, mỗi khi có đơn hàng là chúng tôi nổi máy lên hoạt động ngay, dù chỉ hoạt động trong một thời gian ngắn rồi ngừng. Nay, tính toán lại, chúng tôi nhận thấy làm như vậy sẽ gây tốn kém nhiều điện tức là chi phí sản xuất sẽ tăng lên. Do đó, thay vì nổi máy ngay mỗi khi có đơn hàng, giờ chúng tôi tập trung một số đơn hàng lại chạy một lần nhằm tiết kiệm điện làm nóng hệ thống máy móc, nhất là máy sấy. Các lệnh sản xuất được sắp xếp sao cho đủ để máy tạo sóng chạy từ một ca làm việc trở lên…”.

Theo ông Lài, câu chuyện trên đây chỉ là một trong rất nhiều ví dụ về việc bố trí lại lịch sản xuất của Công ty CP In bao bì Bình Thuận trong thời gian gần đây. Công ty đã rà soát lại từng khâu sản xuất để sử dụng điện hợp lý, tiết kiệm nhưng vẫn nâng cao hiệu quả. Những công đoạn sản xuất tiêu hao nhiều điện cũng được chuyển sang giờ thấp điểm thay vì làm trong giờ cao điểm như trước.

Cũng theo ông Lài, không phải ai và lúc nào cũng có ý thức, thói quen sử dụng điện hiệu quả. Cho nên, việc tạo cho cán bộ nhân viên trong công ty một thói quen sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả được đặc biệt chú trọng. “Chúng tôi phải bắt đầu việc tiết kiệm điện từ thay đổi thói quen của người sử dụng điện”- ông Lài nói.

Ông cũng cho biết, công ty phải đưa ra những quy định và giám sát thực hiện nghiêm ngặt ở từng phân xưởng như: đèn chiếu sáng có công tắc sử dụng riêng cho từng máy; tắt đèn chiếu sáng và các thiết bị liên quan khi máy không hoạt động; đúng giờ làm việc mới mở cầu dao điện; tắt đèn chiếu sáng tại nơi không làm việc; tắt nguồn điện từng máy và đèn chiếu sáng khi nghỉ làm việc….

Theo ông Lài, lúc đầu cũng có chệch choạc, nhưng mọi người quen dần và đến nay hình thành được thói quen tốt trong sử dụng điện. Nhờ vậy, lượng điện của công ty giảm 10% so với năm trước đó trong khi sản lượng và doanh số sản xuất tăng 20%.

Gieo ý thức tiết kiệm điện

Mỗi sáng sớm, khi công nhân bắt đầu đến nhà máy làm việc, ngay tại cổng công ty Tae Kwang Vina (Khu công nghiệp Biên Hòa II), một đội công nhân gồm 24 người đeo khẩu hiệu tiết kiệm điện, đứng thành hai hàng vừa vỗ tay vừa hô to: “Các bạn ơi, hãy tiết kiệm năng lượng, vì ngày mai. Hãy tắt những thiết bị không cần thiết. Hãy tiết kiệm điện!”. Khẩu hiệu được lặp lại rất nhiều lần trên loa phóng thanh và công việc kêu gọi tiết kiệm điện chỉ kết thúc ít phút trước khi đến giờ làm việc chính thức.

Thay đổi thói quen sử dụng điện đã giúp Công ty CP In và bao bì Bình Thuận tiết kiệm 10% sản lượng điện
Thay đổi thói quen sử dụng điện đã giúp Công ty CP In và bao bì Bình Thuận tiết kiệm 10% sản lượng điện.

Ông Phan Tấn Học, một lãnh đạo của công ty Tae Kwang Vina chia sẻ, việc tuyên truyền, cổ động tiết kiệm điện theo hình thức kể trên đã gieo vào lòng công nhân ý thức sử dụng điện tiết kiệm và đã tạo được những hiệu ứng rất tích cực. Công ty cũng thường xuyên tổ chức các cuộc thi vẽ, viết, sáng tác hình ảnh và khẩu hiệu về chủ đề tiết kiệm điện. Những áp phích, tác phẩm dự thi tiết kiệm điện được trưng bày khắp các nơi trong nhà máy và trong từng phân xưởng làm việc. Công nhân thường tranh thủ giờ giải lao ít phút sau bữa ăn trưa để đọc, xem hình ảnh tuyên truyền về tiết kiệm điện. “Nhiều hình ảnh rất vui và ý nghĩa về việc tiết kiệm điện. Tôi thấy rất bổ ích” - Lan, một nữ công nhân nói với người viết bài này khi chăm chú xem các khẩu hiệu và hình ảnh tiết kiệm năng lượng trong bản tin dán trên tường khu vực nhà ăn.

Vào thăm một số phân xưởng sản xuất của công ty, chúng tôi ngỡ ngàng khi có khá nhiều cây xanh được trồng tươi tốt. Ông Học lý giải, nhằm tiết kiệm điện chiếu sáng, công ty chủ trương tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên trong phân xưởng sản xuất. Ánh sáng tự nhiên trong các phân xưởng nhiều đến mức cây xanh có thể sống tốt. Ngoài ra, Tae Kwang Vina đã triển khai hàng loạt các biện pháp kỹ thuật khác nhằm tiết kiệm điện như chuyển sử dụng những thiết bị điện có công suất lớn hoạt động vào giờ thấp điểm; máy lạnh chỉ sử dụng khi thật cần thiết và phải điều chỉnh từ 26 độ trở lên; tuyệt đối không để các thiết bị sử dụng điện hoạt động khi không có người làm việc...

Ở mỗi phân xưởng sản xuất, Tae Kwang Vina đều có một tổ tiết kiệm điện và nhiều sáng kiến tiết kiệm điện đã được ứng dụng thành công trong thực tiễn và đem lại hiệu quả cao. Đáng kể là sáng kiến bọc kín các thiết bị, máy móc làm nóng hoặc làm lạnh, giữ cho nhiệt độ không bị bốc hơi, hạn chế việc tiêu hao năng lượng điện.

Thay đổi thiết bị, công nghệ…

Trong khi hệ thống máy bơm, máy lạnh khu nghỉ dưỡng Resort Sài Gòn-Mũi Né (Phan Thiết, Bình Thuận) vẫn hoạt động tốt nhưng Ban giám đốc Cty CP DL-KS Sài Gòn - Mũi Né vẫn quyết định thay toàn bộ thiết bị mới.

Khu nghỉ dưỡng Resort Sài Gòn - Mũi Né mạnh dạn thay đổi thiết bị làm lạnh để tiết kiệm điện
Khu nghỉ dưỡng Resort Sài Gòn - Mũi Né mạnh dạn thay đổi thiết bị làm lạnh để tiết kiệm điện.

Ông Chu Tiến Dũng - Trưởng bộ phận kỹ thuật giải thích, việc thay đổi được thực hiện từ tháng 8/2012 và hiện đã hoàn thành đối với tất cả gần 90 phòng nghỉ tại khu nghỉ dưỡng. Theo ông Dũng, mặc dù chi phí ban đầu cho việc thay đổi máy lạnh thế hệ mới là không nhỏ, nhưng nếu tính về hiệu quả kinh tế từ việc tiết kiệm điện của các thiết bị mới mang lại thì chỉ một thời gian ngắn là lại vốn và sau đó là lãi ròng. Tiếp đó, Resort Sài Gòn-Mũi Né đã tiến hành lắp đặt bình nước nóng năng lượng mặt trời thay cho bình nước nóng sử dụng điện. Nhờ vậy, theo ông Dũng, thời gian qua tiết kiệm được một lượng điện đáng kể và làm tiền đề để xây dựng kế hoạch sử dụng điện trong năm 2013 tiết giảm 5-8% so với năm 2012.

Trong khi kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, song Công ty CP in và bao bì Phú Nhuận (KCN Phan Thiết) không những không “co” lại mà còn mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh và hiện đang đầu tư xưởng đóng gói thanh long xuất khẩu. Ông Lê Xuân Tiến- Giám đốc công ty chia sẻ, nhờ vào những giải pháp kỹ thuật mà công ty ứng dụng ở các nhà máy khác, đặc biệt là việc tiết kiệm điện hiệu quả, đã giúp công ty có nguồn vốn để đầu tư mới. Công ty đã thay đổi toàn bộ đèn chiếu sáng bằng đèn công nghệ led. Giá thành đầu tư ban đầu cao gấp đôi đèn thường, bù lại tiết kiệm được 2/3 sản lượng điện và chỉ hơn một năm là lại vốn. Công ty cũng sắp xếp lại sản xuất cho hợp lý hơn và sử dụng điện hiệu quả hơn nên đã tiết kiệm được khoảng 50% tiền điện so với trước đây, trong khi hiệu quả sản xuất kinh doanh không ngừng gia tăng. Đáng kể nhất, từ hơn 2 năm trước, công ty đã mạnh dạn chuyển từ sấy điện sang sấy bằng lò hơi để tiết kiệm điện. Ông Tiến tính toán, kinh phí đầu tư lò sấy hơi là 2,5 tỷ đồng nhưng tiết kiệm được khoảng 30-40% sản lượng điện so với lò sấy cũ. Do vậy chỉ trong thời gian từ hai đến hai năm rưỡi là có thể lấy lại được vốn từ việc tiết kiệm điện mang lại. Theo ông Tiến, trong số 6/7 DN sản xuất bao bì trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã chuyển từ sấy điện sang sấy hơi và đạt những kết quả tương tự.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.