Luẩn quẩn bến xe nhà nước

Luẩn quẩn bến xe nhà nước
TP - Hà Nội đang tồn tại 2 loại hình bến xe: Nhà nước và tư nhân. Đây cũng là một bức tranh với 2 màu tương phản. Thời gian qua, nhiều tai tiếng về sự lộn xộn, nhếch nhác, tiêu cực... đều có tên của các bến xe nhà nước.

> Hà Nội xây bến xe mới: Rối càng thêm rối?
> Trước 15/8 giảm còn 700 lượt xe/ngày

Trong khi, nhiều bến xe tư nhân đang hướng tới sự quản trị chuyên nghiệp, đang hình thành môi trường văn minh. Câu chuyện này cũng giống việc hễ nhà nước xây trạm dừng chân thì ế khách; tư nhân đầu tư có cảnh quan đẹp, khách đến đông.

Sau vụ lộn xộn tại Bến xe Mỹ Đình, Hà Nội đang xúc tiến việc mở rộng và xây mới các bến xe. Tương lai gần, Thủ đô sẽ có tới 10 bến xe. Theo nhiều chuyên gia, thời buổi kinh tế khó khăn, cách xử lý hiện tại với các bến xe là manh mún, lãng phí nguồn lực...

Đổ vàng vào mỏ vàng

Ngày 23/8 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi phê duyệt mở rộng Bến xe Mỹ Đình thêm 1,3 ha. Được cho là cấp bách, Hà Nội đang quyết tâm hoàn thiện dự án vào cuối năm nay với những cơ chế đặc thù. Đây có thể coi là một động thái tích cực của chính quyền Thủ đô. Tuy nhiên, kinh phí bỏ ra để thực hiện dự án này (dự kiến khoảng 55,4 tỷ đồng) được lấy từ ngân sách và giao cho một đơn vị sự nghiệp của thành phố làm chủ đầu tư. Điều này đang xới lên câu chuyện tại sao không xã hội hoá bến xe ở Thủ đô.

Trong sự quá tải, lộn xộn của Bến xe Mỹ Đình vừa qua cho thấy, bến xe này thực sự là một “mỏ vàng” để khai thác. Dân cư đông, lượng khách đổ về nhiều. Có thời điểm, Bến xe Mỹ Đình lên tới 1.500 lượt xe/ngày. Các DN vận tải chỉ mong được cấp phép chạy xe vào bến này (còn gọi là nốt xe).

Nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, Bến xe Mỹ Đình hoàn toàn có thể trở thành một địa chỉ hấp dẫn với các nhà đầu tư tư nhân. Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội nói: “Mỹ Đình đang như mỏ vàng, sao nhà nước lại phải đổ thêm tiền vào. Nếu tư nhân đầu tư, nhà nước không mất kinh phí, hoạt động vận tải sẽ tốt lên, hành khách hưởng lợi hơn” - ông Liên nói.

“Thuốc” chống tiêu cực: Tư nhân hóa

Hiện tượng tiêu cực, nộp phí ngoài luồng là vấn nạn nhức nhối tại các bến xe nhà nước trên địa bàn Hà Nội lâu nay và đang tái diễn sau khi các đoàn thanh tra tại các bến rút đi (sau vụ Bến xe Mỹ Đình). Theo khảo sát của PV Tiền Phong, các phụ xe khi vào làm thủ tục vẫn phải kẹp tiền vào sổ nhật trình để đưa cho nhân viên điều độ, thu ngân, nhân viên kiểm soát cổng ra vào. Thậm chí, đến nhân viên phát thanh cũng có tiền tiêu cực.

Trao đổi với PV Tiền Phong, một chủ DN (giấu tên) có hơn 10 xe chạy các bến nhà nước tại Hà Nội kể: “Lấy một con dấu mất 10-20 nghìn đồng, có gần chục nơi như thế. Tính ra, mỗi chuyến mất đứt 200 nghìn đồng. Cả năm, DN mất khoảng 600 triệu đồng. Mỗi năm, tôi chỉ mong để ra được từng đó tiền mà không được”. Với hàng nghìn xe tại các bến nhà nước ở Thủ đô hiện nay, số tiền tiêu cực phí sẽ là bao nhiêu? Ai sẽ là người cuối cùng gánh số tiền “phụ trội” đó? Trao đổi với PV Tiền Phong, một lãnh đạo bến xe nhà nước tại Hà Nội thừa nhận có những bó buộc trong điều hành vì luôn phải chờ ý kiến của cấp trên. Đặc biệt, trong bến luôn có con cháu của các lãnh đạo gửi gắm nên muốn kỷ luật để quản lý nghiêm cũng không thể.

Trong khi đó, các bến xe khách tư nhân tại Hà Nội như Nước Ngầm và Lương Yên, theo khảo sát của PV Tiền Phong không phát hiện và nghe phản ánh về hiện tượng này. Gần như khắp các ngóc ngách trong bến đều có camera giám sát nhân viên. Thậm chí, Bến xe Lương Yên có wifi miễn phí cho hành khách từ nhiều năm trước; phòng chờ hành khách có điều hoà. Bến xe Nước Ngầm rào chắn, bảo vệ nghiêm nên chỉ khách mua vé mới được vào bến (xoá bỏ hiện tượng chèo kéo, mất an toàn tại cổng bến); nhà vệ sinh và phòng tắm miễn phí cho hành khách và lái xe; có tủ trưng bày đồ dùng của hành khách bỏ quên để trả lại. Được biết, gần đây, có nhiều lãnh đạo bến xe các tỉnh về Hà Nội tìm hiểu cách quản lý của các bến xe tư nhân tại Hà Nội.

TS Trần Hữu Minh (Đại học GTVT Hà Nội) cho rằng, đặc thù của bến xe nhà nước là không bị thúc ép lợi nhuận nên quản lý chi phí lỏng lẻo, nhân sự phình ra. “Tư nhân hoá bến xe, vận tải công cộng là xu hướng chính đã được thực hiện ở châu Âu từ hàng chục năm nay. Ở Luân Đôn (Anh), 100% vận tải công cộng do tư nhân đảm nhận. Thực tiễn chứng minh, các bến xe tư nhân hoạt động hiệu quả hơn bến nhà nước” - TS Minh nói. Với trường hợp của Bến xe Mỹ Đình, TS Minh cho rằng, UBND TP Hà Nội nên tận dụng cơ hội này để mời các nhà đầu tư tư nhân vào cuộc, để dành ngân sách cho những việc cần thiết khác.

Hội đồng nhân dân TP Hà Nội vừa ban hành nghị quyết khuyến khích tổ chức cá nhân tham gia đầu tư bến xe. Theo đó, ngân sách thành phố hỗ trợ 100% tiền thuê đất trong 10 năm đầu; DN được vay vốn từ Quỹ đầu tư phát triển thành phố với lãi suất ưu đãi hoặc hỗ trợ lãi suất vay tại các ngân hàng thương mại...

Còn nữa

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG