Cổ phiếu ngân hàng: Giảm lãi, 'rớt' nhà đầu tư

Cổ phiếu ngân hàng: Giảm lãi, 'rớt' nhà đầu tư
TP - Nhiều ngân hàng đã tiến hành công bố lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2013 với bức tranh trái chiều. Chỉ số ít ngân hàng đạt được kết quả khả quan, còn phần lớn đều chung tình cảnh lợi nhuận sụt giảm mạnh so với cùng kỳ, thậm chí chưa đạt được 50% so với kế hoạch.

> Dòng tiền có trở lại?
> VAMC 'kích' tiền vào chứng khoán?

Nhóm cổ phiếu “hot” một thời này đang ngày một mất đi tính hấp dẫn và đang thách thức niềm tin của nhà đầu tư.

Thực - hư lợi nhuận

Dù vẫn còn nhiều ngân hàng chưa công khai kết quả kinh doanh nhưng thống kê cho thấy lợi nhuận của ngân hàng khá ảm đạm, thậm chí có Navibank còn bị thua lỗ 11 tỷ đồng trong quý 2/2013. Những ngân hàng có lợi nhuận sụt giảm mạnh như Techcombank có lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2013 đạt 653 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ.

Các ngân hàng lớn khác như ACB cũng có lợi nhuận đạt 715 tỷ đồng, giảm 55% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, cũng có thể xem đây là một kết quả khả quan với ngân hàng này vì 2 quý trước đó ACB đều thua lỗ. Một số ngân hàng niêm yết khác như Sacombank (STB) và Vietcombank (VCB) đều có lợi nhuận giảm nhẹ so với cùng kỳ.

Đáng chú ý trong kết quả lợi nhuận có là Vietinbank (CTG) với mức lợi nhuận sau thuế trong 6 tháng lên đến 3.163 tỷ đồng, tăng hơn 50% so cùng kỳ năm trước. Một ngân hàng cổ phần nhà nước khác là BIDV cũng có lợi nhuận 1.998 tỷ đồng, tăng 43,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trước đó, Vụ Dự báo Thống kê tiền tệ của NHNN cho thấy chỉ có 30,4% ngân hàng đánh giá thực trạng kinh doanh của 6 tháng đầu năm được cải thiện hơn trong khi có 21,5% ngân hàng cho rằng thực trạng kinh doanh kém hơn. Gần 50% ngân hàng được hỏi cũng cho biết lợi nhuận trước thuế giảm trong 6 tháng đầu năm nay so với 6 tháng cuối năm 2012, trong đó mức giảm tập trung nhiều nhất từ 20% đến dưới 30%.

Rõ ràng, kết quả kinh doanh ảm đạm như nửa đầu năm là không nằm ngoài dự đoán. Thậm chí kết quả này vượt ngoài kỳ vọng của nhiều người vì trong 2 quý cuối năm 2012 lợi nhuận ngân hàng đã giảm mạnh do phải trích lập dự phòng nợ xấu và thua lỗ trong đầu tư vàng. Chẳng hạn trong hai quý cuối năm 2012, lợi nhuận trước thuế của ABC âm 906 tỷ đồng, STB lợi nhuận quý 2/2013 âm 871 tỷ đồng.

 “Báo cáo tài chính của các ngân hàng cho thấy chỉ có một ngân hàng có nợ xấu cao như PGBank (9,10%), Ngân hàng SHB (9,04), NVB (6,11%)…. Còn lại hầu hết các ngân hàng lớn như VCB, CTG, MBB, ACB, EIB đều có nợ xấu dưới 3% và không thay đổi nhiều so với đầu năm. Số tiền trích lập dự phòng tài chính của các ngân hàng cũng ở mức khá thấp”.  

Trước kết quả được xem là khả quan của ngân hàng, một chuyên gia tài chính tỏ ra nghi ngờ. Ông cho rằng kết quả kinh doanh này vẫn chưa thể phản ánh trung thực sức khỏe của các ngân hàng hiện nay. Bằng chứng rõ nhất là nợ xấu của hầu hết các ngân hàng đều thấp hơn rất nhiều so với nhiều dự báo. Thực tế, vào cuối tháng 5/2013, NHNN đã chính thức hoãn thời hạn áp dụng Thông tư 02 khoản 1 năm 2013. Theo đó thì nhiều khoản nợ xấu của ngân hàng tiếp tục bị treo. Điều này, đồng nghĩa với việc ngân hàng không còn phải trích lập dự phòng nợ xấu một cách đầy đủ.

Thử thách lòng kiên nhẫn

Cổ phiếu ngân hàng: Giảm lãi, 'rớt' nhà đầu tư ảnh 1
 

Chị Dung (Gò Vấp, TPHCM), một nhà đầu tư trên sàn chứng khoán Rồng Việt chia sẻ, trước đây chị cũng rất “kết” cổ phiếu Sacombank (STB) và ACB. Tuy nhiên từ đầu năm đến nay chị đã không còn giữ cổ phiếu ngân hàng nào trong danh mục đầu tư của mình.

Theo chị Dung, hơn một năm qua chị đầu tư chứng khoán không có lời nhiều nên không thể đánh cược sự kiên nhẫn với nhóm cổ phiếu ngân hàng vì những rủi ro được dự báo. Trong thời gian qua nhiều nhà đầu tư chỉ lướt sóng những cổ phiếu có thanh khoản tốt chứ đầu tư dài hạn thì phải nghiên cứu kỹ lắm!

Khi được hỏi kỳ vọng như thế nào vào nhóm cổ phiếu tài chính ngân hàng, anh Hùng (Tân Bình, TPHCM), cho hay nhiều nhận định cho rằng cổ phiếu ngân hàng sẽ có khả năng sinh lời trong trung và dài hạn khi các vấn đề liên quan đến nợ xấu được xử lý bởi mức giá hiện tại của nhóm ngành là khá hấp dẫn.

Tuy nhiên anh Hùng cũng cho biết bản thân anh không dám đặt cược lượng vốn ít ỏi của mình vào vì chưa biết đến khi nào các vấn đề nợ xấu mới được xử lý dứt khoát. Bên cạnh, nhiều nhà đầu tư trên các diễn đàn cũng tỏ ra ái ngại cổ phiếu ngân hàng trong thời gian dài vừa qua vì lợi nhuận sụt giảm, tăng trưởng tín dụng, tỷ lệ nợ xấu, hay thậm chí những vấn đề liên quan đến việc sở hữu chéo, thâu tóm ngân hàng…

Hiện, khó có thể phủ nhận việc cổ phiếu ngân hàng đã dần mất sức hấp dẫn bởi triển vọng hệ thống tài chính còn nhiều u ám. Do vậy, niềm tin nhà đầu tư đối với cổ phiếu ngân hàng ngày càng vơi dần cũng là điều dễ hiểu.

Khối ngoại “chê”?

Thị trường chứng khoán đã sụt giảm mạnh trong nửa cuối tháng 8 vừa qua. VN-Index từ mức 507 điểm vào ngày 19/08 đã xuống chỉ còn 468 điểm vào phiên cuối cùng của tháng tháng 8. Cũng trong khoảng thời gian đó, cổ phiếu dẫn đầu trong nhóm cổ phiếu ngân hàng là VCB cũng giảm từ mức 26.900 xuống còn 24.700 đồng/cổ phiếu, tương đương 8,17%.

Dù được đánh giá là một ngân hàng tốt và lợi nhuận 6 tháng vẫn được duy trì nhưng giá cổ phiếu VCB đã giảm mạnh do liên tục bị khối ngoại bán ra. Thống kê trong tháng 8 cho thấy VCB đã bị nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 109 tỷ đồng.

Ngay cả cổ phiếu CTG cũng bị nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 83 tỷ đồng trong tháng 8 nhưng nhờ 2 phiên phục hồi vào cuối tháng và đóng cửa ở mức 19.500 đồng/cổ phiếu, tăng nhẹ so với đầu tháng. Các cổ phiếu khác như STB cũng bị bán ròng 43 tỷ đồng, EIB bán ròng 23 tỷ đồng. Giá cổ phiếu STB và EIB đã giảm nhẹ trong tháng 8.

Do đó, việc khối ngoại bán cổ phiếu ngân hàng cũng là điều dễ hiểu. Điều này cũng hàm ý cổ phiếu ngân hàng trong những tháng còn lại khó có sự đột phá thậm chí có thể còn tiếp tục ảm đạm. Do đó, có thể nhà tư đầu nước ngoài nghi về tính xác thực của con số lợi nhuận trong báo cáo của các ngân hàng.

Mới đây, theo báo cáo của NHNN, tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt 4,91%, trong khi đó tiền gửi tăng 9,48%. Ngoài ra, lãi suất cho vay của ngân hàng cũng giảm khá mạnh làm lợi nhuận biên của ngân hàng giảm. Như vậy, chắc chắn kết thúc năm 2013, các ngân hàng không thể đạt được lợi nhuận lớn và tăng trưởng cao như kỳ vọng . VAMC - liều thuốc giải phóng nợ xấu và tạo đà cho các ngân hàng xử lý tốt sẽ có sự bứt phá mạnh đến nay vẫn chưa có tiến triển nào.
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
HÌNH SỰ: Nhà hàng ở TPHCM có cả trăm nhân viên bán dâm, kích dục cho khách
HÌNH SỰ: Nhà hàng ở TPHCM có cả trăm nhân viên bán dâm, kích dục cho khách
TPO - TIN NÓNG ngày 28/3: Thêm một Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc bị bắt vì nhận hối lộ; Tạm giữ hình sự tài xế lái xe khách tông chết người rồi bỏ trốn; Người đàn ông bị ‘bắt cóc’ lên ô tô đưa đi ký giấy nợ mua bán thiên thạch; Nhà hàng tuyển cả trăm tiếp viên múa thoát y, bán dâm cho khách nam và nữ...