Điều hành xăng dầu: Bỏ định giá sẽ xóa độc quyền

Điều hành xăng dầu: Bỏ định giá sẽ xóa độc quyền
TP - Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu sửa đổi vẫn tiếp tục giữ cơ chế định giá như hiện nay sẽ rất không ổn. Vì nếu để doanh nghiệp tự định giá, việc điều hành giá xăng dầu tới đây sẽ không có gì thay đổi.

> Không điều chỉnh giá xăng, dầu
> Giá xăng, dầu giảm nhỏ giọt

Nên bỏ lợi nhuận định mức

 “Việc bỏ khoản lợi nhuận định mức hoặc giảm lợi nhuận định mức xuống là cần thiết, vì nếu để như hiện nay, vô hình trung Nhà nước đã giúp doanh nghiệp xăng dầu thu một khoản lợi nhuận quá lớn”.  

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long

Theo thông tin từ Bộ Công Thương, Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu sửa đổi đã được bộ này trình lên Thủ tướng. Điều khiến dư luận quan tâm là, Bộ Công Thương vẫn giữ nguyên quy định cho phép doanh nghiệp xăng dầu tự định giá. Nếu đúng vậy, cơ chế định giá xăng dầu vẫn không có gì thay đổi so với Nghị định 84 hiện hành. Hiện, trong cơ cấu tính giá xăng dầu, theo quy định, doanh nghiệp được hưởng lợi nhuận định mức 300 đồng/lít. Tức là, khi người tiêu dùng bỏ ra 24.270 đồng để mua một lít xăng A92, buộc phải trả 300 đồng/lít lợi nhuận cho doanh nghiệp hưởng.

Báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho thấy, tổng lợi nhuận hợp nhất trước thuế là 898,32 tỷ đồng. Trong đó, riêng kinh doanh xăng dầu lãi 388,22 tỷ đồng. Ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng giám đốc Petrolimex cho biết, mức lợi nhuận như trên là không lớn, vì tính ra, trung bình mỗi lít xăng dầu, Petrolimex chỉ lãi 94 đồng. Một chuyên gia kinh tế cho rằng, trong 6 tháng đầu năm, mỗi lít xăng dầu Petrolimex lãi 94 đồng, đã thu về cho tập đoàn này khoản tiền 388,22 tỷ đồng. Vậy, nếu tiếp tục để khoản lợi nhuận định mức (300 đồng/lít) như hiện nay, chắc chắn tiền thu về của doanh nghiệp còn lớn hơn nhiều.

Nghi ngờ trên của vị chuyên gia là có cơ sở, vì mới đây, khi trả lời báo chí, Vụ trưởng Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Võ Văn Quyền tiết lộ, với lượng nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm của Petrolimex là 4,1 triệu tấn xăng dầu, đáng ra, tập đoàn này phải được lãi tới 1.200 tỷ đồng.

Trao đổi với PV Tiền Phong, Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, với quy định hiện hành, Nhà nước tạo ra sự ỷ lại cho doanh nghiệp. Vì dù kinh doanh thế nào, cuối cùng vẫn có khoản lợi nhuận định mức 300 đồng/lít. Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Ngọc Sơn (Đại học Kinh tế - luật TPHCM) cho rằng, không nên duy trì khoản lợi nhuận định mức trong giá cơ sở cho doanh nghiệp xăng dầu. Theo TS Sơn, khi xây dựng nghị định mới về điều hành giá xăng dầu thay thế Nghị định 84, cần loại bỏ khoản này hoặc đưa mức thấp hơn để khuyến khích doanh nghiệp tập trung công tác quản trị kinh doanh, dự báo thị trường, đơn vị nào làm tốt sẽ có lời và ngược lại.

Định giá kiểu... nửa vời

Một chuyên gia kinh tế (xin giấu tên) cho biết, kiểu định giá như trong Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu hiện nay là kiểu định giá lưỡng tính, nửa vời. Vị chuyên gia này phân tích: Petrolimex và các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đang tạo ra sự nghi ngờ của dư luận về tính minh bạch của giá xăng dầu. Khi điều hành giá xăng dầu, đòi hỏi các bộ liên quan (Tài chính - Công Thương) phải có trình độ và phải tuân theo quy luật của thị trường. Vì, nếu điều hành trái với quy luật thị trường, sẽ gây ra những hậu quả nhất định.

Theo vị chuyên gia trên, trong Nghị định 84 sửa đổi, nếu tiếp tục để cho doanh nghiệp xăng dầu tự định giá sẽ là sai lầm lớn vì trái với quy luật quản lý giá trong kinh tế thị trường.

Ông Ngô Trí Long cho biết, trước khi Bộ Công Thương trình Nghị định 84 sửa đổi lên Thủ tướng, ông có đọc. Theo đó, biên độ định giá của doanh nghiệp là từ 0-5%. Như vậy, về bản chất, nghị định mới có được thông qua cũng không có gì thay đổi lớn so với hiện hành. Theo ông Long, việc bỏ khoản lợi nhuận định mức hoặc giảm lợi nhuận định mức xuống là cần thiết, vì nếu để như hiện nay, vô hình Nhà nước đã giúp doanh nghiệp xăng dầu thu một khoản lợi nhuận quá lớn. “Mỗi lít xăng doanh nghiệp được lợi nhuận định mức 300 đồng/lít. Nếu trong một năm, doanh nghiệp kinh doanh tới hàng triệu lít, rõ ràng khoản lợi nhuận thu về sẽ rất khủng”, ông Long nói.

Theo ông Long, vấn đề quan trọng trong điều hành giá xăng dầu là phải xem xét trong cơ cấu giá đã đầy đủ chưa. Muốn vậy, vấn đề then chốt chính là cơ chế định giá. “Trong Nghị định 84 sửa đổi, nếu tiếp tục để doanh nghiệp tự định giá thì về bản chất, điều hành giá xăng dầu tới đây sẽ không có gì thay đổi so với trước”, ông Long nói.

Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, nếu Nhà nước tiếp tục để cho doanh nghiệp xăng dầu tự định giá sẽ cực kỳ nguy hiểm. Hiện, doanh nghiệp xăng dầu không phải độc quyền thuần túy mà độc quyền nhóm. Nói cách khác, doanh nghiệp xăng dầu đang thống lĩnh thị trường.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG